Nằm cách đường Xuân 68, phường Thuận Lộc, TP Huế, chừng 3m là những căn nhà vách gỗ, mái tôn tạm bợ của 350 hộ dân san sát đan nhau theo hình mạng nhện. Vợ chồng ông Lê Văn Giây (76 tuổi) và bà Trần Thị Cung (73 tuổi) ở tổ 15, khu vực 7 là một trong những hộ dân sống lâu năm nhất ở khu Thượng Thành này, giờ họ đã có cháu nội, cháu ngoại, kể rằng, ngày xưa gia đình họ sống ở khu vạn đò trên sông Hương. Sau một trận bão, thuyền bè bị nhấn chìm hết nên cả nhà dắt nhau lên bờ thành này dựng tạm căn lều để ở. Do không có chỗ nào khác để chuyển đi nên cả gia đình trụ bám luôn từ ấy đến nay.
Cách đó không xa, căn nhà bé xíu như chiếc lán phu đường là nơi sinh sống của 3 mẹ con chị Nguyễn Thị Thu Hiền. Dưới cái nắng buổi trưa lên đến 40 độ C, chị Hiền mời chúng tôi vào nhà. Nóng như trong lò ấp trứng. Chỉ tay lên trần nhà lợp đầy những mảnh giấy được cắt ra từ những thùng mì tôm, chị Hiền bùi ngùi: “Năm 2000, chồng tui qua đời vì bạo bệnh, thế là tui cùng 2 con lên đây kiếm đất cắm dùi rồi làm nghề nhặt ve chai mưu sinh qua ngày. Nhà cửa tạm bợ nên mỗi lần mưa bão cực không chi tả nổi, đêm ngủ cứ thấp thỏm sợ nó sập bất thình lình”…
Cuộc sống cơ cực, nhếch nhác của các hộ dân ở khu vực Thượng Thành, Kinh thành Huế.
Qua tìm hiểu mới biết, đa phần hộ dân sinh sống ở khu “ổ chuột” Thượng Thành đều là dân vạn đò trên sông Hương, người lao động nghèo sống bằng nghề đạp xích lô, xe thồ, bán vé số, hàng rong... Họ bắt đầu di cư về đây từ giữa thập niên 60 và đến nay, có hộ gia đình đã sống 3 đến 4 thế hệ dưới mái nhà tạm bợ. Và có lẽ, nếu không đi thực tế thì chúng tôi khó thể hiểu rõ được cảnh sống cơ cực, nỗi vất vả của người dân sống ngay giữa lòng “di sản thế giới” này.
Chúng tôi tiếp tục tìm đến khu vực 7 và 8 dọc Thượng Thành, nằm sâu trong các con hẻm là hàng trăm căn nhà chung vách, mái tôn lợp san sát ken đặc. Con hẻm rộng chỉ vừa đủ cho chiếc xe máy chạy qua càng thêm bức bí bởi những thứ mùi khó chịu bốc lên từ các khe nước thải ven đường.
Nhìn chúng tôi có vẻ ái ngại, ông Hồ Văn Đỏ (52 tuổi), chỉ tay ra phía tường thành, nói: “Cái lỗ châu mai ở đằng kia là nhà vệ sinh công cộng của gần chục hộ dân với mấy chục mạng người ở trong xóm. Nhiều khi trời mưa, nước bẩn từ nhà vệ sinh, hầm chứa rác lại chảy xuống thẳng con đường xóm bốc mùi ô uế. Cũng vì thế mà trẻ con trong xóm đều nhiễm các bệnh viêm da, mụn nhọt, lở loét…”.
Ông Trần Văn Mẫn, Tổ trưởng tổ 14, khu vực 7, cho hay, suốt hơn 20 năm qua, hơn 100 hộ dân ở đây phải dùng chung nhà vệ sinh, chung công tơ nước và điện. “Chỉ tính riêng tổ 14 đã có 152 hộ dân với trên 700 nhân khẩu đang ngày đêm đối mặt với cảnh sống cơ cực do nhà cửa chật hẹp, ô nhiễm và bệnh tật. Dù bà con muốn làm ăn, buôn bán nhưng đều không thể vay vốn vì không có sổ đỏ lẫn tài sản thế chấp…”.
Theo ông Mẫn, hiện tổ 14 có 17 hộ nghèo, 13 hộ cận nghèo nhưng thực tế mà chúng tôi tìm hiểu thì vẫn còn rất nhiều hộ sống cảnh nghèo khó, làm không đủ ăn nhưng vì chủ trương nên phải đưa ra thoát nghèo hoặc giảm xuống hộ cận nghèo(?). Trong khi đó, tỷ lệ thất học của con em không ngừng tăng, số học sinh đậu vào các trường cao đẳng, đại học mỗi năm chỉ đếm trên đầu ngón tay, vì phần lớn các em chỉ học đến lớp 6, lớp 7 là bỏ học để kiếm sống.
Bà Phan Thị Cúc, Chủ tịch UBND phường Thuận Lộc thừa nhận rằng, cuộc sống của người dân ở khu Thượng Thành nghèo khổ, tạm bợ đã kéo dài suốt 40 đến 50 năm qua nhưng vẫn chưa được giải quyết. Theo kế hoạch, đến năm 2016, các hộ dân sống tạm ở khu Thượng Thành sẽ được di dời đến nơi ở mới để trả lại khuôn viên cho di tích, nhưng vì kinh phí quá lớn nên dự án đã bị “treo” từ nhiều năm nay. “Để hạn chế tình trạng quá tải ở khu Thượng Thành. Chính quyền địa phương chỉ còn cách là không cho người dân nhập cư vào khu này nữa thôi”, bà Cúc buồn rầu nói