Tại cuộc họp báo thường kỳ gần đây, ông Đào Trung Chính - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) - khẳng định, hiện nay không có quy định nào về việc người dân phải “bôi trơn” thì mới được cơ quan Nhà nước cấp sổ đỏ.
Thế nhưng khi nói về việc hiện nay, ở Hà Nội có tình trạng chủ đầu tư đăng ký xây dựng các căn hộ với diện tích một đằng, nhưng sau đó lại bán căn hộ cho người dân với diện tích một nẻo, ông khẳng định: “Cấp phép xây dựng các căn hộ 50m2 nhưng chủ đầu tư đã xây dựng những căn hộ để bán rộng tới 55 - 60m2 nên trường hợp đó xem xét cấp sổ đỏ đã khó rồi... Ngay trong tuần này, Bộ TN&MT sẽ làm việc trực tiếp với UBND TP Hà Nội để giải quyết những vấn đề này”...
Ô hay, việc này đã rõ như ban ngày rồi, các “bác” còn cần bàn gì nữa nhỉ?
Mọi người hẳn còn nhớ cách đây gần 2 năm đã xảy ra nhiều cuộc tranh cãi nảy lửa trước khi Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 02/2014/TT-BXD hướng dẫn Nghị định số 121/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng.
Một trong những nội dung mới của Thông tư này là quy định về cách tính giá trị phần xây dựng sai phép, không phép làm cơ sở để tính số tiền phạt mà chủ đầu tư công trình phải nộp cho Nhà nước và cho phép tồn tại.
Khi đó, có những ý kiến không đồng tình, bởi cho rằng sẽ dễ gây ra bệnh “nhờn luật” và tiếp tục vi phạm, hoặc nếu phạt thì phải phạt thật nặng để chủ đầu tư không dám tái phạm.
Tuy nhiên, với yêu cầu của công cuộc cải cách hành chính cùng với mục tiêu giảm bớt các thủ tục cấp phép hoặc cấp sổ đỏ có quá nhiều nhiêu khê, gây không ít khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, Thông tư 02/2014/TT-BXD đã được ban hành ngày 12/02/2014. Trong đó, Điều 8 của Thông tư đã xác định rành mạch, rõ ràng đến từng mét vuông cách tính giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được duyệt, sai quy hoạch hoặc sai thiết kế đô thị được duyệt quy định tại khoản 9 Điều 13 Nghị định số 121 của Chính phủ.
Nếu trong sáng thì cứ theo quy định trên mà bắt chủ đầu tư nộp phạt rồi cấp sổ đỏ cho người dân, vậy các “bác” bảo khó thì khó ở chỗ nào? Việc gì phải bàn ở cấp cao như thế!
Còn với người dân thì họ giải thích dễ dàng hơn nhiều, rằng nó tắc tịt ở đâu đó thì chẳng còn lý do nào khác ngoài việc thiếu “bôi trơn”.