Khi thành lập sàn giao dịch bất động sản (BĐS), các cơ quan quản lý kỳ vọng việc giao dịch qua sàn sẽ giúp cho hoạt động này minh bạch, ngăn chặn đầu cơ, tích trữ tạo sự khan hiếm giả tạo trên thị trường. Về nguyên tắc, việc kinh doanh BĐS trên sàn phải công khai, minh bạch để giúp Nhà nước quản lý, điều tiết thị trường BĐS, kiểm soát được các hoạt động kinh doanh và tận thu nguồn thuế.

Thế nhưng, thực tế khi đến với sàn BĐS, khách hàng không được mua với giá gốc niêm yết theo quy định mà vẫn phải trả một khoản tiền vênh không nhỏ... Giao dịch ngầm, thỏa thuận miệng… đã khiến cho sàn BĐS biến thành nơi trục lợi của nhiều đối tượng.

Vụ ăn vênh tiền tỉ tại sàn giao dịch bĐS UDIC

Liên quan đến vụ "ăn" tiền vênh cực lớn trong giao dịch nhà thuộc dự án của Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị - UDIC, ngày 7/6, Thượng tá Đậu Văn Liên, Phó trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV (PC46) Công an Hà Nội cho biết, hiện Cơ quan điều tra đã tạm giữ hình sự 4 đối tượng về hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng bị bắt gồm: Trương Chiến Bình - TGĐ Công ty Cổ phần Đầu tư & quản lý BĐS UDIC; Nguyễn Trần Linh, Phó TGĐ kiêm Giám đốc kinh doanh; Đặng Quang Huy, Nguyễn Nhật Thành, nhân viên sàn giao dịch BĐS UDIC.

Trước đó, sáng 3/6, tại sàn giao dịch Công ty Cổ phần đầu tư & quản lý BĐS UDIC (doanh nghiệp thành viên của Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị - UDIC) có trụ sở tại tầng 19 tòa nhà Trung Yên 1, đường Trung Yên 1, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Đội Công nghiệp - Xây dựng, Phòng PC46 Công an TP Hà Nội bắt quả tang Nguyễn Trần Linh và Đặng Quang Huy đang nhận số tiền 4.391.100.000 đồng là tiền vênh của khách hàng phải đưa cho các đối tượng khi mua căn nhà K26 thuộc dự án khu nhà ở thấp tầng liền kề nhóm K khu nhà Yên Hòa - Cầu Giấy do UDIC là chủ đầu tư.

Bị hại là anh Nguyễn Văn Lốc ở Phủ Lý, Hà Nam cho biết, cuối tháng 5/2011, thông qua "cò" đất giới thiệu, anh đến sàn giao dịch Công ty Cổ phần Đầu tư & quản lý BĐS UDIC tìm hiểu mua căn nhà K26 có diện tích 86,1m2. Anh đã được nhân viên sàn giao dịch đưa đi xem căn nhà kết cấu 3 tầng 1 tum, đã hoàn thành xong việc xây thô. Mặc dù mua bán trên sàn, nhưng sản phẩm BĐS mà anh Lốc định mua không được niêm yết giá cả công khai.

Theo Nguyễn Trần Linh và Đặng Quang Huy giải thích, ngôi nhà này có giá trên hợp đồng là 135 triệu đồng/m2, nhưng giá thật mà anh Lốc phải trả là 186 triệu đồng/m2. Nếu đồng ý mua, anh Lốc phải trả một khoản tiền vênh là 51 triệu đồng/m2, và phải đưa tiền vênh trước mới được ký hợp đồng mua bán với Tổng Công ty UDIC. Từ tố cáo của anh Nguyễn Văn Lốc, Phòng PC46 Công an Hà Nội đã tiến hành bắt quả tang vụ nhận tiền vênh trên.

Theo Cơ quan điều tra, dự án nhà thấp tầng liền kề nhóm K do UDIC là chủ đầu tư gồm 12 căn nhà, có diện tích từ trên 50m2 đến 90m2. Các căn nhà này đã được sàn giao dịch BĐS UDIC bán cho khách hàng từ trung tuần tháng 4/2011 đến nay. Mặc dù giá của Tổng Công ty UDIC đưa ra từ 110 triệu đồng đến 135 triệu đồng/m2, nhưng thực tế, các đối tượng tại sàn giao dịch BĐS UDIC đã bán với giá từ 185 triệu đồng đến 190 triệu đồng/m2. Số tiền vênh này được các đối tượng ăn chia ngay sau khi thu của khách hàng.

Theo khai nhận của nhân viên Nguyễn Nhật Thành, tháng 4/2011, Thành được giao nhiệm vụ hỗ trợ sàn bán căn nhà K23 diện tích 61,2m2. Giá của căn nhà này theo hợp đồng là 110 triệu đồng/m2, tuy nhiên khi bán cho khách đã được đẩy lên là 185 triệu đồng/m2. Trong đó, sàn UDIC phải "cắt" cho "cò" giới thiệu khách là 5 triệu đồng/m2, còn lại "ăn vênh" của khách hàng 70 triệu đồng/m2, tương đương số tiền 4.284.000.000 đồng. Sau khi giao dịch thành công, Thành được chia 100 triệu đồng. Số tiền này đã được Thành nộp lại cho Cơ quan điều tra.

Sàn giao dịch BĐS không được thành nơi trục lợi
Giấy nhận tiền vênh của khách hàng được các đối tượng xác nhận.

Mở rộng điều tra, Cơ quan Công an làm rõ với 7 căn nhà đã giao dịch thành công, các đối tượng đã chiếm đoạt số tiền vênh khoảng 30 tỉ đồng. Các đối tượng khai nhận số tiền vênh này chia nhau và được chuyển cho Trương Chiến Bình, TGĐ Công ty Cổ phần Đầu tư & Quản lý BĐS UDIC. Tiến hành khám xét nơi ở, nơi làm việc của Trương Chiến Bình, Cơ quan điều tra đã thu được một số tài liệu liên quan đến vụ án. Hiện Cơ quan Công an đang tích cực thu hồi khoản tiền vênh mà các đối tượng đã chiếm đoạt, đồng thời làm việc với những người đã mua nhà tại dự án khu nhà ở thấp tầng liền kề khu K do UDIC là chủ đầu tư.

Theo Thượng tá Đậu Văn Liên, Phó trưởng Phòng PC46 Công an Hà Nội, đây là vụ án tham nhũng đầu tiên trong lĩnh vực kinh doanh BĐS được phát hiện với số tiền tham nhũng cực lớn. Điều nghiêm trọng là hành vi tham nhũng diễn ra tại một doanh nghiệp có góp vốn của Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh BĐS. Các đối tượng đã mượn vỏ bọc kinh doanh qua sàn BĐS để hoạt động phạm tội.

Sàn giao dịch BĐS - Còn nhiều mập mờ

Sự ra đời của sàn giao dịch với mục đích giúp Nhà nước kiểm soát và quản lý được tình trạng đầu cơ, giúp tăng thu ngân sách Nhà nước qua nguồn thu thuế chuyển nhượng, hạn chế tình trạng trốn thuế của chủ đầu tư cũng như tiêu cực trong hoạt động mua bán BĐS. Không phủ nhận sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc thành lập và quản lý hoạt động của các sàn BĐS trong thời gian qua, nhưng việc các sàn BĐS mọc lên như nấm sau mưa trong thời gian qua đã đi ngược lại sự kỳ vọng của các cơ quan quản lý.

Sàn giao dịch BĐS không được thành nơi trục lợi
Khám xét nơi làm việc của Tổng Giám đốc Trương Chiến Bình.

Ngoài các sàn BĐS được cấp phép, có rất nhiều sàn BĐS không phép được biến tướng từ các văn phòng môi giới nhà đất, công ty địa ốc. Chỉ cần thay biển, đổi tên là trở thành sàn giao dịch, đánh lừa khách hàng. Việc thành lập sàn chỉ mang tính đối phó với các quy định của pháp luật bởi theo quy định của Luật Kinh doanh BĐS, mọi giao dịch BĐS của các chủ thể kinh doanh BĐS đều giao dịch trên sàn. Song từ vụ việc ăn tiền vênh của khách hàng tại sàn BĐS UDIC cho thấy hành vi chiếm đoạt tiền chênh lệch của khách hàng khi mua bất động sản trên các sàn giao dịch đã và đang diễn ra công khai. Chính vì vậy, đối với giới kinh doanh BĐS, việc cả một "dàn" từ lãnh đạo đến nhân viên sàn giao dịch BĐS UDIC bị bắt giữ không khiến họ ngạc nhiên.

Chủ một sàn BĐS thẳng thắn thừa nhận hành vi "vừa đá bóng, vừa thổi còi" giữa chủ đầu tư và sàn giao dịch BĐS. Mặc dù theo quy định, các sản phẩm đưa lên sàn giao dịch phải được công khai, minh bạch cả về thông tin dự án, giá cả sản phẩm, nhưng đối với các sàn, những quy định này chỉ là hình thức. Trong thời điểm hiện nay, khi giá chung cư đang rớt thì việc niêm yết và bán theo giá niêm yết may ra chỉ được các sàn thực hiện đối với các sản phẩm nhà chung cư. Đối với đất và những dự án "hot" thì phần lớn vẫn là giao dịch ngầm, việc mua bán do "cò" điều khiển và khách hàng phải chi trả một khoản tiền vênh không hề nhỏ nhưng vẫn phải chấp nhận như một thứ luật bất thành văn. Sở dĩ hiện tượng trên vẫn đang diễn ra bởi sự liên kết giữa chủ đầu tư, người đầu cơ, sự dàn xếp của sàn giao dịch và cũng được sự đồng ý của người mua theo phương thức "thuận mua, vừa bán".

Sàn giao dịch BĐS không được thành nơi trục lợi
Nguyễn Nhật Thành và Trương Chiến Bình.

Mặt khác, nếu khoản tiền vênh không được thể hiện trên hợp đồng thì người mua sẽ không phải nộp thêm một khoản giá trị thuế từ số tiền vênh này. Điều này đã khiến người mua bị thiệt hại và Nhà nước bị thất thu. Và như vậy, những hoạt động của sàn giao dịch chẳng khác nào các trung tâm, văn phòng môi giới nhà đất. Nói cách khác, sàn giao dịch đang bị "cò" đất lợi dụng hoạt động. Ngay trong vụ việc đã xảy ra tại sàn giao dịch BĐS UDIC, lời khai của các nhân viên bán hàng cho thấy các khách hàng đến mua nhà cũng đều qua "cò". Việc "làm giá" thông qua "cò", hoặc do chính nhân viên kinh doanh tự thỏa thuận với khách.

Một chuyên gia trong lĩnh vực BĐS nhận xét, việc tổ chức ra sàn BĐS giống như siêu thị nhằm tiến tới văn minh, hiện đại. Nhưng giữa chợ cóc, chợ truyền thống, chợ đầu mối đến siêu thị, trung tâm thương mại, Nhà nước cho cơ chế tương đối thông thoáng là cạnh tranh lành mạnh, tạo điều kiện cho khách hàng có quyền lựa chọn. Còn với hàng hóa là BĐS, việc tác động có tính chất khiên cưỡng, buộc việc mua bán qua sàn không phù hợp với nhu cầu cuộc sống thực tế, khiến sàn BĐS mở ra một cách tràn lan, quá khả năng của cơ quan quản lý. Thực tế diễn ra cho thấy sàn giao dịch BĐS hoạt động chỉ mang tính hình thức, còn việc điều hành vẫn là chủ đầu tư, nhà đầu tư chuyên nghiệp thao túng. Và người tiêu dùng, khách hàng vẫn là người bị thiệt hại nhiều nhất khi đặt niềm tin vào các tem mác "sàn".

Trên địa bàn Hà Nội, còn rất nhiều dự án BĐS sử dụng vốn Nhà nước được đưa lên sàn giao dịch BĐS. Những tiêu cực, bất minh trong mua bán tại các dự án này, đang được dư luận mong chờ Cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ, góp phần làm minh bạch thị trường BĐS, xóa bỏ khái niệm tiền vênh trong giao dịch BĐS
Theo H.Vũ (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.