GS.TS Trần Duy Quy (nguyên Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đã từng cảnh báo về việc cấp phép đầu tư tràn lan cho các dự án sân golf trên phạm vi cả nước thời gian qua và cho rằng: "Chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam đất nông nghiệp lại bị tấn công mãnh liệt, có tổ chức, quy mô rộng và đầy quyết tâm như hiện nay... Trong những "sát thủ” của cây lúa, của nghề nông ngày càng đông ... nay là sân golf, mai có thể là bóng chày hay nhiều môn thể thao quý tộc khác”.
“Sát thủ” của đất nông nghiệp
Những sân golf như thế này liệu có cần thiết với sản xuất nông nghiệp? Ảnh: T.L

"Bội thực sân golf”, "cường quốc sân golf”, "sân golf đang tước đoạt tư liệu sản xuất của người nông dân”... là những cụm từ mà dư luận cũng như công luận đang sử dụng để nói về "phong trào” cấp phép đầu tư sân golf của chúng ta trong một giai đoạn ngắn vừa qua. Thậm chí, báo chí cũng từng thẳng thắn chỉ ra rằng, một tỉnh nằm trong vùng được coi là "vựa lúa” của Đồng bằng Sông Cửu Long như Long An, thế mà có lúc người ta đã "xuống tay” cấp phép cho tận... 18 dự án sân golf. Cũng tại tỉnh Long An cách đây vài năm, chỉ ở một đơn vị hành chính cấp huyện là huyện Cần Giuộc đã có tới... 5 dự án sân golf được cấp phép đầu tư.

Thực tế đó, có lẽ kể cả những lời biện bác vượt tầm thuyết khách thời Xuân Thu cũng đành "cứng họng”!


Theo báo cáo của Hội Nông dân Việt Nam, hiện nay trong cả nước trung bình mỗi năm đã sử dụng 72.000 ha đất nông nghiệp để đầu tư, chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác. Trong đó, hàng trăm dự án sân golf được phân bố ở 34/63 tỉnh đã ngốn đi 6.385 ha (có 2.625ha đất lúa). Đây sẽ là một mối lo ngại thực sự cho an ninh lương thực của đất nước khi mà tình trạng lấy đất nông nghiệp để làm sân golf đang diễn ra một cách tuỳ tiện, không theo quy hoạch hợp lý, làm cho diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Nhiều nơi người nông dân hết đất sản xuất, thiếu việc làm, đời sống gặp nhiều khó khăn, có nguy cơ gây mất ổn định trên địa bàn nông thôn. Và thực tế là những người nông dân có đất bị thu hồi để xây dựng sân golf đang rơi vào tình thế "dở khóc, dở cười” vì chẳng biết làm gì khi "bờ xôi, ruộng mật” đã gắn bó với họ qua bao nhiêu thế hệ bỗng dưng biến mất.


Thế mà chỉ cách đây ít ngày, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc trước khi bàn giao chức vụ này cho người kế nhiệm đã ký Tờ trình số 4759/TTr-BKHĐT gửi Thủ tướng Chính phủ xin bổ sung thêm 28 dự án sân golf (với tổng diện tích đất xây dựng sân golf là 3.812ha), nâng tổng số dự án sân golf của cả nước lên con số 115. Báo Tiền phong số ra ngày hôm qua (3-8), phân tích: Kể từ khi Việt Nam xuất hiện dự án sân golf, từ năm 1990, cho đến năm 2006, thẩm quyền phê duyệt các dự án sân golf do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Và trong suốt 16 năm ấy, Thủ tướng mới cấp phép cho 34 dự án sân golf. Nhưng khi Chính phủ vừa phân cấp (tháng 7-2006) cho các địa phương, thì chỉ 22 tháng sau đó, số dự án sân golf trên cả nước được các địa phương cấp giấy phép đã lên tới 104 dự án, gấp hơn 2 lần số sân golf của 16 năm Chính phủ cấp. Tính trung bình thời điểm đó , cứ mỗi tuần Việt Nam lại có hơn một dự án sân golf. Sự phát triển nóng sân golf lan vào cả Quốc hội, đến nỗi Bộ trưởng KH&ĐT Võ Hồng Phúc phải trả lời chất vấn. Năm 2009, Thủ tướng phải có quyết định 1946, loại bỏ hơn 60 dự án (trong đó có nhiều dự án lấy đất bờ xôi ruộng mật của nông dân), chỉ để lại 90 dự án sân golf.


Nhiều người từng đặt câu hỏi: Sự "quyến rũ” của các dự án sân golf đến từ đâu? Trong khi chính bản thân Tờ trình số 4759 nói trên của Bộ KH&ĐT cũng đã nói ra rằng: "Trong tổng số 90 dự án sân golf nằm trong quy hoạch (trước khi có Tờ trình bổ sung – NV), có 21 dự án là kinh doanh sân golf, còn lại 69 dự án khác kết hợp kinh doanh sân golf và kinh doanh bất động sản, khu du lịch, trong đó sân golf chỉ là một dự án thành phần”. Vậy trong số 28 dự án mà Bộ KH&ĐT vừa đề xuất cấp phép bổ sung nói trên, sẽ có bao nhiêu dự án sân golf thuần tuý. Hay khi mà các dự án sân golf, còn có thể thay đổi, bổ sung quy hoạch, thì việc nhà đầu tư xin điều chỉnh dự án, xin kinh doanh sân golf kèm bất động sản, đâu có khó hơn.


Đó là chưa nói đến những tác động bất lợi, những hệ lụy liên quan đến môi trường mà báo chí đã tốn không ít giấy mực thời gian qua.

Theo Thanh Tường (Đại Đoàn Kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.