Tại Chỉ thị 2196/CT-TTg về tăng cường quản lý thị trường bất động sản (BĐS), Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng nhằm bảo đảm tín dụng bất động sản (BĐS) có tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng hợp lý, an toàn, phù hợp với chính sách điều hành tín dụng chung; hạn chế đầu cơ BĐS, đồng thời "rộng cửa" cho các dự án xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân, người thực sự có nhu cầu về nhà ở.
Siết đầu cơ, rộng cửa cho nhà xã hội
Khu nhà ở xã hội Việt Hưng. Ảnh: Linh Tâm
Sử dụng công cụ thuế

Trong chỉ thị này, Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất và báo cáo Chính phủ trong quý II/2011 về thuế BĐS nhằm hạn chế đầu cơ, sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất đai, BĐS; nghiên cứu, sửa đổi quy định về thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS cho phù hợp với tình hình thực tế. Bộ này có nhiệm vụ trình Chính phủ trong quý I/2012 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, trong đó điều chỉnh mô hình quỹ đầu tư BĐS nhằm hỗ trợ vốn cho thị trường thông qua kênh thị trường chứng khoán.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ, bảo đảm tín dụng BĐS có tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng hợp lý, an toàn, phù hợp với chính sách điều hành tín dụng chung. Trước mắt, giảm tăng trưởng và tỷ trọng tín dụng BĐS với lộ trình hợp lý, tránh gây sốc, đồng thời áp dụng các biện pháp tăng tính thanh khoản, tránh đóng băng thị trường, tác động xấu lan truyền đến hệ thống các tổ chức tín dụng và đời sống xã hội.

Tái cơ cấu thị trường bất động sản

Tin vui đối với một phân khúc quan trọng của thị trường BĐS, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu để có hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện chính sách tín dụng phù hợp với tiến trình tái cơ cấu thị trường BĐS; chỉ đạo các tổ chức tín dụng bố trí nguồn vốn để cho vay đầu tư các dự án phát triển nhà ở để bán, cho thuê phục vụ đối tượng thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; cho các đối tượng có nhu cầu thực sự vay mua nhà để ở. Hạn chế cho vay bồi thường, giải phóng mặt bằng, các dự án khởi công mới, các dự án BĐS cao cấp; giám sát chặt chẽ để hạn chế việc cho các cá nhân vay kinh doanh BĐS.

Chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các địa phương rà soát, tiếp tục cho vay đối với các dự án BĐS sẽ hoàn thành và có khả năng bán, thu hồi vốn đầu tư trong năm 2012. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình cấp tín dụng BĐS của các tổ chức tín dụng, phát hiện và xử lý kịp thời các khoản nợ quá hạn, ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có trách nhiệm phải rà soát, kiểm tra các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn, có biện pháp đảm bảo các dự án được triển khai đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; kiên quyết thu hồi hoặc dừng các dự án chậm triển khai, đã giao đất nhưng không sử dụng quá thời gian quy định của pháp luật. Tùy theo tình hình và điều kiện của các địa phương, cho phép chuyển đổi các dự án nhà ở thương mại sang phục vụ cho mục đích tái định cư và các loại hình nhà ở xã hội để cho thuê giá rẻ nếu phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển các loại hình nhà ở này của địa phương.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và các địa phương trọng điểm có nhiều dự án đầu tư kinh doanh BĐS, rà soát các dự án; kiểm tra và yêu cầu chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở triển khai thực hiện nghiêm chỉnh quy định dành 20% diện tích đất xây dựng nhà ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án để xây dựng nhà ở xã hội; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả rà soát, kiểm tra trong quý I/2012.

Theo Song Hà (KTĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.