Trường
hợp tổ chức kinh tế được cơ quan nhà nước cho phép chuyển mục đích SDĐ
để thực hiện dự án sản xuất - kinh doanh hoặc dự án về nhà ở thì giá
đất tính thu tiền SDĐ là giá đất theo mục đích sử dụng sau khi được
chuyển mục đích sử dụng tại thời điểm có quyết định cho phép chuyển mục
đích sử dụng đất của cấp có thẩm quyền.
Giá
đất tính thu tiền là giá đất do UBND cấp tỉnh quy định; nếu chưa sát
với giá chuyển nhượng quyền SDĐ thực tế trên thị trường UBND cấp tỉnh
căn cứ vào giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường để quyết định giá
đất cụ thể cho phù hợp.
Theo Thông tư 93/2011/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính ban hành, trường hợp giá đất do UBND cấp tỉnh quy định chưa sát với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường thì Sở Tài chính phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế và cơ quan liên quan xác định lại giá đất.
Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, Sở Tài chính thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá đất; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế và cơ quan có liên quan thẩm định trình UBND cấp tỉnh quyết định giá đất tính thu tiền SDĐ cho từng trường hợp cụ thể.
Trường
hợp trên địa bàn địa phương không có điều kiện để thuê tổ chức thẩm
định giá hoặc giá trị lô đất nhỏ (dưới 15 tỷ đồng đối với các thành phố
trực thuộc Trung ương; dưới 5 tỷ đồng đối với các tỉnh miền núi; dưới
10 tỷ đồng đối với các tỉnh còn lại) thì Sở Tài chính báo cáo UBND cấp
tỉnh cho phép xác định giá đất để trình UBND cấp tỉnh quyết định.
Căn cứ giá đất do UBND cấp tỉnh quyết định và thông tin địa chính của Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục thuế xác định và thông báo tiền SDĐ phải nộp tới tổ chức được giao đất, được chuyển mục đích SDĐ để nộp tiền SDĐ.
Theo tính toán của nhiều doanh nghiệp, việc thu tiền SDĐ theo cách tính mới sẽ dẫn đến chi phí tiền SDĐ của doanh nghiệp tăng ít nhất 15-25% so với hiện hành.
“Doanh nghiệp đang phải “oằn mình” chống đỡ với lãi suất ngân hàng cao chưa từng thấy, nhiều ngành hàng có lượng tồn kho rất lớn, để duy trì sản xuất - kinh doannh, bảo đảm đời sống cho người lao động trong bối cảnh hiện thời đã rất khó, nếu tăng tiền SDĐ sẽ đẩy doanh nghiệp vào bối cảnh khó khăn hơn, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp có mặt bằng sản xuất - kinh doanh lớn”, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên tiền phong, ông Trần Bá Phúc lo lắng.
Ông Phúc đề nghị, để hỗ trợ doanh nghiệp, bên cạnh việc sử dụng các công cụ tài chính hỗ trợ khác như gia hạn, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng cho một số đối tượng; mặt khác cần lui lại thời điểm tính tiền thuê đất, thu tiền SDĐ theo cách mới đồng thời xem xét lại chính sách hạn chế cho vay đối với lĩnh vực bất động sản.
“Để kiềm chế lạm phát, việc thắt chặt tín dụng đối với lĩnh vực phi sản xuất, trong đó có bất động sản là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, cần phải xem xét hạn chế tín dụng đối với từng dự án bất động sản cụ thể, bởi trên thực tế không phải dự án bất động sản nào cũng là phi sản xuất, mà rất nhiều dự án là hoạt động sản xuất, tạo điều kiện để phát triển nhiều lĩnh vực sản xuất khác, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng”, ông Phúc nói.
Cũng với tâm trạng này, ông Phạm Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vật tư - Kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2011, Công ty cổ phần Vật tư - Kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ đạt doanh thu 1.370 tỷ đồng (bình quân 3 năm trước đó đạt 2.500 tỷ đồng/năm). Để đạt được mức doanh thu này, Công ty phải vay ngân hàng với mức dư nợ rất lớn.
“Năm nay nếu làm được lợi nhuận cho Công ty 1 đồng, chúng tôi phải trả lãi cho ngân hàng 2 đồng, nếu tăng tiền thuê đất, tiền SDĐ sẽ gây áp lực rất lớn cho doanh nghiệp trong việc bảo đảm mục tiêu lợi nhuận”, ông Tuấn phát biểu.
Nhà nước hiện nắm giữ 42% vốn điều lệ (3.500.000 cổ phần) trong Công ty cổ phần Vật tư - Kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ. Trong vòng 5 năm trở lại đây, Nhà nước đã thu về 150 tỷ đồng, gấp 3 lần vốn góp ban đầu tại Công ty này thông qua việc thu hồi cổ tức và bán một phần vốn.