Hơn 12ha đất
đồi, trong đó có hơn 5ha đang để hoang thuộc thửa đất số 39, 40 xóm Làng
Phan được Nhà nước thu hồi bỗng đáng giá bạc tỉ, làm phát sinh những âm
mưu tư lợi. Vụ việc bị phát hiện, nhưng sau phiên toà sơ thẩm, người
dân trong xóm mới nhận ra họ chính là bị hại chứ không phải 10 hộ dân
như các cơ quan tố tụng đã nêu.
Nhận khống đất được đền bù

10 hộ dân xóm Làng Phan bắt đầu hành trình đòi quyền làm “bị hại”. Ảnh: V.H
Năm 1995, UBND xã Linh Sơn được bàn giao
một số diện tích đất đồi đã trồng cây theo dự án PAM, trong đó có hai
thửa đất số 39, 40 tờ bản đồ số 3 thuộc xóm Làng Phan có tổng diện tích
12,75ha với trên 7ha đã trồng cây bạch đàn, còn lại vẫn hoang hóa. Ngày
17.4.1995, UBND xã đã giao lại cho ông Long Trọng Đức là Chủ nhiệm HTX
xóm Làng Phan chăm sóc và quản lý khu vực rừng núi quặng. Ngày
19.5.1995, ông Đức đã tự giao lại hơn 7ha rừng cây cho 10 hộ dân của xóm
Làng Phan bảo vệ, quản lý, sử dụng diện tích trên. Trong số đó có hộ
ông Đức và ông Nguyễn Văn Hiến khi đó là trưởng xóm Làng Phan cùng một
số anh em, họ hàng.
Ngày 20.12.1999, UBND huyện Đồng Hỷ ra
quyết định số 8150/QĐ-UB giao diện tích đất lâm nghiệp rộng 12,75ha nêu
trên cho tập thể xóm Làng Phan có trách nhiệm quản lý, chăm sóc và khai
thác theo quy định của Nhà nước.
Sau đó, thửa 39, 40 tờ bản đồ số 3 xã
Linh Sơn nằm trong khu vực đất bị thu hồi phục vụ mở rộng mỏ sắt Tiến Bộ
và được đền bù theo quy định. Khu đất đồi bỗng có giá hàng tỉ đồng đã
làm nảy sinh những tiêu cực, rắc rối gây mất đoàn kết ở xóm Làng Phan.
Theo kết luận điều tra của CA tỉnh Thái
Nguyên, do là cán bộ lâm nghiệp xã Linh Sơn nên ông Phạm Hoài Ân biết
trong tổng số 12,75ha còn 5ha đang hoang hóa chưa giao cho ai quản lý.
Ông Ân đã đến gặp và bàn bạc với hai ông Đinh Văn Vượng (trưởng xóm) và
Nguyễn Văn Mão (phó xóm). Theo đó, ông Vượng và ông Mão sẽ đứng ra nhận
5ha còn lại chưa giao cho ai quản lý, số tiền đền bù nhận được, ông Ân
sẽ hưởng phần tiền tương đương 3ha, còn lại chia đôi cho ông Vượng, ông
Mão.
Theo hướng này, ông trưởng và phó xóm
mời 10 hộ dân liên quan đến họp nêu lý do chưa đủ thủ tục bồi thường
nên phải có trưởng hoặc phó xóm đứng ra đại diện. Các hộ dân đồng ý, sau
đó trong đơn đề nghị ủy quyền cho ông Mão nhận tiền đền bù của cả
12,75ha đã ghi thêm tên ông Mão và ông Vượng mỗi người 2,5ha.
Ai mới thực sự là chủ đất?
Đơn được đưa lên cho ông Nguyễn Văn Việt
(Phó Chủ tịch UBND xã Linh Sơn) ký xác nhận. Trước đó, ông Ân đã nói
rằng sau khi nhận được tiền đền bù, các hộ dân sẽ có “bồi dưỡng” nên ông
Việt đã ký mà không kiểm tra nội dung đơn đúng hay sai.
Như vậy theo xác định của CQĐT, ông Ân, ông Mão, ông Vượng đã có sự bàn bạc từ trước, cả 10 hộ dân cũng được họp lại và có chữ ký vào hồ sơ đề nghị ủy quyền cho ông Mão nhận tiền, trong biên bản này đã có ghi thêm hai hộ mang tên ông Mão, ông Vượng. Còn ông Việt chỉ là người đã xác nhận vào đơn của ông Ân đưa lên.
Bằng cách thức trên, hơn 985 triệu đồng
từ ngân sách nhà nước được chi đền bù cho trên 112.000m2 đất thuộc thửa
39, 40 thuộc xóm Làng Phan. Số tiền này, 10 hộ dân nhận 510 triệu đồng
(51 triệu đồng/1 hộ), ông Vượng nhận 149 triệu đồng, ông Mão nhận 159
triệu đồng. Số tiền được gọi là “cảm ơn” dành cho ông Ân và ông Việt là
60 triệu đồng/người.
Sau đó, 10 hộ dân đã có đơn kiện, CA
tỉnh Thái Nguyên tiến hành điều tra. Ngày 28.5.2010, TAND tỉnh Thái
Nguyên đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bốn bị cáo, gồm: Đinh Văn Vượng,
Nguyễn Văn Mão, Nguyễn Văn Việt, Phạm Hoài Ân can tội: “Lạm dụng chức
vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Mức án dành cho các bị cáo là từ 6 – 7
năm tù giam.
Phiên tòa sơ thẩm đã thu hút sự theo dõi của rất đông người dân xóm Làng Phan. Cũng từ phiên tòa này, người dân xóm Làng Phan mới vỡ ra được nhiều điều và họ bắt đầu hành trình đi chứng minh tập thể xóm mới là chủ sở hữu của thửa đất 39, 40 và đòi quyền làm “bị hại”.






