Các chính sách mới sẽ đem lại liều “doping” mới cho thị trường bất động sản.
Nhiều chính sách mới
Ngay trong những ngày đầu năm mới Giáp Ngọ, khi không khí Xuân còn ngập tràn khắp nơi, Bộ Xây dựng đã bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ quan trọng nhất của mình: Làm chính sách. Ngày 11/2 (tức ngày 12 Tết), Bộ Xây dựng và Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã có cuộc họp để xem xét về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Trước đó, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng đã được Chính phủ đồng ý trình sang các ủy ban của Quốc hội cho ý kiến trước khi đưa ra Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 tới.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, năm 2014 sẽ trình Quốc hội 2 dự thảo luật là Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, trong đó Bộ Xây dựng đã chủ động đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phù hợp với điều kiện ở Việt Nam, từng bước thanh lọc những doanh nghiệp yếu kém, đồng thời tạo cơ hội phát triển cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Cụ thể, điểm mới tại dự thảo Luật Nhà ở đã rộng cửa hơn cho việc sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, đối với tổ chức, dự thảo Luật cho phép các tổ chức nước ngoài được đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án để bán, cho thuê, cho thuê mua tại Việt Nam theo quy định.
Riêng đối với cá nhân, Bộ Xây dựng đề xuất cho phép tất cả các đối tượng cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được mua và sở hữu nhà ở tại đây. Tuy nhiên, các cá nhân này phải không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua theo dự án tại Việt Nam được thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở theo quy định của luật này.
Trường hợp xây dựng nhà ở để bán, cho thuê mua, chủ đầu tư không được cấp giấy chứng nhận đối với nhà ở đó, mà Nhà nước cấp giấy chứng nhận cho người mua, thuê mua nhà ở.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đề nghị bổ sung thêm một số quyền của chủ sở hữu như: cho phép cá nhân nước ngoài được tự mình hoặc hợp tác với chủ đầu tư (bên bán nhà ở) cho thuê, khai thác, sử dụng nhà ở đã mua (cho thuê để ở hoặc sử dụng vào mục đích khác mà pháp luật không cấm); cho phép người nước ngoài được bán, tặng, cho nhà ở thuộc sở hữu của mình, được thừa kế, thế chấp, ủy quyền… cho người khác và được bồi thường thiệt hại khi bị phá dỡ, giải tỏa theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Dự thảo Luật Nhà ở cũng đã tiếp thu, chỉnh sửa những quy định chưa phù hợp như sở hữu chung cư có thời hạn 70 năm. Tuy nhiên, theo giải thích của ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), quy định này không phải bỏ hẳn mà chuyển sang quy định sở hữu theo tuổi thọ công trình.
Ví dụ, công trình nhà chung cư có tuổi thọ thiết kế là 50 năm thì quyền sở hữu cũng được xác lập trong 50 năm, sau đó cơ quan chức năng sẽ kiểm định lại tuổi thọ công trình để cho phép tiếp tục sử dụng hay phải dỡ bỏ.
Một số quy định có tính đột phá cũng được bổ sung như chủ đầu tư phải hoàn thiện hồ sơ cấp “sổ hồng” cho khách hàng sau 30 ngày giao nhà; hay quy định khách hàng chỉ phải nộp tối đa 70% tiền nếu chủ đầu tư chưa tiến hành bàn giao nhà…
Mới đây, Bộ Xây dựng ban hành Công văn 260/BXD-QLN gửi các đơn vị liên quan báo cáo về tình hình thị trường bất động sản theo tinh thần của Nghị quyết 01 của Chính phủ.
Cụ thể, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Bộ, địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2014 tình hình, kết quả triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, những vướng mắc và biện pháp khắc phục; hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các chính sách phù hợp đối với thị trường bất động sản.
Do đó, Bộ Xây dựng đã có công văn yêu cầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Sở Xây dựng thống kê tình hình triển khai, kinh doanh các dự án phát triển nhà ở, dự án khu đô thị mới báo cáo về Bộ Xây dựng để có số liệu báo cáo lên Thủ tướng.
Trong lần báo cáo này, Bộ Xây dựng cũng sẽ tổng hợp đánh giá tình hình triển khai gói hỗ trợ nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng, những khó khăn vướng mắc và các giải pháp khắc phục.
Mặ khác, Bộ cũng sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá, bổ sung và thực hiện hiệu quả các chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia mà trọng tâm là phát triển nhà ở xã hội; Đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương tiếp tục rà soát các dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở; Tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cho tổ chức, cá nhân mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam đến khi Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội xem xét, thông qua và có hiệu lực thi hành.
Cũng trong những ngày đầu năm này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết, trong năm 2014, nếu nền kinh tế có tín hiệu tích cực, có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động vốn xuống thêm 1 - 2%/năm.
Đẩy nhanh sự phục hồi của thị trường
Trao đổi với PV về giải pháp đẩy nhanh sự phục hồi của thị trường bất động sản trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, Bộ Xây dựng đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định số 188.
Theo đó, ngoài việc cho phép doanh nghiệp làm nhà ở xã hội được phép để lại 20% số căn hộ bán theo giá nhà thương mại, dự thảo Thông tư còn cho phép doanh nghiệp tham gia phát triển nhà xã hội được tính tỷ lệ lợi nhuận tăng lên đến 15%, thay vì 10% như trước đây.
Đặc biệt, để đẩy nhanh việc triển khai gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, Bộ Xây dựng đang phối hợp với Bộ Tư pháp và NHNN soạn thảo dự thảo Thông tư cho phép người dân được thế chấp căn hộ hình thành trong tương lai để vay vốn mua nhà ở xã hội.
“Việc xác nhận đối tượng được vay mua nhà ở xã hội không cần phải xác nhận thu nhập, mà chỉ cần xác nhận hiện trạng nhà ở theo hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết thêm, Bộ Xây dựng và NHNN cũng đang kiến nghị Chính phủ cho phép kéo dài thời gian cho vay gói hỗ trợ này lên 15 năm thay vì 10 năm như hiện nay, nhằm giảm áp lực trả nợ vay cho người dân.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản đầu năm 2014 đang có những tín hiệu tốt như thanh khoản tăng, tồn kho giảm, nhiều nội dung linh hoạt hơn trong các chính sách được kỳ vọng sẽ đem lại liều “doping” mới cho thị trường.