Nhà máy của Foxconn tại Bắc Ninh đã đi vào hoạt động, nhưng Dự án của nhà đầu tư này tại tỉnh Bắc Giang đứng trước nguy cơ bị thu hồi. Ảnh: Đức Than |
Đã nhiều lần ra “tối hậu thư”, song Foxconn vẫn “làm ngơ”, nên lần này, Bắc Giang quyết “ra tay”. Không những vậy, theo ông Thắng, nhằm tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các dự án FDI, bên cạnh việc hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, Bắc Giang cũng sẽ kiên quyết thu hồi các dự án không triển khai, chậm triển khai.
Không chỉ Bắc Giang, nhiều địa
phương khác trong cả nước, khi gửi báo cáo về Bộ Kế hoạch và Đầu tư về
tình hình thực hiện Chỉ thị 1617/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc
tăng cường thực hiện và chấn chỉnh công tác quản lý FDI trong thời gian
tới, cũng đều bày tỏ quyết tâm như vậy.
UBND TP. Hải Phòng, hôm 20/3 vừa qua, đã chính thức ban hành Chỉ thị về việc tăng cường thực hiện và chấn chỉnh công tác quản lý FDI. Từng nhiệm vụ cụ thể đã được giao cho các sở, ngành, trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư phải tăng cường thanh, kiểm tra các dự án FDI lớn, sử dụng nhiều đất, cũng như rà soát và xử lý theo pháp luật đối với các dự án chậm hoặc không triển khai. Như nhiều địa phương khác, theo Chỉ thị 1617/CT-TTg, Hải Phòng cũng lên kế hoạch hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc thẩm tra, cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư và quản lý nhà nước đối với hoạt động FDI trên địa bàn thành phố, trình UBND Thành phố trong tháng 4/2012.
Trong khi đó, tỉnh Bình Định, hồi đầu tháng 3/2012, cũng đã yêu cầu các sở, ngành kiểm tra, rà soát các dự án chưa đầu tư, không thực hiện đầu tư theo tiến độ quy định, báo cáo đề xuất UBND tỉnh để xem xét, chỉ đạo thực hiện trước ngày 10/4/2012. “Bình Định kiên quyết thu hồi những dự án chậm triển khai để giao cho nhà đầu tư khác có năng lực hơn”, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định cho biết.
Trên thực tế, không phải chỉ sau khi có Chỉ thị 1617/CT-TTg, các địa phương mới tích cực “dọn dẹp” các dự án FDI “xấu” để làm lành mạnh hóa môi trường đầu tư và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư khác thực sự có nhu cầu và có năng lực. Những năm gần đây, rất nhiều dự án tỷ USD đã vào tầm ngắm và bị thu hồi chứng nhận đầu tư. Các dự án Thép Cà Ná, 9,8 tỷ USD, ở tỉnh Ninh Thuận; Bãi Biển Rồng, 4 tỷ USD, ở tỉnh Quảng Nam; Thành phố Sáng tạo, 11,4 tỷ USD, ở tỉnh Phú Yên… là những ví dụ điển hình.
Năm ngoái, tỉnh Bình Định đã thu hồi chứng nhận đầu tư đối với 4 dự án. Con số này ở tỉnh Phú Yên là 1, ở tỉnh Bắc Giang là 12. Tỉnh Quảng Nam cũng rất mạnh tay khi thu hồi 8 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 104,7 triệu USD. Ngay cả Cao Bằng, một tỉnh mới chỉ thu hút được 9 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký rất khiêm tốn là 28 triệu USD, cũng rất cương quyết thu hồi 3 dự án, với tổng vốn đầu tư 7 triệu USD…
Con số các dự án bị thu hồi chắc chắn vẫn sẽ còn tiếp tục tăng, bởi năm ngoái, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có chủ trương thu hồi khá nhiều dự án FDI và sẽ làm thủ tục thu hồi chứng nhận đầu tư trong năm nay. Tỉnh này cũng vừa thống nhất chủ trương thu hồi Dự án Công viên Thế giới kỳ diệu của nhà đầu tư Good Choice (Mỹ), với tổng vốn đăng ký 1,3 tỷ USD.
Trong khi đó, năm 2011, tỉnh Bình Phước cũng phát hiện 6 dự án có dấu hiệu chậm triển khai và đã lên kế hoạch thu hồi 1 dự án trong năm nay. Còn thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam cho biết, vẫn tiếp tục phát hiện nhiều dự án chậm hoặc giãn tiến độ, do khâu giải phóng mặt bằng chậm, hoặc khó huy động vốn. Thậm chí, một số nhà đầu tư không tích cực triển khai dự án, có dấu hiệu chuyển nhượng…
“Chúng tôi sẽ kiên quyết thu hồi các dự án vướng đền bù giải tỏa đất quá nhiều, không thể giải quyết được, nhằm tránh tình trạng dự án treo nhiều năm”, ông Trần Văn Tri, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam nói và cho biết, nhằm đảm bảo cho các nhà đầu tư nhanh chóng thực hiện dự án đã đăng ký, UBND tỉnh buộc chủ đầu tư thực hiện ký quỹ đầu tư đối với các dự án du lịch; định kỳ hoặc linh động tổ chức các buổi gặp gỡ, làm việc với các chủ đầu tư để tháo gỡ vướng mắc và đôn đốc đẩy nhanh tiến độ của các dự án.
Thông điệp từ các địa phương là rất rõ ràng. Và điều này, theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Kế hoạch và Đầu tư, là cần thiết, bởi không thể để kéo dài tình trạng một số nhà đầu tư “rởm” vẫn được cấp phép dự án hàng tỷ USD, hay chuyện không ít doanh nghiệp FDI đóng cửa từ lâu vẫn chưa được xử lý trong khi chủ đầu tư không còn ở lại Việt Nam.