16/11/2012 1:21 PM
Đây là đề xuất của đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc xử lý các khoản nợ xấu hiện đã lên tới 252.000 tỷ đồng, bằng 8,82% tổng số nợ hiện tại.

Một vấn đề thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp trong phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình là xử lý nợ xấu để có thể sớm khơi thông nguồn tín dụng. Với kinh nghiệm của ông, nợ xấu nên được xử lý như thế nào?

Theo tôi được biết, trước ngày 25/11, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Chính phủ Đề án thành lập Công ty Mua bán nợ xấu. Đây được xem là động thái rất tích cực, kịp thời bởi vấn đề xử lý nợ xấu bức bách lắm rồi. Nếu xử lý nợ xấu chậm ngày nào thì cả ngân hàng và doanh nghiệp đều “tắc” thêm ngày ấy, ảnh hưởng tới cả nền kinh tế.

Tại Kỳ họp thứ 3, vấn đề xử lý nợ xấu đã được đưa ra và cho đến nay, đa số các ý kiến thiên về hướng thành lập Công ty Mua bán nợ xấu. Vấn đề hiện nay thuộc về quyết tâm của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Theo tôi, trong quý IV này, Chính phủ phải đưa ra phương án giải quyết và Đề án thành lập Công ty Mua bán nợ xấu là đúng đắn. Phải xem đây là nhiệm vụ chính trị và xã hội cũng nên đồng thuận để cùng tham gia xử lý nợ xấu.

Theo ông, Công ty Mua bán nợ xấu sẽ hoạt động theo hướng nào?

Trước hết, cần phải xác định nợ đó như thế nào, có phải là nợ có khả năng giải quyết không hay nợ đã mất, gắn vào nguyên nhân cụ thể để có biện pháp giải quyết phù hợp, quy rõ trách nhiệm những người tạo nên món nợ xấu để xử lý mạnh bằng các biện pháp hành chính, kinh tế và thậm chí là luật pháp. Chúng ta có thể huy động vốn bằng cách Nhà nước bỏ ra một ít, các ngân hàng bỏ ra một ít, cho phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh... Nếu làm được điều này, việc thành lập Công ty Mmua nợ xấu là cần thiết và đề án 100.000 tỷ đồng là hoàn toàn khả thi, quốc tế đã làm nhiều rồi và chúng ta có thể tham khảo mô hình của Thái Lan.

Chúng ta có thể mua nợ xấu sau đó bán lại, nếu làm tốt thì thậm chí sẽ có lãi. Bên cạnh đó, việc thành lập Công ty Mua nợ sẽ giảm tín dụng đen, bởi nếu không giải quyết được vấn đề nợ xấu thì chắc chắn tín dụng đen sẽ lấp chỗ trống.

Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông đánh giá thế nào về một số giải pháp để có thể sớm đưa vốn tới các doanh nghiệp mà Thống đốc Ngân hàng vừa đưa ra?

Các giải pháp mà lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đưa ra tương đối chuẩn xác, nhưng việc cụ thể hóa những chính sách này trên thực tế lại là câu chuyện khác. Tôi cho rằng, việc giải quyết bài toán tín dụng cho doanh nghiệp cần có hai hướng giải quyết.

Thứ nhất, các doanh nghiệp phải đánh giá, tự điều chỉnh chiến lược kinh doanh sát với tình hình thực tế, với các chính sách của cơ quan quản lý nhà nước đã có hoặc sắp có. Trong tất cả các thời kỳ phát triển của đất nước, thời kỳ nào cũng có nhiều doanh nghiệp vượt qua được những khó khăn để ngày một trưởng thành lên. Họ là người đánh giá sát, dự báo đúng tình hình để phòng thủ hoặc chớp được cơ hội vươn lên.

Thứ hai, không thể không có sự hỗ trợ của Nhà nước. Sự hỗ trợ này có thể đến từ cơ chế chính sách như giãn, miễn thuế; hoặc cải thiện môi trường kinh doanh, làm tan băng thị trường xây dựng; hoặc tăng đầu tư cho lĩnh vực hạ tầng mở ra các cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp. Khi có những yếu tố này, thì ngân hàng mới dám cho vay. Các ngân hàng cũng cần có cơ chế cho vay sát hơn để đưa vốn ra thị trường tín dụng.

Tôi rất đồng tình với nhận định của Thủ tướng Chính phủ rằng, Chính phủ hành động không cũng chưa đủ, mà rất mong cộng đồng doanh nghiệp tự đổi mới, tính toán, cơ cấu lại doanh nghiệp, phương án sản xuất, kinh doanh cũng như việc quản trị, điều hành, để nâng cao năng suất và sức cạnh tranh, từ đó vượt qua khó khăn bằng chính nội lực, khả năng của mình.

Theo Anh Minh (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.