Có thể coi sự việc ở Tiên Lãng (Hải Phòng) là đỉnh điểm của những bất cập về cả pháp luật đất đai và việc thực thi pháp luật ở các cấp địa phương.

Pháp Luật TP.HCM trân trọng giới thiệu góc nhìn của GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, người từng chấp bút Luật Đất đai 1993 và 2003, xung quanh câu chuyện này.


Thông cáo báo chí của UBND Hải Phòng phát trên TTXVN ngày 13-1 dùng những câu “tự ý đắp bờ bao”, “lấn chiếm” để mô tả cho việc những hộ dân như hộ ông Đoàn Văn Vươn từ đầu những năm 1990 đã bỏ công sức, mồ hôi và cả máu thịt quai đê lấn biển, chinh phục những bãi bồi ven biển đã bỏ hoang nhiều năm trước đó. Nhận thức ấy dường như quên mất rằng từ năm 1994, Thủ tướng đã có Quyết định 773 về Chương trình khai thác, sử dụng đất hoang hóa, bãi bồi ven sông, ven biển và mặt nước các vùng đồng bằng, mà mục đích duy nhất là khuyến khích người dân khai hoang phục hóa, chinh phục thiên nhiên, khai thác hiệu quả đất bãi hoang.


Năm trường hợp phải thu hồi đất


Trở lại căn cứ pháp lý mà Tiên Lãng dựa vào đó giao đất, tức Nghị định 64/1993 ban hành bản quy định việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài. Văn bản này khẳng định rõ thời hạn sử dụng đất là 20 năm, không được tùy nghi tăng giảm và nếu giao đất trước ngày 15-10-1993 (ngày Luật Đất đai 1993 có hiệu lực) thì thời hạn 20 năm được thống nhất tính từ 15-10-1993. Việc thu hồi đất cũng vậy, thu hồi đất trước hạn 15-10-2013 là không những vi phạm pháp luật mà còn không thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước.


Hơn nữa, ngay trong quyết định thu hồi đất cũng không đúng pháp luật. Vì thu hồi đất xảy ra sau ngày Luật Đất đai 2003 có hiệu lực, nên căn cứ pháp lý là đạo luật này và Nghị định 181/2004. Theo đó, khi hết thời hạn sử dụng đất, các hộ gia đình, cá nhân đang trực tiếp sử dụng đất thì được tiếp tục sử dụng đất với thời hạn đã quy định (20 năm), chỉ trừ năm trường hợp: (1) Nhà nước có quyết định thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng…; (2) Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất; (3) Cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế; (4) Người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất; (5) Đất không được sử dụng liên tục…, trong đó không có trường hợp hết hạn sử dụng đất (theo khoản 10 Điều 38 của Luật Đất đai) mà các quyết định thu hồi đất của Tiên Lãng lấy làm căn cứ.


Sai từ giao đến thu hồi đất

Chủ đầm Đoàn Văn Vươn sau bao năm bám biển nay bị cưỡng chế thu hồi đất. Ảnh: MT


Đối chiếu với các tài liệu trong vụ việc này, cũng như phản ánh của báo chí thì rõ ràng khi giao đất, địa phương đã tự cho mình quyền cắt giảm trái luật thời hạn giao đất còn 14, 10, thậm chí bốn năm. Còn khi thu hồi đất, trong các quyết định, thông báo thu hồi, quyết định cưỡng chế… đã không hề nêu ra được một trong năm căn cứ nêu trên. Người dân chỉ được biết đất bị thu hồi mà không biết sẽ giao lại hay cho ai thuê. Đó là chưa kể bao công của, mồ hôi họ bỏ ra đầu tư biến vùng bãi hoang thành đầm nuôi thủy sản, giờ bị tuyên bố thu trắng, không bồi thường.


Quan niệm sai về thu hồi đất


Súng nổ ở gia đình Đoàn Văn Vươn làm vỡ ra một thực tế là nhiều chính quyền đang quan niệm rất sai về cơ chế Nhà nước thu hồi đất, theo kiểu “Nhà nước có quyền muốn thu hồi đất của ai thì thu”. Sự việc cũng làm sáng rõ hơn những kết quả nghiên cứu về nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực đất đai ở nước ta, mà tiềm ẩn nhất ở cơ chế Nhà nước thu hồi đất. Cơ chế ấy, về bản chất là cơ quan nhà nước có thể lấy đất của người này giao cho người khác, mà đằng sau mỗi vụ việc, rất có thể chất chứa những mối quan hệ lợi ích phức tạp. Với trường hợp này, ai sẽ được lợi sau quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng là điều các cơ quan pháp luật cần làm rõ, nhất là trước yêu cầu về xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà Hội nghị Trung ương 4 vừa đặt ra.


Vụ nổ Đoàn Văn Vươn còn bộc lộ những hậu quả của xu hướng lạm dụng lực lượng vũ trang trong cưỡng chế hành chính, nhất là khi liên quan đến đất đai. Người cày có ruộng là mục tiêu giản dị mà vì nó bao người đã ngã xuống. Ở đây, những nông dân xã Vinh Quang còn đổ công sức khẩn hoang, chinh phục thiên nhiên, lấn biển, những đầm nuôi thủy sản là tư liệu sản xuất chủ yếu của họ. Vì thế, thu hồi đất dù để phục vụ dự án quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng hoặc dự án phát triển kinh tế nào khác cũng cần đặt lên cao nhất nguyên tắc đồng thuận ba bên: doanh nghiệp (chủ đầu tư), Nhà nước (đại diện chủ sở hữu) và người sử dụng đất.


Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, mục đích cơ bản là đảm bảo tính bình đẳng trong quyền tiếp cận đất đai, bình đẳng trong chia sẻ lợi ích từ đất đai và làm mất đi khả năng hình thành những địa chủ mới. Mục đích ấy, suy cho cùng là để bảo vệ quyền lợi của người sử dụng đất. Thế nhưng trên thực tế, chế độ sở hữu toàn dân đang bị “bẻ” sang hướng xác lập thực quyền về đất đai của chính quyền các cấp mà đến nay chưa có cơ chế giám sát, kiểm soát hữu hiệu nào. Sự việc Tiên Lãng gióng lên hồi chuông thúc giục các nhà lập pháp khẩn trương đánh giá lại chế độ sở hữu đất đai, nhất là trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai 2003 và Hiến pháp 1992 đang tiến hành.


GS-TSKH Đặng Hùng Võ


Luật Đất đai và những vấn đề chưa ngã ngũ


Theo Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2012, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được trình QH cho ý kiến lần đầu tiên tại kỳ họp thứ tư (cuối năm 2012). Nếu không có gì thay đổi, dự án này sẽ được thông qua tại kỳ họp QH giữa năm 2013 để kịp điều chỉnh nhiều vấn đề phát sinh trong thực tiễn, đặc biệt là giải quyết việc có chia lại ruộng đất hay không bởi ngày 15-10-2013 là thời điểm đất nông nghiệp được giao từ năm 1993 hết thời hạn sử dụng 20 năm.


Trong quá trình tổng kết, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Đất đai 2003 đã nổi lên một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược và Bộ TN&MT đã phải xin ý kiến cơ quan cấp trên có thẩm quyền. Cụ thể:


- Về sở hữu đất đai: Có ý kiến đề nghị nên bỏ sở hữu toàn dân và thay bằng sở hữu tư nhân, sở hữu tập thể, sở hữu Nhà nước. Nhưng cũng có ý kiến đề nghị giữ nguyên sở hữu toàn dân về đất đai như hiện nay.


- Về xử lý đất hết thời hạn sử dụng: Hiện nay thời hạn sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hằng năm là 20 năm. Có ý kiến cho rằng hết 20 năm (thời điểm 15-10-2013) thì phải chia lại đất này. Nhưng có ý kiến cho rằng nên gia hạn 50 năm.


- Về hạn mức sử dụng đất: Có ý kiến đề nghị để sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa với quy mô lớn thì người dân cần thêm ruộng đất, do đó nên xóa bỏ hạn điền hoặc mở rộng hạn điền. Nhưng có ý kiến cho rằng nên giữ nguyên như hiện nay.


- Về khung giá đất: Có ý kiến cho rằng nên bỏ khung giá đất của Chính phủ hoặc không xác định hằng năm như hiện nay mà xác định khung giá đất 3-5 năm.

TTH tổng hợp


Bốn cán bộ chuẩn bị xuất viện


Ngày 13-1, Công an TP Hải Phòng cho biết sau một tuần điều trị, sức khỏe sáu cán bộ công an, quân đội bị thương trong khi tham gia cưỡng chế tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng sáng 5-1 đã tiến triển tốt. Bốn người điều trị tại Hải Phòng gồm Thượng tá Lê Văn Mải - Trưởng Công an huyện Tiên Lãng, Trung sĩ cảnh sát Hoàng Văn Phong cùng hai sĩ quan quân đội thuộc Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tiên Lãng là Thiếu tá Lê Văn Ghi và Trung úy Đào Trọng Dũng đã bình phục và có thể xuất viện vào đầu tuần tới. Hai cán bộ công an huyện Tiên Lãng bị thương nặng hơn là Đại úy Vũ Anh Tuấn và Trung sĩ Đỗ Xuân Trường sẽ tiếp tục điều trị tại BV Việt Đức và Viện Mắt Trung ương cho tới khi bình phục hẳn.


HUY HOÀNG


Theo PLTP
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.