Trong 10 năm qua, xét trên cả hai phương diện thu và chi tài chính, Nhà nước quản lý một tỷ lệ lớn của cải của xã hội, xét trên tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP trung bình khoảng 17 - 18%, Việt Nam luôn là nước đứng đầu về tỷ lệ đầu tư công so với các nước trong khu vực.
Đã đến lúc cần phải dứt khoát đoạn tuyệt với căn bệnh “nghiện” dự án đầu tư công nhằm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hiện đang phổ biến trong chính quyền các cấp.

Nắn lại đầu ra cho đầu tư công

Trong giai đoạn 2000 - 2009, đầu tư cho lĩnh vực kinh tế luôn chiếm trên 73% vốn đầu tư của Nhà nước. Trong khi đầu tư vào các ngành thuộc lĩnh vực xã hội liên quan trực tiếp đến sự phát triển của con người như khoa học, giáo dục và đào tạo, y tế và cứu trợ xã hội, văn hóa, thể thao, phục vụ cá nhân và cộng đồng còn rất khiêm tốn, giảm từ 17,6% năm 2000 xuống còn 15,2% năm 2009. Đây là xu thế đầu tư không hợp quy luật, bởi cùng với sự tăng lên của mức sống, các nhu cầu về phúc lợi cần phải được bảo đảm ở mức cao hơn, mặt khác sự phát triển của KH - CN và xu thế phát triển kinh tế tri thức đòi hỏi phải đầu tư ngày càng nhiều hơn cho phát triển nguồn lực con người. Hơn nữa, khi đầu tư cho nguồn lực và KH - CN thấp đã dẫn tới sự tăng trưởng kinh tế thiếu tính bền vững, ổn định.
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Hùng Huy


Trong lĩnh vực đầu tư công theo ngành, thời gian qua, những ngành lớn, quan trọng, có thế mạnh trong sự phát triển dài hạn của đất nước là nông, lâm nghiệp, thủy sản và khoa học, giáo dục, đào tạo lại là những ngành chiếm vị thế yếu nhất trong chính sách đầu tư của Nhà nước, xét cả ở tốc độ và tỷ trọng đầu tư trong tổng đầu tư Nhà nước. Cụ thể, xấp xỉ 40% tổng số vốn đầu tư công dành cho các ngành kết cấu hạ tầng: Điện, nước, vận tải, thông tin; công nghiệp khai thác mỏ chiếm ổn định khoảng 7 - 9%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, mặc dù là lĩnh vực hoạt động của đại đa số dân cư, nhưng tỷ trọng giảm dần từ 12,2% năm 2000 xuống còn 6,7% vào năm 2009. Điều này đi ngược lại với chủ trương phải tạo ra những điểm đột phá mạnh, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của đất nước về các sản phẩm có thế mạnh trong nông nghiệp, thủy sản và nhanh chóng đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao trong tương lai, bảo đảm cho sự phát triển lâu dài. Hơn nữa, hầu như không có sự chuyển biến đáng kể của cơ cấu đầu tư trong suốt thời gian gần 10 năm qua, điều này có nghĩa, đầu tư công đã không được sử dụng như một công cụ nhằm làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế dài hạn và điều tiết sự phát triển xã hội.

Ở góc độ phân bổ vốn đầu tư công cho các địa phương, việc giao gần như toàn quyền cho các ngành và địa phương thẩm định và quyết định đầu tư với quy trình ngược là: Các ngành và địa phương quyết định về dự án đầu tư, nhưng vốn đều ghi là nguồn vốn đầu tư từ ngân sách và xin vốn từ T.Ư. Hậu quả là diễn ra sự dàn trải, chồng chéo, công trình thi công chậm, thiếu đồng bộ, dở dang. Hệ quả là đầu tư công rất kém hiệu quả.

Cần những chuyển đổi căn bản

Để tái cơ cấu đầu tư công, cần giảm dần tỷ trọng tích lũy trong GDP. Mức tích lũy hiện nay trên 40% GDP, cần phải được giảm xuống dưới 40% và trong 5 - 10 năm tới giảm xuống mức 30%. Giảm tỷ lệ tích lũy đồng nghĩa với việc nâng cao mức sống của nhân dân, đồng thời cũng buộc đầu tư phải thay đổi cơ cấu, thay đổi cách thức quản lý và sử dụng đồng vốn hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc giảm tỷ trọng đầu tư cũng cần tính toán kỹ lưỡng, với một lộ trình hợp lý. Đồng thời, cần giảm tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách. Nhờ đó, tạo môi trường thuận lợi cho khu vực kinh tế dân doanh vượt qua những khó khăn trước mắt do tác động của khủng hoảng kinh tế, có điều kiện tự tích lũy nhiều hơn để mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh và nâng cao hiệu quả cạnh tranh.

Đặc biệt, trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu đầu tư công, cần chuyển đổi mô hình lưỡng tính hiện tại từ chính quyền quản lý sản xuất sang chính quyền quản lý Nhà nước; Chi tiêu ngân sách cần theo hướng giảm bớt chức năng Nhà nước kinh doanh và đồng thời tăng cường chức năng Nhà nước phúc lợi. Chính sách đầu tư công phải phục vụ trước hết cho việc thúc đẩy và hỗ trợ phát triển theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống và phúc lợi cho người dân…
TS Vũ Tuấn Anh (Viện Kinh tế Việt Nam)
Theo KTĐT
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.