Bên lề kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng về một số vấn đề liên quan đến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - một trong những dự luật quan trọng, thu hút sự quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng. (Nguồn: VOH)

- Thưa ông, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cần tập trung vào những nội dung gì nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong quản lý nhà nước về đất đai hiện nay?

- Đại biểu Nguyễn Đức Kiên: Như chúng ta đã biết, đất đai là loại tài nguyên đặc biệt để phục vụ sản xuất nhưng lại không tái tạo được. Bối cảnh chuyển từ một nền kinh tế nông nghiệp sang thực hiện công nghiệp hóa-hiện đại hóa, đổi mới đất nước sẽ ảnh hưởng, tác động tới nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề thói quen của người dân về sử dụng đất và bảo vệ nguồn lợi từ đất.

Để thực hiện tốt những vấn đề mang tính chất định hướng về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần đi sâu giải quyết những tồn tại như việc sử dụng đất không đúng theo quy hoạch, gây lãng phí tài nguyên quốc gia.

Bên cạnh đó, nguồn lợi nhuận thu được từ đất trong quá trình công nghiệp hóa lại không được đưa về ngân sách nhà nước mà tập trung vào một số nhà đầu tư hoặc một số nhóm lợi ích nên đã gây bức xúc trong nhân dân, tạo thành điểm nóng không đáng có trong xã hội. Một vấn đề nữa là trong quá trình tiến lên công nghiệp hóa đất nước, đất đai phải được sử dụng như một tư liệu sản xuất nhưng đồng thời cũng phải hỗ trợ cho quá trình xây dựng nông thôn mới. Trong giai đoạn hiện nay, quan niệm về sở hữu đất đai cũng phải phát triển lên một bước.

- Giá đất là một trong những điểm nút quan trọng nhất cần tháo gỡ hiện nay. Theo ông, căn cứ nào để giá đất đưa ra phù hợp với giá thị trường, bảo đảm lợi ích của Nhà nước-người dân và nhà đầu tư?

- Đại biểu Nguyễn Đức Kiên: Cần hiểu khái niệm “theo giá thị trường” là giá định theo giá thị trường của loại đất mà Nhà nước giao cho dân sử dụng. Nhà nước giao cho người sử dụng đất có thời hạn và có thu tiền hoặc không thu tiền sử dụng đất. Luật Đất đai cũng đã chia ra các loại đất, hình thức đất để sử dụng. Định theo giá thị trường là khi Nhà nước giao cho người dân đất nông nghiệp sản xuất lúa sẽ được đền bù theo đất sản xuất lúa chứ không phải giao đất sản xuất lúa nhưng khi thu hồi để xây dựng cơ sở hạ tầng, bệnh viện, phát triển dịch vụ phục vụ đời sống, Nhà nước lại phải đền bù theo giá đất mặt tiền đường quốc lộ.

Theo tôi, nguyên nhân tạo ra bức xúc cho xã hội là do công tác truyền thông và giải thích pháp luật không rõ. Do đó, người dân thấy bất hợp lý khi giá đền bù thấp hơn giá bán ra của nhà đầu tư. Ví dụ, giá đền bù là 240.000 đồng/m2 nhưng khi nhà đầu tư bán ra là mười mấy triệu đồng/m2.

Vấn đề ở đây là cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó có Chính phủ và các bộ quản lý ngành phải giải thích được cho người dân sự chênh lệch địa tô khi từ đất lúa chuyển sang đất khu đô thị được hình thành từ cái gì và lợi nhuận chia vào là bao nhiêu.

Trong sửa đổi lần này, Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra cũng đã lường trước những vấn đề như vậy để đưa ra khuyến nghị và quy định trong dự thảo Luật tại một số điều liên quan đến giá đất.

Tôi tin rằng, khi người dân được các đại biểu Quốc hội, các cơ quan quản lý giải thích rõ nguồn lợi nhuận địa tô từ đất đó được phân chia như thế nào, họ được hưởng lợi như thế nào qua việc đầu tư của nhà đầu tư, nhà nước, họ sẽ dễ dàng chấp nhận.

Tôi lấy ví dụ 1ha đất ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ là vùng bờ xôi ruộng mật, bình quân 2,6 sào Bắc Bộ cho 1 nhân khẩu. Như vậy, có khoảng 10-20 người nông dân canh tác trên 1ha, với thu nhập 11 tấn/năm cũng chỉ được 40 triệu/năm, chưa trừ chi phí sản xuất.

Nhưng nếu 1ha này để làm một ngành công nghiệp như dệt may, có thể thu nhận 2.000-2.500 công nhân với mức thu nhập thấp nhất là 2-2,2 triệu đồng. Như vậy, có thể thu được trên 40 tỷ/năm, chưa kể tạo ra mức thu nhập cao hơn cho người nông dân và con em họ ở trong khu vực.

Nhà nước giao đất cho người nông dân cũng giống như giao đất cho chủ nhà máy, hai bên đều có trách nhiệm đầu tư vào và hết thời hạn sử dụng sẽ phải hoàn trả cho nhà nước. Ở đây, cần phải tập thành một tư duy công nghiệp. Đất là tài sản quốc gia và khi được giao thì phải có trách nhiệm làm sinh sôi nảy nở, tạo ra lợi nhuận trên đất đó. Hết thời hạn, nếu có nhu cầu sử dụng tiếp và chứng minh được cho cơ quan quản lý nhà nước - đại diện cho người dân, là anh sử dụng đất có hiệu quả sẽ được tiếp tục gia hạn giao đất. Nếu không còn khả năng đầu tư, tạo giá trị gia tăng sẽ phải nhường cho người khác. Như vậy mới gọi là có trách nhiệm với xã hội.

- Hiện nay, cùng với sự chưa thống nhất và đồng thuận về giá đền bù, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư sau thu hồi đất cũng còn gặp nhiều khó khăn. Theo ông, đâu là nguyên nhân và cần điều chỉnh vấn đề này trong Luật như thế nào?

- Đại biểu Nguyễn Đức Kiên: Tôi cho rằng, công tác giải phóng mặt bằng hiện vẫn bị hành chính hóa, công chức hóa mà chưa quan tâm thực sự tới tình cảm, tâm tư, nguyện vọng của người dân. Hãy thử tưởng tượng: Nhà dân đang ở đó, mồ mả ông cha họ đang ở đó, vì một công trình công cộng, công trình quốc gia mà phải rời chỗ ở đi, cùng đó là việc thay đổi nếp sống. Sáng dậy không nhìn thấy trái núi, cánh đồng trước mặt, gốc cây thân thương nơi đã gắn bó từ khi còn thơ bé.

Đối với người nông dân Việt Nam, đất được coi như là “núm ruột,” vì thế, phải ghi nhận sự “di dời” chỗ ở của người dân để giải phóng mặt bằng là một sự hy sinh rất lớn của họ. Sự ứng xử của xã hội, của cơ quan nhà nước, của chủ đầu tư cũng phải thể hiện được đạo lý đó chứ không chỉ đơn giản là đưa ra barem đền bù.

Bên cạnh đó, còn cần tính đến cả vấn đề phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán canh tác cho người dân ở vùng đất mới chứ không chỉ thiên về khía cạnh kinh tế, không thể theo định mức máy móc.

Theo tôi, băn khoăn lớn nhất của người dân là cuộc sống sau tái định cư chứ không phải là vấn đề tiền nhiều hay ít. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là phải xây dựng cuộc sống và điều kiện sản xuất cho đồng bào ở nơi định cư mới; mặt khác, phải bảo vệ được phong tục, tập quán của người dân. Việc tái định cư cho người nông dân phải phù hợp với nghề nông (theo nông thôn mới), quy hoạch lại và tạo điều kiện để đồng bào vẫn giữ được bản sắc văn hóa, văn minh thôn, làng nhưng cũng phải đảm bảo được mức sống tối thiểu của người dân. Họ phải có đường đi, có chỗ xử lý rác, có nơi chôn cất người chết hợp vệ sinh, không gây ô nhiễm...

Vấn đề quan trọng nhất là phải tạo được sự đồng thuận giữa người dân với cơ quan soạn thảo pháp luật. Tức là phải công khai được lợi ích từ việc thu hồi đất của người dân được phân phối như thế nào. Đồng thời, tạo cho người dân một nếp sống mới phù hợp với quá trình phát triển của đất nước, phù hợp với quá trình công nghiệp hóa. Nghề nông mới sẽ là phát triển những cánh đồng mẫu hàng nghìn ha, hoàn toàn sản xuất bẳng công nghiệp, người nông dân cũng phải có tác phong công nghiệp trong sản xuất nông nghiệp.

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam từ nay đến 2020 chính là đưa tư duy sản xuất công nghiệp vào trong sản xuất nông nghiệp mới tạo ra được nguồn hàng hóa có đủ sức khống chế thị trường và đảm bảo người nông dân không bị thiệt thòi.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Thanh Hòa (TTXVN/Vietnam Plus)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.