Ông Trần Văn Thanh (ngụ xã Bà Điểm) là người bị Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh nhà Hoàng Hải (Công ty Hoàng Hải, do ông Ngô Quang Trưởng làm giám đốc, đã bị công an bắt do thuê xã hội đen giết thuộc cấp của mình) lập hợp đồng đền bù khống hàng chục ngàn mét vuông đất nằm trong dự án khu nhà ở 5,2 ha. Ông lục lọi xấp hồ sơ, trong đó có hơn 10 tờ đơn khiếu nại, kêu cứu gửi khắp các cơ quan chức năng đưa chúng tôi xem.
Đây là phần đất công viên cây xanh, giờ chưa biết sẽ xử lý thế nào
Sốt ruột từng ngày
Ông Thanh bức xúc: “Sau khi việc vỡ lở, Công ty Hoàng Hải đã thương lượng hoán đổi 5 nền đất trong dự án cho gia đình tôi. Tuy nhiên, gần 10.000 m2 đất nông nghiệp bị công ty tự ý sang tên cho ông Trưởng đến nay vẫn chưa đền bù xong, mang sổ đỏ ra ngân hàng thế chấp cũng không được. Tôi định gặp lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường để trình bày nguyện vọng mong họ sớm giải quyết”.
Cũng là nạn nhân có đất bị Công ty Hoàng Hải tự ý sang tên, lập hồ sơ đền bù khống, ông Nguyễn Văn Đợt (xã Bà Điểm) thở dài: “Hơn 1.600 m2 đất của tôi bị công ty này tự ý sang tên, trong đó hơn 500 m2 nằm trong trường tiểu học. Khi sự việc vỡ ra, công ty này thương lượng mua từ năm 2006. Năm 2012, UBND xã có mời tôi ra gặp chủ đầu tư, họ yêu cầu tôi bán hết phần còn lại hoặc đổi đất nhưng tôi không dám vì sợ bị lừa. Từ đó đến nay hơn 1 năm rồi nhưng chưa thấy chủ đầu tư đả động gì”.
Nhắc lại chuyện đổi đất, ông Cao Ái Thành cho biết: Sau khi biết khu đất hơn 1.300 m2 của mình bị công ty này tự ý sang tên rồi làm đường, trồng trụ điện xung quanh, gia đình ông khiếu nại lên UBND xã và được chủ đầu tư thương lượng hoán đổi đất. Trớ trêu là sau khi gia đình ông Thành bỏ gần 2 tỉ đồng để xây 2 căn nhà và nhà kho trên phần đất hoán đổi thì bị thanh tra xây dựng quận lập biên bản, yêu cầu tháo dỡ vì phần đất này thuộc quy hoạch công viên cây xanh.
Khiếu nại khắp nơi, cuối cùng 2 căn nhà ông Thành bị cưỡng chế tháo dỡ, còn nhà kho tạm thời cho tồn tại chờ xử lý. “Việc hoán đổi đất được chủ tịch UBND xã Bà Điểm lúc đó ký tên xác nhận nhưng không ngờ lại bị Công ty Hoàng Hải lừa lần nữa!” - ông Thành nói.
Hạn chế ảnh hưởng quyền lợi người dân
Sau khi có kết luận của Thanh tra TP, UBND TP đã yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, UBND huyện Hóc Môn đề xuất hướng xứ lý.
Siêu thị, sân bóng đá mini, sân tennis, nhà máy bia Vinaken xây trên đất nông nghiệp cũng được đề nghị tạm cho tồn tại chờ điều chỉnh quy hoạch phù hợp thực trạng. Những hộ dân đã mua đất của Công ty Hoàng Hải, có giấy chứng nhận quyền sử dụng hợp lệ thì vẫn được xây nhà, cấp giấy chứng nhận, mua bán… Riêng các dự án nhà xưởng, kho tại dự án 20,1 ha thì chủ đầu tư phải ngưng hoạt động, tự tháo dỡ di dời theo quy hoạch, nếu không sẽ bị cưỡng chế.
Đề xuất này tương đối phù hợp với đề xuất của Sở Xây dựng trước đây. Tuy nhiên, người dân còn phải chờ TP giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc điều chỉnh lại quy hoạch tại những khu đất cần điều chỉnh. Riêng Công ty Hoàng Hải tạm thời bị đình chỉ mọi hoạt động nên không thể giao dịch, giải quyết bất cứ vấn đề gì.
Chịu tiếng oan Không chỉ người dân bị đền bù khống lo lắng, đau hơn là những hộ bị giải tỏa ở các dự án khác đến mua đất nền dự án của Công ty Hoàng Hải nhưng không may chúng nằm trong quy hoạch công viên cây xanh hoặc hành lang kênh rạch. Theo kết luận của Thanh tra TP, những trường hợp này phải tháo dỡ trả lại hiện trạng. Điển hình là gần 10 căn nhà nằm trong hành lang kênh rạch thuộc dự án khu nhà ở 5,2 ha bị buộc tháo dỡ. Khu nhà này chỉ còn đống gạch đá hoang tàn, người dân đi thuê nhà trọ sinh sống. Hàng chục hộ dân thuộc khu 14 ha đang chịu tiếng oan “xây nhà trái phép” cũng từng ngày hồi hộp chờ quyết định của UBND TP. |