Sau hồ Đập Đống, lần lượt các hồ thủy lợi khác cũng bị lấp để lấy mặt bằng đem bán. Những khu đồng xôi, ruộng mật của người dân bị cắt nguồn nước đang bắt đầu tan hoang…

Triệt nguồn nước nông nghiệp


Lấn chiếm hồ Đập Đống, san đồi Đống, tôn cao đập tràn làm phần lớn diện tích canh tác ở thôn Bơn bị ngập úng, không có khả năng canh tác; cưỡng chế thu hồi đất của nhiều hộ dân với giá rẻ…, 29 hộ dân thôn Bơn đã làm đơn kiến nghị lên chính quyền các cấp. Nhưng, chưa dừng lại ở đó!


Tan hoang đồi Đống, hồ Đập Đống... - Ảnh: Kiên Trung


Ông Đào Minh Hội, cán bộ quân đội nghỉ hưu, nguyên đại biểu HĐND xã Vân Hòa khóa 17 nhiệm kỳ 2004 – 2009 đã thay mặt tập thể người dân xã Vân Hòa phản ánh những tiêu cực của chính quyền sở tại.


Theo ông Hội: lãnh đạo xã đã “nới cơ chế” và “mở cửa” cho dự án xây dựng biệt thự - nghỉ dưỡng của A.TV. Dự án này đã làm đảo lộn toàn bộ hoạt động sản xuất nông nghiệp tại thôn Bơn.



Không dừng lại ở đó, nhiều đập, hồ khác trong xã có chức năng thủy lợi cũng bị lấp chuyển đổi sang đất chuyên dùng để chuyển nhượng cho khách hàng ngoại tỉnh. Đó là thời điểm đất Ba Vì đang ở giai đoạn “sốt cao” và các chủ đầu tư đón đầu thông tin Ba Vì trở thành Trung tâm Hành chính.


Vân Hòa có sáu thôn. Mỗi thôn đều có một đến hai hồ/đập có chức năng tưới tiêu cho các vùng đồng nội thôn. Thế nhưng, nhiều hồ/đập thủy lợi này đã bị lấp không thương tiếc.


Ông Nguyễn Duy Cẩn, nông dân thôn Ấp Phú chua xót: năm ngoái người ta lấp đập Ấp Phú bán cho khách Hà Nội làm... trang trại. Đây là đập thủy lợi phụ trách tưới tiêu cho hơn 20 mẫu ruộng của cả thôn. Từ khi đập bị lấp, phần lớn diện tích đất canh tác đang từ 2 vụ/năm chỉ còn 1 vụ/1 năm. Dân kêu lên xã, xã cũng không giải thích gì cả.


Nằm ngay cạnh “đập Ấp Phú” là nhà của ông Nguyễn Duy Kỷ - anh trai ông Cẩn, và gia đình ông An. Ông Kỷ buồn rười rượi: tôi đang lo mùa mưa năm nay không có chỗ thoát nước, cả nhà tôi chắc sẽ bị ngập lụt. Mấy trận mưa vừa rồi cá thả trong ao nhà đã bị trôi mất sạch.


“Đập Ấp Phú bị lấp, phần diện tích đất cấy lúa do dân tự khai phá của sáu hộ dân ban đầu được đền bù… 1,5 triệu/1 sào. Dân đấu tranh, xã “lên giá” 18 triệu đồng/sào.” – vợ ông Kỷ chán nản.


Ông Hội cung cấp cho chúng tôi con số diện tích các đập bị lấp. Theo đó, Vân Hòa hiện có sáu đập/hồ thủy lợi đã được chuyển đổi mục đích từ… thủy lợi sang đất chuyên dùng: đập Ấp Phú: 4.010m2; đập Đồng Be: 3.957 m2; đập Bặn (thôn Bặn): hơn 7.400m2; đập Xoan (thôn Xoan): 13.417m2; đập Khán Đánh (thuộc phần đất nghĩa trang thôn Bơn) 1.732m2.


“Tất cả các đập thủy lợi này đều bị lấp đem bán cho chủ đầu tư. Chủ trương, chính sách, giá bán, tiền thu về đâu, ai quản lý?… chúng tôi không biết. Nhưng, hầu hết đất trồng lúa của xã đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong khi đó dân không có nghề gì khác ngoài nghề nông cả!” – ông Hội bức xúc. “Có phải, vì giá đất lên cao nên chính quyền đã có “sáng kiến” lấp hồ thủy lợi làm đất thổ cư, hay san đồi để làm dự án tranh thủ thời kỳ đất sốt?”.


Xã vội vàng viết bản tường trình


Ngày 10/7/2011, UBND xã Vân Hòa đã viết báo cáo giải trình về các nội dung: thu hồi, hỗ trợ đền bù diện tích đất bị ngập úng khi nâng đường tràn hồ Đập Đống; di chuyển nghĩa địa Dãn Đánh (thôn Bơn) và việc tổ chức đấu giá đất 5%.


Trước đó, ngày 27/6/2011, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã có công văn số 5283/UBND-TNMT gửi Sở TNMT, UBND huyện Ba Vì về việc kiểm tra, xác minh về quản lý, sử dụng đất tại xã Vân Hòa, huyện Ba Vì.


Một căn biệt thự này, thời điểm năm 2009 được rao bán từ 200.000 - 300.000 USD/căn. So với giá mua 6 triệu đồng/sào đất đồi, sau này là 100 triệu/sào đất lâm nghiệp, mức giá này là siêu lợi nhuận.


Theo ông Hoàng Văn Lộc – chủ tịch xã Vân Hòa: đoàn thanh tra liên ngành đã được thành lập và vừa về làm việc với xã Vân Hòa. Theo yêu cầu của đoàn thanh tra, xã Vân Hòa phải làm báo cáo giải trình về các nội dung trên.


Ông Lộc bối rối giải thích: những sự việc trên xảy ra tại xã Vân Hòa khi đó ông chưa là chủ tịch xã. Chính vì thế, ông không nắm sâu sát về chuyên môn được. Ông cũng đề nghị “hẹn các anh vào một dịp khác”.


Về nội dung bản báo cáo giải trình ông chủ tịch xã cung cấp cho PV, ông Lộc cũng đề nghị: “Còn một vài nội dung cần chỉnh sửa, các anh trong đoàn thanh tra bảo chúng tôi như thế, nên nó cũng chưa chuẩn chỉnh lắm”. Tuy nhiên, văn bản này đã có chữ ký, có dấu đỏ của xã và đã được gửi Thanh tra huyện Ba Vì.


Nội dung báo cáo giải trình này đã né tránh nhiều vấn đề còn tồn tại. Đặc biệt, về dự án xây biệt thự trên đất rừng và ảnh hưởng tới công trình thủy lợi, tưới tiêu nông nghiệp của xã không được nhắc đến.


Theo báo cáo này: Đập Đống được TP Hà Nội đầu tư xây dựng vào những năm 1984, với tổng diện tích quy hoạch 8ha. Ngoài việc sử dụng diện tích lòng suối, hồ này còn trưng dựng và thu hồi thêm toàn bộ số diện tích khu đồng Dãn Đánh, Đồng Thịt và một phần diện tích đồng Luồng (thuộc thôn Bơn). Hồ có nhiệm vụ tích nước phục vụ việc tưới tiêu cho diện tích đất nông nghiệp của 3 thôn: thôn Bơn; thôn Bẳn và thôn Mồ Đôi.


Việc cải tạo hồ Đập Đống đã làm ảnh hưởng ngập một số diện tích đầu nguồn khu Đồng Luồng; một số diện tích khai hoang của các hộ dân nằm ven suối cũng bị ngập vĩnh viễn.


Nội dung: xã đã tổ chức họp dân để bàn bạc, lên phương án đền bù là không đúng sự thật. 29 hộ dân bị thu hồi đất ruộng đều khẳng định: xã thu hồi đất nông nghiệp của họ không có QĐ thu hồi đất của cấp có thẩm quyền; công trình công cộng bị lấn chiếm trái pháp luật.


Đối với nội dung di chuyển nghĩa địa Dãn Đánh, xã giải trình: Nghĩa trang thôn Bơn có diện tích 1.732m2 nằm ven chân đồi Đống. Trong quá trình sử dụng, mỗi khi có người xấu số qua đời, việc đi lại rất khó khăn do đường dốc, chật hẹp, trời mưa trơn trượt… Vì thế, xã đã quyết định di dời nghĩa trang sang khu vực khác.


Tuy nhiên, ai cũng có thể hiểu, nghĩa trang nằm ở chân đồi Đống, liền kề với hồ Đập Đống. Nếu không di dời nghĩa trang sẽ không có mặt bằng cảnh quan cho dự án biêt thự sinh thái chuẩn bị mọc lên ở đây. Và, sự tồn tại của nghĩa trang đồng nghĩa với việc giá biệt thự sẽ không đẩy lên con số hàng chục tỷ như thế.


Về nội dung lấp một loạt hồ thủy lợi ở các thôn khác trong xã, báo cáo gọi đó là đất “xen kẹt”. Theo đó, việc lấp các hồ thủy lợi này nhằm mục đích lấy đất mặt bằng bán lấy tiền đầu tư các công trình công cộng. Công trình duy nhất hiện hữu của dự án này là nhà văn hóa thôn Đồng Chay.


Những nội dung trong báo cáo giải trình của xã, nó trái ngược với hiện thực đang phơi bày tại địa phương.


Hàng ngàn m2 đất bỏ hoang; hàng chục ha đất rừng, lòng hồ bị xâm lấn… chia lô, phân nền làm biệt thự, được “phù phép” chuyển đổi thành đất ở có sổ đỏ… Với hiện thực ấy, Ba Vì đảm bảo chức năng hành lang xanh như đồ án quy hoạch Thủ đô đến năm 2050?

Theo Kiên Trung (Vietnamnet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.