Ảnh minh họa
Theo quy hoạch, Sân bay Phan Thiết có tổng diện tích 543 ha, đặt tại xã Thiện Nghiệp (TP. Phan Thiết). Đây là sân bay lưỡng dụng, đạt tiêu chuẩn sân bay dân dụng cấp 4C và sân bay quân sự cấp I. Dự án này có tầm ảnh hưởng trọng yếu đối với sự phát triển của tỉnh Bình Thuận, cũng như chiến lược an ninh quốc phòng vùng biển, đảo khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.
Ông Phạm Văn Nam, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bình Thuận cho biết, đến thời điểm hiện tại, đã thực hiện xong cắm mốc quy hoạch ngoài thực địa. Đồng thời, công tác chuẩn bị để Dự án sớm được khởi công được các bên liên quan thực hiện rốt ráo.
“Chúng tôi đã tích cực tiến hành thủ tục thu hồi đất để xây dựng sân bay. Bình Thuận thực hiện chặt chẽ từ khâu đo đạc địa chính, ban hành quyết định thu hồi đất và thông báo đến người dân, tổ chức có đất bị thu hồi. Tỉnh cũng đã phê duyệt phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, các thủ tục cần thiết chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong phạm vi sân bay”, ông Nam nói.
Từ đầu năm 2014, UBND tỉnh Bình Thuận đã có quyết định chuyển mục đích đất lâm nghiệp và thu hồi đất mà các tổ chức, cá nhân đang quản lý sử dụng thuộc Dự án. Tiếp đó, TP. Phan Thiết cũng ban hành quyết định thu hồi đất 65/65 hộ dân. Việc áp giá đền bù được thực hiện đợt 1 cho 6 hộ dân thuộc khu vực 170 ha với tổng kinh phí 887,9 triệu đồng. Cũng trong khu vực này, còn 7 hộ dân chưa áp giá, vì có 3 hộ đã chuyển nhượng đất cho Công ty Thạnh Long, 1 hộ nằm trong khu vực rừng phòng hộ PAM, 2 hộ dân thuộc dạng giao khoán rừng (tỉnh đang xem xét chính sách hỗ trợ) và 1 hộ dân có tranh chấp đất.
Việc chuyển mục đích đất lâm nghiệp trong vùng quy hoạch sân bay, tỉnh Bình Thuận cũng đã phê duyệt xong báo cáo tác động môi trường và có phương án trồng rừng thay thế. Đồng thời, tỉnh đã chuyển hơn 2,5 tỷ đồng cho Quỹ Bảo vệ, phát triển rừng để đầu tư trồng rừng thay thế.
Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bình Thuận nhận định, công tác giải phóng mặt bằng thuận lợi, vì phần lớn diện tích đất dự án do các cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng. Công tác kiểm kê đất, tài sản trên đất đã thực hiện xong. Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng cho Dự án còn tồn tại vướng mắc, như việc quy chủ, xét tính pháp lý nguồn gốc đất còn gặp khó khăn do việc mua bán, sang nhượng đất chưa tuân thủ các quy định của Nhà nước. Bình Thuận đã xét tính pháp lý cho 53/65 hộ dân và đã chuyển 53 hồ sơ sang Hội đồng Bồi thường, Hỗ trợ và Tái định cư thẩm định để giải ngân tiền đền bù trong thời gian nhanh nhất. Hiện các ngành chức năng của tỉnh đang tiếp tục hoàn tất công tác xét tính pháp lý phần diện tích đất còn lại của một số hộ dân sang nhượng và chồng lấn với rừng phòng hộ Phan Thiết.
“Bình Thuận đã tạm ứng trước kinh phí 15,4 tỷ đồng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Chúng tôi đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải quyết các vướng mắc để sớm giải phóng mặt bằng, bàn giao cho nhà đầu tư khởi công Dự án trong quý IV năm nay” ông Nam cho biết thêm.
-
Lập hội đồng thẩm định BOT sân bay Phan Thiết
CafeLand - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành tổ chức thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT....
-
Bất động sản 24h: Đất quanh sân bay Phan Thiết lại "sốt"?
CafeLand - Cảnh báo 'cò đất' đổ xô về dự án sân bay Phan Thiết; “Thượng đế” cũng mệt mỏi với ban quản trị; Mua nhà nhưng không được vào nhà... là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.
-
Cảnh báo 'cò đất' đổ xô về dự án sân bay Phan Thiết
Chiều 11.3, Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết (Bình Thuận) gửi văn bản lưu ý Công an, Phòng TN-MT và UBND xã Thiện Nghiệp (TP.Phan Thiết) có biện pháp cấp bách để ngăn chặn tình trạng 'cò đất' tập trung bất thường khu vực sân bay Phan Thiết....