Theo đề xuất mới, Bộ KH&ĐT sẽ rút 3 sân trong danh mục cũ, bổ sung 28 sân mới, đưa tổng số sân golf trong
quy hoạch quốc gia lên 115 sân. 3 sân bị loại khỏi "cuộc chơi" do không
đáp ứng các tiêu chí, điều kiện đầu tư là sân golf Yên Lập (Quảng
Ninh), Khu du lịch nghỉ dưỡng Nam A Lăng Cô (Huế) và Khu du lịch biển
Bình Thuận.
Được
biết các địa phương đòi đưa thêm 42 sân golf vào hệ thống quy hoạch sân
golf quốc gia đến năm 2020, song Bộ KH&ĐT chỉ trình Chính phủ tăng
thêm 28 sân. Với 28 dự án mới bổ sung, Bộ KH&ĐT khẳng định đáp ứng
đủ chỉ tiêu và điều kiện theo quy định của Chính phủ, nằm ở khu vực đất
đồi, đất cát và tuyệt đối không sử dụng đất lúa.
Khoan bàn đến việc Bộ KH&ĐT xin bổ sung số lượng sân golf, riêng trong 90 sân golf "cứng" đã được Chính phủ phê duyệt nằm trong địa bàn 34/63 tỉnh thành đã thấy có quá nhiều vấn đề. Báo cáo kiểm tra thực hiện quy hoạch sân golf cho thấy, chỉ có 13 chủ đầu tư sân golf sử dụng đất đúng mục đích, xây dựng đúng tiến độ và đúng quy hoạch chi tiết được duyệt.
Có
tới 46 chủ đầu tư xây dựng các hạng mục công trình chậm tiến độ hoặc
sai quy định như làm sân golf khi chưa có quy hoạch chi tiết được duyệt,
chưa ký hợp đồng thuê đất, chưa nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất
theo quy định, tiến độ giải phóng mặt bằng chậm. Cùng với đó, có 9 dự án
chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Quá trình kiểm tra, còn
phát hiện 27 sân golf (thuộc 13 tỉnh) nằm ngoài danh mục quy hoạch sân
golf và không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất được duyệt.
Theo chuyên gia ngành TN&MT, đất sử dụng làm sân golf gây ô nhiễm môi trường gấp 5 - 8 lần so với sử dụng sản xuất nông nghiệp. Trung bình mỗi ngày tiêu tốn 150.000m3 nước mặt để tưới, sử dụng nhiều loại hóa chất độc hại để giữ đất, giữ cỏ cho sân, trong đó có chất giữ đất khỏi trượt lở có khả năng gây ung thư cao. Lượng phân bón hóa học tưới cỏ cũng được tính toán là lớn hơn gấp 5 lần hóa chất trong sản xuất nông nghiệp. Điều cần cảnh báo là quỹ đất một khi đã dùng để làm sân golf rồi thì khi hoàn trả, chất đất không lấy lại được như ban đầu kể cả khi phải tiêu tốn một khoản đầu tư không nhỏ để cải tạo lại đất.
Và như chuyên gia tài chính Nguyễn Trường Minh nhận xét, hầu hết dự án kinh doanh sân golf ở nước ta đang ở trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan, với những khoản lỗ trầm trọng. Các sân golf lớn thường xuyên vắng khách. Nhiều sân golf thiết kế giống nhau và quy hoạch chưa hợp lý, chưa xác định và phân bố một cách khoa học giữa nhu cầu chơi golf thực tế với nhu cầu đầu tư, giữa các khu vực cần đầu tư với những nơi không cần thiết có sân golf.
Lý giải về đề xuất mới nhất này, Bộ KH&ĐT cho biết, Thủ tướng đã đồng ý điều chỉnh quy hoạch sân golf theo hướng việc điều chỉnh này phải đảm bảo điều kiện Bộ cần rà soát, kiểm tra lại một cách chặt chẽ các dự án, tránh tình trạng quy hoạch treo hoặc gây lãng phí trong sử dụng đất, nhất là đất nông nghiệp, đất lúa, nguồn nước. Đặc biệt, phải tuân thủ đúng tiêu chí về điều kiện hình thành sân golf theo Quyết định 1946, như tuyệt đối không sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất khu công nghiệp...
Tuy nhiên, khi xem kỹ lại danh mục 28 sân golf mới mà Bộ KH&ĐT đề xuất thì có thể thấy, việc sàng lọc của Bộ này vẫn chưa kỹ như báo cáo. Theo đó, có 4 sân golf vẫn chiếm dụng đất lúa với diện tích không nhỏ. Cụ thể là sân golf Yên Bình, 36 lỗ tại Thái Nguyên và sân golf tại Khu đô thị Nam Sơn - Hạp Lĩnh, mỗi sân có 4,5 ha đất lúa. Sân golf Long Sơn, Thái Nguyên chiếm khoảng 4,6 ha đất lúa. Đặc biệt, sân golf Thanh Thủy, 36 lỗ của Phú Thọ chiếm tới 9 ha đất lúa.
Theo Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ KH&ĐT Hoàng Ngọc Phong, nếu so với tổng diện tích toàn bộ dự án, phần đất lúa này trung bình chỉ chiếm từ 2-4% và đều là đất lúa 1 vụ. Song so với tiêu chí "tuyệt đối không có đất lúa" thì vẫn không đạt. "Do đó, sau khi trình Thủ tướng, chúng tôi cũng nhận được ý kiến chỉ đạo của Chính phủ là phải loại bỏ các dự án sử dụng đất lúa", ông Phong nói.