Việc có thêm nhiều sân golf liệu có tránh được tình trạng các địa phương lại lấy đất lúa để làm sân golf? Rồi có tránh được việc các sân golf lại "trá hình" trở thành các dự án bất động sản hay du lịch?...

Bộ KHĐT đề nghị Chính phủ điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng thêm số sân golf đến năm 2020 là 115, chỉ bỏ 3 sân golf so với con số dự kiến trình trước đó. Cần nhớ rằng trước đó, Chính phủ đã phê duyệt cả nước chỉ có 90 sân golf - một con số được cho đã là phù hợp.


Theo quy hoạch trình Chính phủ, Bộ KHĐT đã bổ sung thêm 28 sân golf với tổng diện tích đất xây dựng là 3.812ha, nâng tổng số sân golf đến năm 2020 là 115 sân. Theo Bộ này, 115 dự án xây dựng sân golf đều đáp ứng tiêu chí, điều kiện đầu tư; được quy hoạch ở các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch là các vùng đất cát, đất đồi núi trọc...


Sân golf nở rộ và... “trá hình”?

Số sân golf ở Việt Nam hiện nay được cho là quá nhiều (ảnh minh họa).


Đã loại bỏ dự án dùng đất lúa

Theo Bộ KHĐT, số lượng các sân golf đưa vào quy hoạch nêu trên đã được dự báo và tính đến khả năng phát triển kinh tế ở mỗi địa phương. Bộ đã kiên quyết loại bỏ tất cả những sân golf được quy hoạch trên vùng đất lúa.


Như vậy với 29 sân golf đã đi vào hoạt động trên cả nước; 22 sân golf đang xây dựng; 13 sân golf được cấp giấy phép chứng nhận đầu tư; 23 sân golf được chấp nhận chủ trương đầu tư thì tới đây các tỉnh như Phú Thọ, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Nam, Bình Dương, Bình Định, Đăk Lăk, Quảng Trị mỗi tỉnh sẽ được bổ sung quy hoạch thêm 1 sân golf.


Các tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận được bổ sung quy hoạch mỗi tỉnh 2 sân golf. Riêng Kiên Giang, được bổ sung quy hoạch 3 sân golf. Quy hoạch sân golf như vậy, theo Bộ KHĐT sẽ ổn định và tương đương với số sân golf của các nước láng giềng như Philippines (100 sân), Malaysia (hiện có 230 sân).


Có tránh được sân golf “trá hình”?


Tuy nhiên, dư luận đang đặt câu hỏi, tại sao số sân golf mà Bộ KHĐT xin Chính phủ điều chỉnh lại bị "phình" to ra trong khi theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đó, đến năm 2020 cả nước chỉ còn 90 sân golf nằm trên địa bàn 34 tỉnh, thành phố. Việc có thêm nhiều sân golf chắc chắn sẽ tốn thêm nhiều đất và liệu có tránh được tình trạng các địa phương lại lấy đất lúa để làm sân golf? Rồi có tránh được việc các sân golf lại "trá hình" trở thành các dự án bất động sản hay du lịch?...


Theo tìm hiểu của NTNN, trước khi trình Chính phủ điều chỉnh quy hoạch sân golf, Bộ KHĐT cho biết, đã rà soát, kiểm tra chặt chẽ các sân golf nằm trong quy hoạch. Cụ thể, qua kiểm tra 90 sân golf, diện tích đất lúa sử dụng đã giảm từ 28% cách đây 3 năm xuống còn 2% và không có dự án nào sử dụng đất lúa hai vụ. Song Bộ này cũng thừa nhận, vẫn có tình trạng nhiều dự án sân golf đã lấy đất lúa màu mỡ như: 59 dự án đã có quyết định thu hồi 15.653ha đất, trong đó có 6.397ha đất nông nghiệp (chiếm 41%), đất lâm nghiệp có rừng (17%).


Trong số diện tích đất quy hoạch làm sân golf, các chủ đầu tư cũng đã thực hiện các dự án xây dựng các khu du lịch sinh thái, trung tâm thương mại… với tỷ lệ chiếm đến 51%. Hiệu quả của các dự án sân golf cũng chủ yếu là kinh doanh bất động sản. Trong số 90 sân golf, chỉ có 21 sân thuần tuý là sân golf, còn lại 69 dự án là kết hợp với kinh doanh bất động sản, du lịch.


Chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh cho rằng, việc quy hoạch các sân golf "phình" ra là không tốt. Nhiều nước giàu có hơn ta nhiều lần mà cũng chỉ có vài chục sân golf.


Ông Doanh cũng cho rằng, với quy hoạch sân golf mới, Chính phủ cần đưa ra các quy định chặt chẽ hơn để đảm bảo các dự án sân golf phải kinh doanh thể thao, chứ không phải là kinh doanh bất động sản như thời gian qua.


Bà Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế cao cấp cũng đồng tình và lưu ý rằng, các bộ, ngành cần phải quản lý các quy hoạch tốt hơn, tránh việc quy hoạch thì cứ quy hoạch còn thực hiện lại đi một nẻo. Đất đai của chúng ta có hạn, nông dân lại không có nhiều đất để sản xuất, do vậy khi phê duyệt các dự án sân golf, các cơ quan chức năng cần phải tính đến hiệu quả, để tránh lãng phí các nguồn tài nguyên đất đai của đất nước và sức lao động của người dân.

Theo Mai Nguyễn (Dân Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.