Cách đây không lâu, Báo Xây dựng đã đề cập tới việc tỉnh Thái Nguyên xem xét loại bỏ 22 dự án chậm tiến độ là chưa đáng kể so với thực tế. Sau khi báo đến tay bạn đọc, chúng tôi nhận được phản ánh của cán bộ và nhân dân P.Tân Lập (TP Thái Nguyên) về một dự án “rùa” khác đã và đang làm khổ hàng trăm hộ dân gần 10 năm nay. Đó là Dự án cụm công nghiệp số 1 TP Thái Nguyên.

Thái Nguyên: Thêm một dự án “rùa” làm khổ dân

Dự án cụm công nghiệp số 1 vẫn là bãi đất hoang.


Theo Quyết định số 2850/QĐ-UB ngày 23/9/2002, UBND tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 2 cụm công nghiệp số 1 và số 2 TP Thái Nguyên. Theo đó, cụm công nghiệp số 1 có diện tích 34,58ha; còn cụm công nghiệp số 2 có diện tích 6,07ha. Cả hai cụm công nghiệp trên đều nằm trên địa phận P.Tân Lập và về tính chất, không có gì khác nhau, đều là “cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tập trung quy mô vừa gồm các ngành nghề phụ trợ cho công nghiệp luyện kim và cơ khí, cơ khí chế tạo động cơ và sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến nông - lâm sản”.


Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai thực hiện, “số phận” 2 cụm công nghiệp có cùng “giấy khai sinh” giờ đã hoàn toàn khác nhau. Trong khi cụm công nghiệp số 2 đã được lấp đầy với sự có mặt của 4 DN: Cty CP Hoàng Thái, Cty TNHH Hoàng Mấm, Cty TNHH XNK Trung Nguyên, Cty CP Bê tông & Xây dựng Thái Nguyên và hoạt động khá hiệu quả thì ở cụm công nghiệp số 1, tình trạng hoàn toàn ngược lại.


Với diện tích quy hoạch nhiều gấp gần 6 lần, nhưng tới thời điểm hiện tại, toàn bộ cụm công nghiệp rộng 34,58ha mới có 2 DN chọn làm “bến đỗ”. Trong đó, Cty CP Bê tông và Gạch nhẹ Song Điền mới được chấp thuận đầu tư từ tháng 1/2011, hiện đang trong quá trình xây dựng hạ tầng; còn trạm sản xuất bê tông của Cty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng và Phát triển nông thôn, dù đã đi vào sản xuất từ năm 2007, nhưng rất cầm chừng, nhiều tháng gần đây không có ca sản xuất nào.


Theo ông Lưu Vũ Quân - Tổ trưởng tổ nhân dân số 8B (P.Tân Lập), dự án kéo dài quá lâu, khiến nhân dân trong vùng đã nghèo lại thêm khổ. “Là một phường nằm cách trung tâm TP Thái Nguyên chưa đầy 4km, lại ngay bên trục QL3, thế nhưng đến nay tất cả các con đường vào các xóm thuộc vùng dự án vẫn chỉ là đường đất nhỏ hẹp, mỗi khi mưa xuống rất lầy lội, còn ngày nắng thì bụi đỏ tung hoành. Thêm nữa, sau nhiều năm sinh sống, con cái lớn, nhà ở chật chội và xuống cấp, nhưng tất cả các gia đình trong vùng dự án đều không được phép xây dựng cũng như làm thủ tục chia đất ở cho con”- ông Quân cho biết.


Chia sẻ bức xúc của người dân, bà Đặng Thị Thúy Hòa - Bí thư Chi bộ 8B cho hay, hộ các ông bà Dương Thị Lư, Nguyễn Văn Phụng, Nguyễn Thị Liên, Dương Văn Như… mỗi khi mưa to, nước ngập hoàn toàn cổng và đường, muốn vào nhà đều phải băng qua đồi. Chưa kể, nhiều khoảnh ruộng nhiều năm qua mùa khô thì thiếu nước, mùa mưa thì ngập dài ngày nên nhân dân không thể canh tác. Các ao cá của các hộ cũng chung cảnh “chia chung sản phẩm” bởi khi mưa là nước ngập tràn, cá ao nọ sang cả vườn nhà kia.


Theo tìm hiểu của PV báo Xây dựng, sở dĩ Dự án cụm công nghiệp số 1 trở thành “rùa” bởi một nguyên nhân khá quan trọng là thiếu nhà đầu tư đúng tầm. Ông Nguyễn Đức Thắng - Trưởng phòng Kinh tế TP Thái Nguyên cho biết, sau khi được UBND tỉnh phê duyệt dự án khả thi, TP đã triển khai mời gọi các nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng và phát triển sản xuất tại cụm công nghiệp số 1. Ngay sau đó, Cty Xây dựng và San nền Thái Nguyên có văn bản đề nghị được làm chủ đầu tư, nhưng chẳng bao lâu thấy “khó nhằn” nên xin rút. Tháng 6/2006 Dự án cụm công nghiệp số 1 được chuyển cho UBND TP Thái Nguyên làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, do eo hẹp về kinh phí nên sau 3 năm, hạ tầng Dự án này vẫn y nguyên. Đến tháng 5/2009, chủ đầu tư của dự án được chuyển cho Cty Thương mại và Phát triển Thăng Long Gas. Thế nhưng, chưa đầy một năm sau, ngày 14/9/2010, Cty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Thăng Long (tên mới của Cty Thương mại và Phát triển Thăng Long Gas) cũng lại có văn bản xin thôi làm chủ đầu tư dự án.


Một lần nữa, Dự án cụm công nghiệp số 1 TP Thái Nguyên rơi vào tình trạng không có nhà đầu tư có tâm và có tầm. Và chắc chắn, nếu không có giải pháp hữu hiệu, người dân P.Tân Lập sẽ còn phải tiếp tục sống “treo” chung với dự án “rùa” này.


Theo bà Trần Thị Minh Hậu - Chủ tịch UBND P.Tân Lập, nếu không thể triển khai, nên chăng UBND tỉnh và TP Thái Nguyên tính tới việc thu hồi dự án, ổn định cuộc sống cho nhân dân!

Theo Thái Nguyên Nhân (Báo Xây Dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.