02/11/2012 11:29 AM
Chiều nay (2/11), Quốc hội sẽ thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng. Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, siết chặt kỷ luật ngân sách, công khai, minh bạch trong sử dụng vốn là giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư công và tránh thất thoát lãng phí.

Chúng ta đang phải trả giá cho vấn nạn đầu tư dàn trải, thể hiện qua con số nợ đọng xây dựng cơ bản hiện rất lớn, công trình dở dang nhiều. Đây không phải là vấn đề mới, bởi trong quá khứ, đã nhiều lần xảy ra nợ đọng. Phải chăng, kỷ luật đầu tư đã không được thực hiện nghiêm?

Chính xác là kỷ luật ngân sách đã không được các bộ, ngành và địa phương tuân thủ. Những phê bình về tính thiếu kỷ luật trong chi tiêu ngân sách như trên thực ra đã được lặp đi, lặp lại nhiều lần trong các kỳ họp Quốc hội trước đây, nhưng tình hình chưa có nhiều chuyển biến. Đây là lý do khiến vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản từng xảy ra trong giai đoạn 2006 - 2008 có cơ hội quay lại, thậm chí là còn gay gắt hơn.

Theo số liệu báo cáo của Bộ Tài chính, nợ xây dựng cơ bản ở các địa phương hiện rất lớn. Qua số liệu của Bộ Tài chính, chúng tôi thấy, 15 tỉnh có số nợ xây dựng cơ bản vượt 100% vốn giao ngân sách, trong đó có 12 tỉnh phía Bắc, 2 tỉnh phía Nam và 1 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Câu hỏi đặt ra là, kỷ luật về chi ngân sách của chúng ta như thế nào để nợ như thế? Cách đây vài năm, tập thể lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã từng bị kỷ luật vì chi vượt qua lớn, gấp 10 lần số thu ngân sách của địa phương.

Vấn đề thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản thì sao, thưa ông?

Tôi cho rằng, nợ đọng xây dựng cơ bản dứt khoát phải thanh toán, nhưng trả thế nào, ai là người chịu trách nhiệm trong việc chi vượt ngân sách về xây dựng cơ bản, gây áp lực lên kinh tế vĩ mô trong cân đối ngân sách, cần có câu trả lời cụ thể.

Theo tôi được biết, trong bố trí ngân sách năm 2013, chúng ta có bố trí chi trả nợ chung là 103.700 tỷ đồng, trong khi đó, nguồn thu từ dầu thô của chúng ta mới chỉ có 99.000 tỷ đồng. Từ bố trí ngân sách như vậy, tôi thấy rằng, việc xác định vấn đề nợ công là rất quan trọng. Chúng ta đặt vấn đề tái cơ cấu đầu tư công để tăng cường hiệu quả sử dụng đồng vốn từ nguồn đầu tư công là một vấn đề rất quan trọng. Tuy nhiên, trong báo cáo kinh tế - xã hội của năm 2012 và kế hoạch năm 2013, tôi chưa thấy vấn đề xử lý và nâng cao hiệu quả đầu tư công ở một mức tương đương với vấn đề đã đặt ra.

Năm nay, vốn đầu tư phát triển thấp do hụt thu, nên không thể vừa trả nợ đọng, vừa đầu tư mới. Ngay trong cùng một dự án, vốn bố trí trả nợ thường không đủ và khó dứt điểm trong năm tới. Điều này liệu có dẫn tới tiêu cực chạy vốn thanh toán không?

Hiện số liệu về nợ xây dựng cơ bản giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính chưa thống nhất. Theo Bộ Tài chính, nợ xây dựng cơ bản là 91.000 tỷ đồng, trong đó, 26.000 tỷ đồng là nợ từ các công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Trong khi đó, số liệu nợ xây dựng cơ bản từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ có 85.000 tỷ đồng, trong đó, phần nợ từ các công trình đã hoàn thành chưa thanh toán từ năm 2001 đến nay là 15.457 tỷ đồng. Theo quan điểm của tôi, nợ xây dựng cơ bản phải tính trên cơ sở kế hoạch giao hàng năm của địa phương mới tính toán chính xác được con số nợ.

Còn về vấn đề liệu có để xảy ra tiêu cực trong phân bổ, thanh toán vốn hay không, theo tôi, cần phải đẩy mạnh tính minh bạch, công khai trong bố trí vốn. Hiện tại, trong bối cảnh vốn đầu tư ngân sách năm 2013, các chủ đầu tư bên cạnh việc bố trí trả nợ cần dồn vốn cho các công trình dang dở có khả năng hoàn thành trong năm 2013.

Thưa ông, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản cũng có thể coi là một “cục máu đông”, mà bản chất là Nhà nước đang chiếm dụng vốn của các doanh nghiệp xây dựng. Vậy trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong vấn đề này như thế nào?

Câu chuyện nợ đọng xây dựng cơ bản xảy ra trong thời gian qua là lỗi cả hai bên. Tại sao doanh nghiệp biết là dự án không có vốn, lại cứ lao vào xin tự ứng vốn làm, rồi thanh toán sau. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới hiện tượng “chạy vốn, chạy dự án” diễn ra trong thời gian qua.

Hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã phân khai cho cả giai đoạn 2013 - 2015 và giao quyền chủ động cho các bộ, ngành và địa phương. Làm thế nào để tăng vai trò giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội đối với các dự án đầu tư công trên địa bàn?

Trước hết, các đại biểu Quốc hội tại địa phương phải có nhận thức rất mạnh và rõ ràng về việc không bố trí dàn trải; sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư. Đây phải coi là một trong những biện pháp để phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, để việc giám sát có hiệu quả, như tôi đã nói ở trên, yếu tố quyết định là cần tiếp tục công khai hơn nữa kế hoạch bố trí vốn; mục tiêu, tiến độ thực hiện các dự án triển khai trên địa bàn.

Theo Anh Minh (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.