10/03/2014 1:25 PM
Khu đô thị Kim Văn – Kim Lũ vừa được cơ quan chức năng Hà Nội điều chỉnh tăng gấp đôi lượng dân cư, "đáp ứng đúng nhu cầu của doanh nghiệp"…

Đối với những cư dân sinh sống qua nhiều năm ở Thủ đô, đằng sau một Hà Nội hào hoa lịch thiệp một cách tinh tế nhẹ nhàng, vẫn tồn tại một "Hà Lội" ngày càng dày hơn những công trình nhà ở cao tầng và chất lượng an sinh trở nên báo động. Chỉ nói riêng trong địa bàn các quận nội đô, ngoại trừ hai quận mới (Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm) có diện tích đất rộng hơn cả, cư dân chưa bao giờ hết than phiền về "điện, đường, trường, trạm" thiếu thốn, chất lượng kém tại nơi an cư.

Khổ như... dân nội đô

Về hạ tầng xã hội lẫn kỹ thuật, Hà Nội ngày nay chứng kiến một hiện thực đáng lo ngại. Từ "rác trời" (quảng cáo ngoài trời trên các cột điện, bờ tường), cầu vượt dân sinh không ai đi, hầm bộ hành bỏ hoang phế; đường vẫn tắc, cầu mới xây đã nứt… "Khổ" thế, nhưng tại sao dân cư Thủ đô ngày càng gia tăng? Cũng vì mưu sinh, mỗi năm Hà Nội vẫn đón chào những người lao động từ phương xa tìm về, những sinh viên, học viên ra trường ở lại để mưu cầu sinh kế… Thế nên, những tòa nhà cao tầng, những trung tâm thương mại, tổ hợp văn phòng đang ùn ùn đua nhau mọc lên.

Đầu tháng 3/2014, Tp. Hà Nội có điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 dự án KĐT Kim Văn – Kim Lũ, theo hướng giữ nguyên ranh giới, quy mô diện tích 269.025m2. Đáng chú ý, tăng diện tích sàn, tầng cao công trình, dân số từ 4.800 người (quy hoạch năm 2007) lên 10.550 người.

Ngay lập tức, dư luận xuất hiện ý kiến: quy hoạch đáp ứng đúng nhu cầu của… doanh nghiệp. Theo đó, đây là dự án trọng điểm của Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu, với hàng nghìn căn hộ giá rẻ đang "cháy hàng" nhiều tháng qua. Hết veo ngay khi mở bán, khách hàng nghiến răng chịu "chênh" để nhanh chân chiếm suất. Diện tích quy hoạch toàn khu là hằng số, vậy biến số còn lại là chỉ tiêu sử dụng đất (nếu muốn gia tăng dân số sở tại).

QHCT mới của KĐT Kim Văn – Kim Lũ vừa được phê duyệt nhiệm vụ

Theo nội dung điều chỉnh quy hoạch chi tết, mỗi cư dân nơi đây chỉ còn 1,4m2 đất công cộng (so với 3.0m2), 1,2m2 cây xanh (so với 2,5), 3,3m2 đất hạ tầng kỹ thuật, bãi đỗ xe (so với 7,2m2)… Như vậy, chỉ tiêu cho hạ tầng xã hội của người dân bị hạ xuống, nhường phần cho số lượng căn hộ, mật độ sử dụng đất.

Với số dân tăng lên gấp đôi so với quy hoạch ban đầu. Dự báo, KĐT Kim Văn – Kim Lũ tiếp tục dấn vào "vết xe đổ" quá tải hạ tầng tại nhiều khu đô thị trong nội đô. Điển hình: Trung Hòa – Nhân Chính, Yên Hòa, Nam Trung Yên, Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2, Văn Quán, Dương Nội…

"Bê tông hóa" Thủ đô

Người Hà thành vẫn được sống trong những khu đô thị kiểu mẫu (như Linh Đàm), những KĐT xanh (như Ecopark) hay những quần thể tổ hợp hiện đại, đủ tiện ích như Royal City, Hòa Bình Green, TimesCity… Đó là một bộ phận thiểu số những nơi mang lại cuộc sống đáp ứng đủ nhu cầu về sinh hoạt, đi lại, chăm sóc y tế và giáo dục cho cư dân. Tiếc rằng vẫn có quá nhiều KĐT ngồn ngộn quán cà phê, quán ăn, siêu thị, cửa hàng tạp hóa trong khi cả trăm hộ gia đình không có nổi một nhà trẻ công lập hay một trạm y tế tối thiểu.

Chẳng đâu xa, KĐT Trung Hòa – Nhân Chính, sau gần 10 năm hoạt động phục vụ cư dân tái định cư, cả KĐT với 19 tòa nhà chung cư, hơn 10.000 dân sinh sống, chỉ trông ngóng vào một nhà trẻ cao cấp (4 triệu đồng/tháng), các trường tiểu học, trung học dân lập (vắng bóng hệ thống công lập hoàn toàn). Trẻ nhỏ là vậy, người lớn, các bậc cao niên lúc nào cũng nơm nớp vì không có trạm y tế công lập. Xe cộ ngập các lối đi trước tòa nhà, giữa những đường nối các chung cư, giả dụ như "bà Hỏa" viếng thăm thì xe cứu hỏa còn lâu mới tiếp cận được chân công trình.

Những KĐT như Yên Hòa, Đại Kim, Nam Trung Yên cũng không kém phần "khủng khiếp". Được đưa vào sử dụng nhiều năm, dân cư đã chuyển đến sinh sống ổn định, nhưng chủ dự án vẫn chây ì không chịu hoàn thiện hạ tầng xã hội. Tại KĐT Dương Nội, dù đã bị Thành ủy Hà Nội nhắc nhở bằng công văn yêu cầu hoàn thành hạ tầng xã hội trong năm 2013, nhưng đến nay, chủ đầu tư (Tập đoàn Nam Cường) vẫn loay hoay chưa xong… giải phóng mặt bằng để triển khai.

Trong lịch sử phát triển thị trường chung cư trung cấp, bình dân, có lẽ chưa dự án nào "cháy hàng" như những công trình nhà ở do "Đại gia" Lê Thanh Thản tung ra. Giảm thiểu tối đa lượng đầu cơ, không bán hàng trên giấy, thực hiện đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng rõ ràng là công thức "chuẩn" cho nhiều doanh nghiệp hướng theo.

Tuy nhiên, đặt giả thiết Hà Nội dần dà đón nhận thêm nhiều hơn nữa các KĐT dạng Trung Hòa – Nhân Chính, hay Kim Văn – Kim Lũ. Trước khi hoàn thiện, nhiều dự án lại được xem xét cho phép "cơi nới" mật độ sử dụng đất, giảm chỉ tiêu hạ tầng xã hội… Không gian đô thị sẽ dày san sát những khối bê tông cao tầng; cây xanh, nhà trẻ, trạm y tế không còn chỗ đứng (hoặc ít đi).

Khi ấy, người dân càng ưu phiền lo toan về nơi cư ngụ quá thiếu thốn yếu tố an sinh cơ bản. Nhà quản lý tiếp tục ngồi lại để… phê duyệt, cho phép hình thành các KĐT khác nhằm giảm tải cho hạ tầng?!!

Đông Hưng (Thời báo kinh doanh)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.