29/08/2012 8:28 AM
Đã từ lâu nghịch cảnh giữa những khu nhà dột nát chật chội và những khu biệt thự cao cấp bỏ không đã là nỗi bức xúc lớn trong dư luận. Mới đây Hà Nội đề xuất đánh thuế 10% với những khu biệt thự bỏ hoang nhưng liệu có giải quyết được vấn đề?

Nghịch lý biệt thự bỏ hoang

Theo báo cáo mới nhất của UBND thành phố Hà Nội, đến hết tháng 6, thành phố có khoảng 655 biệt thự và 574 nhà liền kề đã hoàn thành phần thô hoặc mặt ngoài nhưng chưa đưa vào sử dụng. Để hạn chế tình trạng này, Hà Nội cho biết, sẽ phối hợp với Bộ Tài chính cân nhắc kiến nghị các phương án đánh thuế hoặc xử phạt theo tỷ lệ phần trăm giá trị hợp đồng đối với các biệt thự bỏ hoang. Thành phố sẽ kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế cao lũy tiến đối với người mua nhà từ ngôi nhà thứ hai trở lên.

Tại nhiều khu như Mỹ Đình, Cổ Nhuế, Linh Đàm và Lê Văn Lương kéo dài..., các căn biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang bao nhiêu năm nay giờ bị bao vây bởi cỏ dại um tùm và rác thải chất đống phía ngoài. Có nơi, xú uế và kim tiêm vương vãi khắp nền nhà. Hầu hết căn này đều ở dạng xây thô, chưa hoàn thiện, không lắp cửa thậm chí chẳng tường bao bên ngoài. Một số khu bỏ hoang là địa điểm cho thợ xây và quán nước rong tá tấp.


La liệt biệt thự bỏ hoang.

Tại khu đô thị Linh Đàm, bên cạnh nhưng căn lăn bả sáng bóng, nhiều biệt thự hoang được rào dậu cẩn thận xung quanh, hốc cửa ra vào cũng được xây gạch kín mít để tránh nghiện hút tụ tập. Tuy nhiên, ngoài vườn, cỏ mọc tốt tươi, xung quanh rác chất đầy. Phần lớn đã được mua đi bán lại nhiều lần, sau thời giá lên đỉnh điểm trên chục tỷ đồng mỗi căn hồi 2010.

Như vậy rõ ràng, đất đai một tài nguyên đặc biệt nhưng đang được sử dụng một cách lãng phí. Một thực trạng không thể chối bỏ là có hàng nghìn căn nhà, có hàng triệu m2 đất vàng bị bỏ hoang nhưng có hàng triệu người phải sống trong căn nhà cho thuê, chất chội, chất lượng thấp nhưng có giá thuê “cắt cổ”.

Một thực trạng cũng khiến xã hội bức xúc là hiện tại có quá nhiều dự án, biệt thự nhà liền kề bỏ hoang hàng chục năm. Đây là một nguồn lực rất lớn đối trong xã hội đang bị lãng phí một cách khủng khiếp.

Vì đâu nên nỗi biệt thự bỏ hoang?

Ông Lê Xuân Trường, Giám đốc một công ty BĐS cho hay, không chỉ ở dự án mới mà ngay tại các đô thị có "thâm niên" như Mỹ Đình, Linh Đàm, Pháp Vân, Việt Hưng... tỷ lệ nhà biệt thự, liền kề để không chưa đưa vào sử dụng rất cao. So với chung cư thì tỷ lệ biệt thự liền kề bỏ hoang nhiều do tình trạng "đại gia" mua để đầu cơ, làm của để dành nay lớn hơn rất nhiều.

Tại nhiều khu vực, nhất là vùng xa trung tâm, việc cho thuê khó khăn khiến nhiều căn nhà phải đóng cửa để đó, thậm chí chủ nhà cũng không muốn hoàn thiện. Ngoài ra, trong giai đoạn 2010 - 2011 giá nhà biệt thự, liền kề tại nhiều nơi được đẩy lên cao tạo thành giá ảo. "Nay thị trường xuống giá, các giao dịch tiền tỷ càng khó khăn hơn nên nhiều nhà đầu tư cũng đành 'bó tay' để mặc", ông Trường giải thích.

Theo ông Đặng Hùng Võ, cố vấn cấp cao của Bộ Tài nguyên Môi trường, cho rằng, việc tồn tại hàng trăm căn biệt thự bỏ hoang là hệ quả mang tính chất tất yếu của tình trạng đua đầu tư phân khúc bất động sản cao cấp trong một thời gian dài. Biệt thự bỏ hoang hiện nay chủ yếu tồn tại dưới dạng người dân thừa tiền mua đất chờ tăng giá hoặc đầu cơ.

Sở dĩ hơn một năm trời, mặc dù thành phố ra thông điệp siết chặt, biệt thự bỏ hoang vẫn nhiều nhan nhản, theo ông Võ, là do các giải pháp vẫn chưa tới, mới chỉ "loanh quanh". Sắc thuế bất động sản vẫn còn quá nhẹ, tỷ suất thuế tính vào giá trị đất theo bảng giá do UBND cấp tỉnh quy định là 0,03% và không đánh thuế nhà ở. Trong khi nhiều nước khác đều đánh thuế tới mức 1%, thậm chí 5-10% theo giá trị thị trường.

"Người sở hữu nhiều nhà không lo gánh nặng thuế nên họ có thể vô tư mua, bán, đầu tư. Công cụ thuế được đưa ra nhưng chính sách vẫn còn ngập ngừng", ông Võ nói.

Siết biệt thự bỏ hoang: khó khả thi?

Theo báo cáo mới nhất của UBND thành phố Hà Nội, đến hết tháng 6, thành phố có khoảng 655 biệt thự và 574 nhà liền kề đã hoàn thành phần thô hoặc mặt ngoài nhưng chưa đưa vào sử dụng. Để hạn chế tình trạng này, Hà Nội cho biết, sẽ phối hợp với Bộ Tài chính cân nhắc kiến nghị các phương án đánh thuế hoặc xử phạt theo tỷ lệ phần trăm giá trị hợp đồng đối với các biệt thự bỏ hoang. Thành phố sẽ kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế cao lũy tiến đối với người mua nhà từ ngôi nhà thứ hai trở lên.


Đánh thuế biệt thự bỏ hoang: liệu có khả thi?

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội đưa ra thông điệp siết biệt thự bỏ hoang. Trước đó, thành phố yêu cầu một số chủ đầu tư phải có trách nhiệm đôn đốc hoàn thiện các biệt thự theo đúng thiết kế, quy hoạch đã phê duyệt. Ngay sau khi Hà Nội mạnh tay đối với biệt thự bỏ hoang, một số dự án đã cấp tập sửa sang lại. Tuy nhiên, cũng không ít chủ các căn biệt thự tiền tỷ vẫn "án binh bất động".

Đề xuất này của Hà Nội đưa ra được xem là khá chậm trễ so với chỉ đạo của Chính phủ cách đây 2 năm khi một số phương tiện truyền thông phản ánh hàng loạt hệ lụy từ tình trạng biệt thự bỏ hoang, mà hệ lụy lớn nhất chính là lòng tin xã hội trước cảnh bất công về sở hữu nhà đất: kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra, đe dọa sự ổn định xã hội.

Theo dự kiến mức thuế đánh biệt thự bỏ hoang 3 tháng có thể áp thuế khoảng 5% trên giá trị hợp đồng, còn sau một năm mà biệt thự đó vẫn bỏ hoang thì sẽ bị tính thuế 10% trên tổng giá trị biệt thự. Đồng thời, TP còn kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế cao lũy tiến đối với người mua nhà từ ngôi nhà thứ hai trở lên.

Ngoài việc đánh thuế cao với mức tỷ lệ % dự kiến như trên, TP còn đề xuất xử phạt hành chính biệt thự bỏ hoang với chủ sở hữu biệt thự, mức phạt là 10- 20 triệu đồng/căn.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực BĐS thì việc đánh thuế này cũng không dễ khi tiêu chí về bỏ hoang vẫn chưa được xác định cụ thể.

Việc đề xuất đánh thuế nhà bỏ hoang đang được sự quân tâm rất lớn từ dư luận và được nhiều người ủng hộ, nhưng lại thiếu cơ sở để thực thi. Không những vậy nó sẽ chịu sức ép rất lớn từ những người kinh doanh bất động sản giàu có nhưng đang trong thời kỳ “thất thế”. Để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh lâu dài cần phải có những chính sách căn cơ như thuế sở hữu bất động sản thay vì chỉ những căn nhà bỏ hoang.

  • Đánh thuế biệt thự bỏ hoang nên hay không?

    Đánh thuế biệt thự bỏ hoang nên hay không?

    CafeLand - Trước thực trạng rất nhiều biệt thự, nhà liền kề bị bỏ hoang nhiều năm. Theo nhận định của nhiều người đây đều là những căn nhà của các chủ đầu tư giàu có do vậy cần đánh thuế để hạn chế tình trạng đầu cơ, tận dụng tối đa nguồn lực xã hội.

Theo Hoàng Anh (Vietnamnet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.