03/09/2012 7:21 PM
Việc hai tỉnh Long An và Tây Ninh thu hồi đất quy hoạch treo hoặc bị bỏ hoang từ các dự án chậm triển khai để trả lại cho nông dân, theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), là hành động dũng cảm và đáng khen. NCĐT đã trao đổi với ông Sơn xung quanh vấn đề này.

Có phải vì đi đầu nên mới được đánh giá là dũng cảm?

Ở nước ta, có những chuyện tưởng như bình thường, nhưng thực ra cần phải có lòng dũng cảm và sự kiên quyết mới có thể thực hiện được. Xưa nay chúng ta nói nhiều đến chuyện đất đai bỏ hoang nhưng hành động thì rất ít.

Điều đáng khen là hành động thu hồi đất của 2 tỉnh này không phải là biện pháp tình thế, mà là mở ra một hướng phát triển kinh tế mới cho địa phương.

Cụ thể là hướng phát triển gì?

Đó là tái cơ cấu nền kinh tế địa phương theo hướng phát triển nền sản xuất công nghiệp hóa gắn kết với nông nghiệp nông thôn.

Tây Ninh, Long An hay các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là vùng có lợi thế sản xuất tốt nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, thời gian qua, các lợi thế so sánh đó đã không được nhìn nhận mà lại nhắm vào phát triển khu công nghiệp, sân golf. Do đó, hành động thu hồi đất bỏ hoang là sự quay trở lại với lợi thế của mình: nông nghiệp.

Theo ông, mức độ nghiêm trọng của quy hoạch treo, đất khu công nghiệp bỏ hoang đến đâu?

Chúng tôi không có số liệu mới nhất về tỉ lệ đất nông nghiệp nằm trong các khu quy hoạch treo. Nhưng theo số liệu điều tra từ năm 2001-2007, nửa triệu ha đất nông nghiệp đã bị thu hồi để chuyển sang mục đích phi nông nghiệp, trong đó có 305.000 ha là đất lúa. Trong khi đó, để có được đất lúa thì phải mất hàng ngàn năm mới tạo được cấu tượng thích hợp cho nền văn minh lúa nước.

Việc lấy đất đã ảnh hưởng đến nông dân ra sao?

Người nông dân sẵn sàng đóng góp đất đai cho việc phát triển đô thị, vì lẽ mà nói, phát triển nông nghiệp đến mức nào đấy cũng sẽ thu hẹp dần và chuyển sang phát triển công nghiệp.

Tuy nhiên, nhìn lại từ năm 2010, riêng diện tích các khu công nghiệp đã vào khoảng 110.000 ha, chiếm 38% diện tích sản xuất phi nông nghiệp của cả nước, nhưng tỉ lệ lấp đầy rất thấp. Ví dụ, khu công nghiệp do Chính phủ cấp phép, có gần 50% là bỏ trống. Còn đất cấp phép cho các khu công nghiệp địa phương thì có tỉ lệ lấp đầy chỉ 26%.

Như vậy, tuy đã dành đất cho các khu công nghiệp, nhưng sản xuất công nghiệp không phát triển. Mà ngay cả các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp cũng thu hút rất ít lao động. Nông dân mất đất, không có sinh kế, nhưng lại không được chuyển sang lao động trong lĩnh vực công nghiệp nên họ bị mất thu nhập, đời sống trở nên khó khăn.

Theo quy định, những dự án chậm triển khai sẽ bị thu hồi đất. Hành lang pháp luật đã có, nhưng vì sao các địa phương lại không thực hiện được đúng quy định này?

Đây không phải là vướng mắc về mặt pháp luật mà rào cản thể hiện ở 2 vấn đề. Thứ nhất là định hướng tăng trưởng. Xưa nay định hướng tăng trưởng hướng vào công nghiệp, đô thị, phi nông nghiệp. Địa phương nào xuất khẩu được nhiều, thu hút vốn FDI, giảm tỉ lệ nông nghiệp nhanh thì được khen. Bản thân các địa phương đó cũng bớt nhận trợ cấp từ Chính phủ, thậm chí có nguồn thu để đóng góp cho ngân sách.

Thế nhưng, định hướng công nghiệp hóa thời gian qua đã cho thấy sự kém hiệu quả, không bền vững, gây ô nhiễm môi trường và có giá trị gia tăng thấp. Chính thực trạng này đã dẫn đến quyết tâm tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, thay đổi cách làm cũ thì dễ, chứ chỉ ra cách làm mới rất khó. Thử đặt câu hỏi nếu không phát triển công nghiệp nữa thì sẽ tăng trưởng bằng cách nào.

Thứ hai, trong khi triển khai, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã tiến hành giải tỏa đền bù xong, thậm chí đã chia lô chia thửa. Nay phải trả lại tiền cho nhà đầu tư, chia lại đất cho người dân. Việc này đâu phải dễ dàng. Nhất là khi đã có doanh nghiệp trong khu công nghiệp đang sản xuất dở dang. Tức là cả chiến lược lẫn chiến thuật đều khó khăn cho chính quyền địa phương. Vì thế mới nói đây là sự dũng cảm của 2 tỉnh Long An và Tây Ninh.

Việt Nam có thể học hỏi gì từ mô hình phát triển nông nghiệp của các nước?

Hà Lan, Phần Lan, Thụy Điển hay Israel là những tấm gương đáng học hỏi. Hà Lan phát triển nông nghiệp, nhưng không phải theo nghĩa cũ. Các vùng nông nghiệp trồng hoa của nước này có mức độ đầu tư khoa học công nghệ cao, vốn đầu tư lớn. Phần Lan, Thụy Điển chú trọng phát triển các khu rừng chế biến gỗ, có giá trị gia tăng cao. Còn Israel thì phát triển lĩnh vực cây ăn quả. Giá trị mà ngành nông nghiệp của các nước này mang lại không kém gì công nghiệp.

Như vậy, một nước có lợi thế đặc biệt về nông nghiệp như Việt Nam thì cần phải nắm lấy cơ hội phát triển một nền kinh tế giá trị gia tăng cao dựa trên nền tảng nông nghiệp. Đây là điều mà chúng ta phải nghiên cứu đầu tư cho các tỉnh.

Công nghiệp phải phát triển như thế nào trong mối tương quan với nông nghiệp?

Để hạn chế quy hoạch treo trong công nghiệp như thời gian qua, những lĩnh vực gì chúng ta không khuyến khích thì kiên quyết không cấp phép thêm. Nếu có xây các khu công nghiệp thì chúng phải phục vụ nông nghiệp hoặc các hình thức khác theo lợi thế địa phương. Nhưng điều quan trọng hơn là phải định vị lại mô hình phát triển, tức xác định được quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở một đất nước có lợi thế về nông nghiệp thì phải như thế nào.

Theo Hải Yến (Nhịp Cầu Đầu Tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.