Thời hạn giao đất quá dài đối với nông dân không có ý nghĩa nhưng lại rất có ý nghĩa với các đại gia đã thu gom nhiều đất...
Có ý kiến đại biểu cho rằng, với tổ chức kinh tế thuê đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản là không quá 70 năm.
Thời hạn giao đất, cho thuê đất để sản xuất nông nghiệp được rất nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm. Bởi lẽ, đây là một trong những cơ sở, điều kiện để các doanh nghiệp, hộ gia đình yên tâm đầu tư vào đất. Mặt khác việc đầu tư vào sản xuất nông nghiệp thường là thu hồi vốn chậm, có những rủi ro.
Do vậy, thời hạn giao đất, cho thuê đất phải ở mức hợp lý để khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình đẩy mạnh đầu tư vào sản xuất nông nghiệp góp phần tái cơ cấu nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Theo lịch làm việc, Luật đất đai sửa đổi sẽ được thông qua vào ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp này (29/11). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến Luật này.
Có nên kéo dài thời hạn giao, cho thuê đất?
Về thời hạn giao đất, cho thuê đất, đại biểu Nguyễn Công Bình (đoàn Yên Bái) đề nghị: Với tổ chức kinh tế để sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản là không quá 70 năm. Như vậy, quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân được thể hiện qua thời hạn giao đất cần được cân nhắc cho phù hợp với thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với các tổ chức kinh tế. Đồng thời, để có sự nhất quán trong quản lý nhà nước về đất đai thì thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp cần nâng từ 50 năm lên 70 năm tạo cơ hội mới cho sản xuất nông nghiệp.
Cho ý kiến về thời hạn giao đất sản xuất nông nghiệp 50 năm và có thể kéo dài thêm 50 năm (tại Điều 126 dự thảo), đại biểu Phạm Xuân Thường (đoàn Thái Bình) cho rằng, đất sản xuất nông nghiệp vốn được sử dụng theo thời vụ cây ngắn ngày một năm có thể trồng 2 - 3 vụ, chăn nuôi gia cầm 1 năm có thể 4 lứa, gia súc cao nhất chỉ 2 - 3 năm, trường hợp trồng cây lấy gỗ như xoan đào cũng chỉ 13 năm đã có thu hoạch. “Do vậy thời hạn giao đất quá dài đối với nông dân thực sự không có ý nghĩa nhưng lại rất có ý nghĩa với các đại gia đã thu gom nhiều đất, với cán bộ công chức đang có trong tay hàng chục, hàng trăm héc ta đất nông nghiệp. Vì họ, con cháu của họ yên tâm hưởng lợi từ đất, tài sản thuộc sở hữu toàn dân hàng trăm năm sau nữa” – đại biểu Thường nói.
Vì thế, theo đại biểu Thường, thời hạn giao đất sản xuất nông nghiệp giữ như luật hiện hành 20 năm đồng thời cho rà soát lại tất cả các trường hợp đang sử dụng đất nông nghiệp không phải là nông dân trực tiếp sản xuất để có chính sách hợp lý xử lý các trường hợp này vừa bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người có đất, đồng thời tạo điều kiện cho người cần đất có đất sản xuất, giữ ổn định xã hội.
Ngoài ra, cũng cần phải quy định cho luật kết thúc thời hạn giao đất sản xuất nông nghiệp 20 năm theo Luật 1993, xác lập quyền sử dụng đất hợp pháp của người hiện tại đang quản lý đất nông nghiệp ngay sau khi luật có hiệu lực; có biện pháp giải quyết tranh chấp đất đối với đất đai nông nghiệp chuyển nhượng không hợp pháp thời gian qua, tránh các vụ khiếu kiện phức tạp.
Còn đại biểu Lê Thị Tám - Nghệ An cho rằng, cần bổ sung những hộ gia đình, cá nhân được giao đất sản xuất nông nghiệp nhưng trong thực tế không sử dụng, bỏ ruộng hoang hóa trong thời gian liên tục 2 năm thì nhà nước thu hồi, giao lại cho những hộ gia đình, cá nhân đang thực sự cần đất sản xuất. Đây là nội dung được cử tri kiến nghị rất nhiều lần, nếu có được chế định pháp luật sẽ hạn chế được nhiều trường hợp đang cố tình lạm dụng luật giữ đất rất lãng phí, trong khi nhu cầu có đất để sản xuất của nhiều lao động sinh sau năm 1993 đang rất lớn.
Cần chính sách địa tô hợp lý
Muốn đất đai thực sự thuộc sở hữu toàn dân, theo đại biểu Phạm Xuân Thường - Thái Bình, thì bắt buộc phải có chính sách, đặc biệt chính sách địa tô hợp lý, để không chỉ người không được nhà nước giao đất mà ngay cả người được nhà nước giao đất cũng nhận thấy trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mình đối với đất đai, tài sản của nhà nước, của toàn dân.
Từ đó, đại biểu phân tích, với các quy định trong dự án Luật đất đai sửa đổi, trường hợp người có đất tự sản xuất hoặc cho người khác thuê đất thì tất cả lợi ích mà đất đai mang lại đều do họ, con cháu họ được hưởng. Trường hợp nhà nước thu hồi người có đất được hưởng 100% giá trị đất theo giá thị trường tự do còn nhà nước phải bỏ tiền ra để mua lại tài sản của mình. Cả 2 trường hợp trên những người không may mắn được nhà nước giao đất hoàn toàn không có lợi ích gì từ đất mang lại mà phải đóng thuế để nhà nước thu lại đất phục vụ cho nhu cầu chung của xã hội. Với họ đặc biệt những người sinh sau năm 1993 sở hữu chung chỉ là trên danh nghĩa.
Đại biểu Phạm Xuân Thường cũng đưa ra lo lắng về mức độ tăng dân số với quỹ đất nông nghiệp hiện nay. Mỗi năm dân số nước ta tăng khoảng 1 triệu người. Nếu tính từ năm 1993 lại đây đã có 20 triệu người tăng thêm, trong số này 70% (khoảng 14 triệu người) trực tiếp sản xuất hoặc sống dựa vào nông nghiệp. Trong số 14 triệu người này chỉ có 4,2 triệu người thừa kế quyền sử dụng đất nông nghiệp từ ông bà, cha mẹ, còn lại 9,8 triệu người không có đất hoặc thiếu đất sản xuất. Con số này sẽ là 33,8 triệu sau 50 năm nữa. Liệu khi đó có thể chuyển hết họ sang công nghiệp dịch vụ được không, họ làm gì để sống? “Trong 212 điều luật không có bất kỳ quy định nào liên quan đến số người này trừ con em của đồng bào dân tộc thiểu số” – đại biểu băn khoăn.
Đại biểu Phạm Xuân Thường đề nghị Quốc hội cần xây dựng chính sách địa tô với mỗi loại đất đai cho phù hợp theo nguyên tắc bất kỳ ai, trừ những người thuộc diện chính sách được miễn, đã sử dụng đất đai, sử dụng tài sản của toàn dân phải có nghĩa vụ nộp tiền thuế đất, nộp thuế đất để lợi ích mà đất đai mang lại mọi thành viên trong xã hội được hưởng lợi không chỉ có người có đất hiện nay.
Thứ nữa, đối với đất sản xuất nông nghiệp phải hạn chế quyền thừa kế, tặng, cho và kiểm soát chặt chẽ quyền chuyển nhượng cơ bản chỉ được quyền góp vốn sản xuất kinh doanh. Cần quy định trong luật tạo hành lang pháp lý cho chính quyền địa phương cụ thể là chính quyền cấp xã. Trên cơ sở thỏa thuận của cộng đồng dân cư, cứ 5 năm một lần tiến hành điều chỉnh đất từ người đã chết, người không còn nhu cầu sản xuất hoặc trực tiếp giao cho người không có đất hoặc đưa vào đất công ích và cho chính người đang quản lý thuê lại nếu họ có yêu cầu. “Hiện chưa có hành lang pháp lý nhưng ở một số nơi đã tự làm được. Vậy tại sao ta không quy định trong luật?” đại biểu đặt câu hỏi.