Chiều 4/4, thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, đơn vị này đang nghiên cứu triển khai sản phẩm tín dụng liên kết 4 nhà. Theo đó, các ngân hàng ký hợp đồng liên kết 4 bên với Chủ đầu tư, Nhà thầu, Nhà cung cấp vật liệu xây dựng để kiểm soát dòng vốn tín dụng đúng mục đích, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giảm bớt tồn kho vật liệu xây dựng và bất động sản. Phạm vi áp dụng của chương trình này không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực bất động sản mà áp dụng chung trong xây dựng cơ bản, bao gồm cả một số dự án, công trình giao thông, năng lượng nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ phát triển kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước có thể giao cho một một ngân thương mại quốc doanh làm đầu mối thực hiện. Đại diện Vụ Tín dụng (Ngân hàng nhà nước). Bên cạnh đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, đây không phải một gói tín dụng cụ thể với bao nhiêu tỷ đồng mà là chương trình tín dụng liên kết 4 nhà không giới hạn về quy mô.
Việc cho vay theo chuỗi liên kết 4 nhà này bản chất là tín dụng thương mại thông thường, không có ưu đãi lãi suất, thời hạn cho vay... Tuy nhiên, điểm khác là trước đây từng ngân hàng cho vay rời rạc đối với từng chủ thể còn nay có sự liên kết giữa các bên để kiểm soát dòng tiền sử dụng đúng mục đích, tạo lập lại niềm tin trong lĩnh vực xây dựng.
Trước đó, thị trường đã xuất hiện gói tín dụng theo mô hình tương tự, liên kết giữa 4 nhà của một số ngân hàng thương mại. Theo công bố ban đầu của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), đơn vị này cùng Tập đoàn Thiên Thanh đứng ra làm đầu mối thực hiện gói liên kết 4 nhà 50.000 tỷ đồng.
Cả hai chương trình nói trên độc lập với gói cho vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng được thực hiện từ tháng 6/2013. Nguồn tiền giải ngân của gói 30.000 tỷ do Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho 5 nhà băng được chỉ định để cho vay hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà ở với lãi suất và thời hạn ưu tiên. Các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp cũng là đối tượng vay vốn từ gói này. Dẫu vậy tiến độ giải ngân sau gần một năm triển khai mới đạt khoảng 1%.