Ngày 27-10, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín đã kết luận, cuối tháng 11-2011 sẽ công bố quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025.

Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đã được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2010. Triển lãm dự kiến kéo dài một tuần với nhiều buổi tọa đàm, tham vấn ý kiến các nhà khoa học cùng nhân dân về các giải pháp triển khai thực hiện quy hoạch. Bên cạnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM, TP sẽ triển lãm thêm một số quy hoạch chuyên ngành có sự gắn bó mật thiết với quy hoạch xây dựng như quy hoạch giao thông, cấp thoát nước, chống ngập…


Với quy hoạch này, đến năm 2025, dân số TPHCM đạt khoảng 10 triệu người; diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 100.000ha với 4 khu đô thị mới là: Thủ Thiêm (737ha), Hiệp Phước (3.900ha), Tây Bắc (6.000ha) và Khu công nghệ cao (872ha). Ngoài ra, TPHCM sẽ xây dựng một số tuyến đường sắt, đường sắt trên cao, đường sắt chuyên dụng (từ đường sắt quốc gia tới cảng Cát Lái và Hiệp Phước…); đồng thời xây dựng 19 cầu đường bộ vượt các sông Đồng Nai, Sài Gòn, Nhà Bè, Lòng Tàu, Thị Vải, trong đó có cầu nối từ Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh) sang Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức).


Cùng ngày, Hội đồng thẩm định đồ án quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm hiện hữu TP đã nghe tư vấn Nikken Sekkei (Nhật Bản) báo cáo tình hình thực hiện quy hoạch rất quan trọng này của TP. Theo tư vấn, dự kiến khu trung tâm hiện hữu sẽ được chia thành 5 phân khu với các tiêu chí phát triển khác nhau.


Khu thứ nhất là khu bờ Tây sông Sài Gòn sẽ hợp với quảng trường trung tâm đô thị Thủ Thiêm thành một không gian công cộng phục vụ cho nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí của nhân dân. Khu thứ 2 gồm các khu biệt thự chủ yếu nằm tại quận 3. Khu thứ 3 là khu trung tâm văn hóa lịch sử chủ yếu ở quận 1. Khu thứ 4 gồm trung tâm thương mại tài chính và khu thứ 5 nằm sát khu thứ 4, dự kiến cũng là một khu thương mại tài chính. Cả hai khu này nằm chủ yếu ở quận 4 và một phần quận 1. Tư vấn Nikken Sekkei đề xuất hệ số sử dụng đất khá thấp cho cả khu vực trung tâm và dành trục đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi… cho đi bộ.


Ngoài hệ thống giao thông hiện hữu kết nối đến khu trung tâm, sẽ có thêm metro, các loại xe điện mặt đất… Hầu hết những đề xuất này đã được Hội đồng thẩm định yêu cầu xem xét lại trên tinh thần thực tế, khả thi hơn, đặc biệt đối với hệ thống giao thông. TP muốn tư vấn giúp giải quyết các vấn nạn ùn tắc giao thông, quá tải về hạ tầng thông qua quy hoạch chứ không chỉ là vạch ra những tiêu chí quy hoạch quá hoàn hảo, không phù hợp với thực tế.


Hiện nay, UBND TPHCM đã yêu cầu Sở Quy hoạch Kiến trúc tạm ngưng cung cấp thông tin quy hoạch khu trung tâm, tạm ngưng cho phát triển thêm công trình mới để chờ quy hoạch cuối cùng của tư vấn Nhật.

Ng.Kh. – H.Nh. (SGGP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.