Điều mà nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đang than phiền vì nó quyết định đến tiến độ triển khai các dự án chính là khâu đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB), đây cũng là vấn đề đã và đang tồn đọng nhiều xung đột quyền lợi giữa chủ đầu tư nhiều dự án và người dân.

Doanh nghiệp đồng loạt “kêu”


Tại hội nghị doanh nghiệp ngành xây dựng, Tập đoàn HUD cho rằng, vấn đề khó khăn nhất ảnh hưởng quyết định đến tiến độ triển khai các dự án mà hầu hết các nhà đầu tư nói chung, đặc biệt các nhà đầu tư dự án khu đô thị mới nói riêng gặp phải trong quá trình thực hiện dự án là những vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng.


Mâu thuẫn giữa đòi hỏi đền bù hỗ trợ của người dân với những ràng buộc, khống chế của các quy định, chính sách làm cho nhiều dự án không thể triển khai được. Các chế độ chính sách chưa theo kịp diễn biến thực tế, hơn nữa, việc áp dụng tại từng địa phương cũng khác nhau.


HUD cho rằng, trong việc đền bù GPMB, vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ổn định đời sống cho người dân thực sự là bài toán khó cho các chủ đầu tư và các cấp chính quyền địa phương.


“Tắc” ở khâu giải phóng mặt bằng, dự án chậm tiến độ
Dự án chậm tiến độ được nhiều "ông lớn" ngành xây dựng BĐS cho rằng nguyên nhân chính là khâu đền bù GPMB. Ảnh: Hải Nguyễn


Ở một khía cạnh khác, bà Châu Thị Thu Nga, Chủ tịch HĐQT-TGĐ Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Nhà đất cho rằng, vướng mắc trong việc xác định tiền sử dụng đất và thời điểm nộp tiền sử dụng đất theo quy định của Nghị định số 69/2009/NĐ-CP cũng đang là vấn đề nổi cộm. Mặc dù nghị định đã có hiệu lực 3 năm, nhưng cho đến nay số lượng doanh nghiệp chấp nhận nộp tiền sử dụng đất vẫn còn hết sức khiêm tốn so với số lượng dự án cần phải nộp tiền sử dụng đất.


Nghị định 69 có hiệu lực được 3 năm, nhưng cho đến nay số lượng doanh nghiệp chấp nhận nộp tiền sử dụng đất vẫn còn hết sức khiêm tốn so với số lượng dự án cần phải nộp tiền sử dụng đất. Cùng một dự án, việc giải phóng mặt bằng trước và sau thời điểm Nghị định số 69/2009/NĐ-CP có hiệu lực khác biệt nhau. Hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp chưa đóng tiền sử dụng đất bởi các vướng mắc về tiền sử dụng đất quá cao và xác định thời điểm đóng tiền sử dụng đất. Điều này đồng nghĩa với việc hàng loạt các dự án buộc phải án binh bất động chờ cho đến khi việc thu tiền sử dụng đất, khấu trừ tiền sử dụng đất được rõ ràng hơn.


Nhiều doanh nghiệp đã đề nghị các cơ quan chức năng để được đóng tiền sử dụng đất theo bảng giá đất của UBND cấp tỉnh ban hành. Bởi theo doanh nghiệp, dự án của họ đã triển khai cả chục năm nay, việc giải phóng mặt bằng đã hoàn tất từ trước khi có Nghị định 69 quy định cách tính tiền sử dụng đất theo giá thị trường. Vì vậy, nếu bắt doanh nghiệp đóng tiền sử dụng đất theo thời điểm hiện nay thì họ không thể kham nổi.


Một vấn đề vướng mắc khác, trước đây các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thường được nợ tiền sử dụng đất, hiện nay việc nộp tiền sử dụng đất của các dự án hiện đang còn nợ tiền sử dụng đất sẽ tính như thế nào ? Nếu tính theo Nghị định 69 thì có thể những doanh nghiệp này sẽ bị lỗ, bởi trước đây khi bán nhà đất ra thị trường thì họ đã tính tiền sử dụng đất theo phương án cũ.


Bà Nga cho hay, nếu doanh nghiệp mạnh dạn tiến hành thực hiện dự án mới thì với cách tính tiền sử dụng đất theo giá thị trường như Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ban thì mức giá mỗi thành phẩm nhà ở được bán ra sẽ rất cao. Một mặt bằng giá nhà ở mới sẽ hình thành, và trong tình hình khó khăn tài chính như hiện này sẽ đẩy thị trường BĐS chìm vào im ắng vì giá nhà đất quá cao.


Cần có chính sách nhất quán cho GPMB


Bà Nga cho rằng, cần một cơ chế định giá đất mang tính độc lập với hệ thống hành chính để giảm bớt sự can thiệp hành chính vào các quy luật của thị trường. Đối với việc xác định căn cứ cho vấn đề tiền sử dụng đất, thị trường hiện có 3 loại giá: giá đất do UBND cấp tỉnh quyết định, giá do các Cty tư vấn định giá đưa ra, và giá hình thành do đấu giá. Nên nghiên cứu áp dụng việc tính tiền sử dụng đất theo phương án đấu giá, sửa hoặc bỏ khung giá đất để các tỉnh, thành điều chỉnh bảng giá đất sao cho sát với giá thị trường.


Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư cũng kiến nghị, Nhà nước cần có chính sách nhất quán và cương quyết trong công tác giải phóng mặt bằng đi kèm với tuyên truyền, động viên thuyết phục người dân trong khu vực dự án. Đặc biệt, đưa ra các giải pháp tạo công ăn việc làm và lợi ích phát sinh từ dự án cho người dân bị thu hồi hạn chế việc sinh lời từ lợi thế BĐS.

Theo Lê Thảo (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.