12/12/2013 7:53 AM
Tại TPHCM đang có một nghịch lý: Nhiều khu dân cư (KDC) mới được các chủ đầu tư quảng cáo là hiện đại, đầy đủ các dịch vụ công ích, nhưng khi người mua đã đến ở rất lâu mà vẫn chưa thấy hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông và các công trình phúc lợi. Qua đường dây nóng Báo SGGP, nhiều cư dân tại các KDC bức xúc phản ánh tình cảnh khốn khổ vì bị chủ đầu tư “đem con bỏ chợ”.

Khu dân cư 13A chủ đầu tư vẫn chưa xây dựng cơ sở hạ tầng, bỏ đất hoang cỏ mọc um tùm.

Điện, nước giá cao

KDC 13A (đường Nguyễn Văn Linh, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) được quảng cáo có đầy đủ công trình công ích như chợ, trường, khu vui chơi. Thế nhưng cư dân dọn đến ở đã nhiều năm vẫn không thấy những công trình trên. Bị khiếu nại, chủ đầu tư liên tục hứa hẹn sẽ hoàn thành các công trình, nhưng chỉ là hứa. Nằm kế bên các KDC hiện đại, KDC 13A trở thành ốc đảo hoang vắng giữa một đô thị phát triển hiện đại, người dân phải sống chung với những bãi đất hoang um tùm lùm cây, bụi cỏ với chuột, rắn. Con đường dẫn vào KDC 13A vẫn còn ngổn ngang, chỉ rải đá dăm từ đầu cổng dẫn đến từng nhà. Những ngày trời mưa, đường càng khó đi hơn. Nhiều lần bị té xe trên con đường này, chị Phan Thị Kim Quyên bức xúc: “Đường quá gồ ghề, lại không có đèn đường, nhiều bữa trời mưa lớn ngập, những cục đá to nằm phía dưới nên người đi xe máy rất dễ bị ngã nhào”.

Do KDC này chưa có điện, nước, chủ đầu tư đã dùng đồng hồ tổng của công ty chia ra cho hàng chục nhà dân và tự thu giá điện 3.300 đồng/kW, giá nước 14.000 đồng/m3. Các hộ dân phải tự bỏ tiền ra để nối hệ thống điện, nước vào nhà. Do chia quá nhiều nhà, điện, nước rất yếu. Điện không ổn định làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt hàng ngày. Liên tục phải thay đồ điện, anh K’ChouDach lo âu: “Chỉ cần điện chập chờn là coi như có vài món điện bị hư như bóng đèn, ổn áp, quạt... Buổi tối, nhà nào cũng hiu hắt ánh đèn mà không dám sử dụng điện nhiều vì sợ chập điện dẫn đến cháy nổ. Ngay cả tivi cũng không dám xem, đèn chỉ bật vài bóng, chủ yếu tập trung điện trong phòng cho con học bài”.

Lừa người mua

Nhiều KDC mới nhưng chủ đầu tư chỉ xây dựng hạ tầng giao thông kiểu cho có, cư dân phải sống thiếu thốn, không thể an cư. Khốn khổ nhất là cư dân KDC Gia Phú (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) đã bị chủ đầu tư lừa khi quảng cáo có cây cầu lớn bắc qua. Ông Phạm Quang Tạo, tổ trưởng dân phố, cho biết: “Hồi mua nhà tại đây, người dân cũng thấy có cây cầu tạm bắc qua kênh Tham Lương, nhưng đến khi bán hết nhà trong dự án thì cây cầu phải tháo dỡ vì chủ đầu tư chỉ xin được giấy phép xây cầu tạm trong thời gian thi công dự án. Bây giờ không có cầu, cư dân phải đi vòng vo rất xa mới về đến được KDC này”.

Hình thành gần 5 năm nhưng cư dân KDC ấp 5 (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) phải sống trong tình trạng ngập nước do triều cường, nhiều con đường vẫn còn ổ gà lởm chởm, nhà máy lọc nước ngầm không đảm bảo chất lượng… Anh Nguyễn Gia Việt Hiệp, cư dân KDC này, than: “Khi liên hệ mua đất ở đây, phía chủ đầu tư giới thiệu có hệ thống nước xử lý sinh hoạt, nhà máy lọc nước, nhiều dự án phúc lợi, nên chúng tôi mới quyết định mua. Vậy mà, khi về đây ở, mới biết nước sinh hoạt đục ngầu, nhiễm phèn. Nhiều hộ dân xung quanh lắp máy lọc nước để sử dụng nhưng nước vẫn đục. Nước chỉ lọc để tắm giặt, chứ không dám nấu ăn, chúng tôi phải đi mua nước tinh khiết về uống và nấu ăn. Hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt được xây xong từ lâu, nhưng lại không được kết nối với đường ống thải nước của từng hộ. Các hộ phải tự nối đường ống xả nước sinh hoạt của nhà theo đường cống rồi dẫn ra sông”. Anh Hiệp mở vòi nước đã lọc trong hệ thống lọc nước của nhà cho chúng tôi xem, nước chảy ra đục ngầu. Tại nhà máy lọc nước sinh hoạt ở KDC này, lộ ra 2 trụ lọc nước đã bị sét rỉ, rêu mọc um tùm xung quanh nhưng vẫn đang hoạt động để lọc nước cung cấp cho người dân. Nhiều công trình phúc lợi trong KDC như khu vui chơi, trường học, công viên… vẫn còn trên giấy, đất bỏ hoang khiến cỏ mọc um tùm, trở thành nơi sinh sôi của muỗi, rắn, sâu bọ…

Trả lời PV Báo SGGP về tình trạng dự án KDC không được chủ đầu tư xây dựng hoàn thiện trên địa bàn, ông Phạm Văn Hùng, Trưởng phòng TN-MT huyện Bình Chánh, nói: “Thực trạng của các KDC, chúng tôi vẫn chưa được xã báo lên. Qua phản ánh của người dân, chúng tôi sẽ mời chủ dự án lên làm việc, cùng với Ban bồi thường giải phóng mặt bằng, Phòng Quản lý đô thị và Phòng Kinh tế để làm việc và sẽ cho gia hạn thời gian thực hiện những hạ tầng chưa hoàn thành. Nếu cam kết mà vẫn chưa làm được thì UBND huyện sẽ đưa lên UBND TP để quyết định có nên thay đổi chủ đầu tư mới hoặc xử lý mạnh hơn. Phần lớn các dự án trên địa bàn huyện được các chủ đầu tư tự thỏa thuận mua lại người dân, còn chúng tôi chỉ hỗ trợ công tác đền bù, giải tỏa nên không có nhiều thẩm quyền”.

Thanh Hải (SGGP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.