02/06/2016 9:40 PM
Thời gian qua, tình trạng quy hoạch treo, dự án treo đã xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Mặc dù chính quyền TP nhiều lần chỉ đạo chấn chỉnh, xử lý, thế nhưng do chính sách đất đai đối với người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi quy hoạch còn bộc lộ bất cập, không công bằng. Xung quanh vấn đề này, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN THANH TOÀN, Phó Giám đốc Sở QH-KT TPHCM.

PHÓNG VIÊN: - Được biết, Sở QH-KT vừa có văn bản gửi UBND 24 quận, huyện và các ban quản lý khu đô thị (BQL KĐT) tổng rà soát đánh giá quá trình thực hiện các đồ án quy hoạch đô thị để làm cơ sở xem xét, điều chỉnh. Ông có thể chia sẻ một vài thông tin về vấn đề này?

Ông NGUYỄN THANH TOÀN: - Ngày 27-5, Sở QH-KT đã có văn bản gửi UBND 24 quận, huyện, BQL KĐT Nam TP và Tây Bắc TP về công tác rà soát, đánh giá quá trình thực hiện các đô thị theo định kỳ (5 năm đối với quy hoạch phân khu, 3 năm đối với đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/500) để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Đây là công tác thường xuyên của các cơ quan quản lý quy hoạch đô thị bên cạnh công tác đề xuất chính sách đối với nhà - đất trong khu vực quy hoạch, nhằm đáp ứng yêu cầu hạn chế gây xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng của cộng đồng dân cư, vừa tạo điều kiện thuận lợi trong công tác tổ chức thực hiện quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo mục tiêu phát triển bền vững.

Theo đó, Sở QH-KT đề nghị UBND quận, huyện, các BQL KĐT tập trung rà soát, đánh giá quá trình thực hiện tất cả các đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/2.000, quy hoạch phân khu đã được phê duyệt. Ưu tiên rà soát các đồ án quy hoạch 1/2.000, quy hoạch phân khu đã phê duyệt từ 5 năm trở lên, các đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/500 của các dự án đầu tư xây dựng chậm triển khai mà UBND TP đã hủy bỏ chủ trương đầu tư hoặc hủy bỏ quyết định thu hồi giao, thuê đất (kể cả thỏa thuận quy hoạch tỷ lệ 1/500 phân lô hộ lẻ trước đây của Kiến trúc sư trưởng TP) và tại các khu vực quy hoạch người dân đã có nhiều phản ánh quy hoạch kéo dài thời gian thực hiện, thiếu tính khả thi, các dự án treo, các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, có nguy cơ cháy nổ.

Theo kế hoạch, đối với huyện Củ Chi và Hóc Môn, chúng tôi sẽ đẩy tiến độ đến cuối tháng 6-2016 phải hoàn tất việc rà soát, đánh giá và công bố cho người dân khu vực nào điều chỉnh, khu nào xóa quy hoạch. Riêng nội dung và thủ tục điều chỉnh sẽ công bố sau nhưng trên tinh thần càng sớm càng tốt, chậm nhất là cuối năm nay. 22 quận, huyện còn lại (đặc biệt là Bình Tân, Tân Phú, Nhà Bè, 9, 12) chúng tôi sẽ hoàn tất rà soát, đánh giá vào cuối tháng 7, đối với quy hoạch 1/2.000 và quy hoạch 1/500 vào tháng 10. Sau khi rà soát, Sở QH-KT sẽ thống nhất với các sở, ngành để quyết định điều chỉnh hay không điều chỉnh.

- Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng quy hoạch treo, dự án treo?

- Theo tôi có 2 nguyên nhân chính đó là chưa xác định được nguồn lực thực hiện và chưa có cơ chế chính sách hấp dẫn thu hút nhà đầu tư. KĐT Tây Bắc, Công viên Saigon Safari hay KĐT Bình Quới - Thanh Đa muốn phát triển được phải có sự tham gia của những tên tuổi lớn, kinh nghiệm và tiềm lực tài chính mạnh. Đối với các hạng mục cơ sở hạ tầng như đường sá, trường học, bệnh viện dựa vào nguồn lực vốn ngân sách Trung ương và địa phương; vốn vay ODA thì không nói, nhưng những khu vực quy hoạch công viên cây xanh mà ngân sách không gánh nổi, theo tôi phải có cơ chế thu hút đầu tư cởi mở.

Thực tế quy hoạch treo cho thấy nguồn lực thực hiện không có, kèm theo chính sách về đất đai không công bằng, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân. Tôi đã từng có ý kiến rằng việc tái thiết, giải tỏa trắng dân cư để xây dựng KĐT Tây Bắc là không khả thi, nhưng BQL KĐT vẫn giữ nguyên quan điểm. Theo tôi, sẽ không có vấn đề gì khi điều chỉnh quy hoạch, đưa quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị hoặc thiết kế đô thị vào để cải tạo, chỉnh trang nơi đây thành KDC hiện hữu trong KĐT Tây Bắc. Do đó, trong thời gian tới, có những đồ án phê duyệt chưa tới 3 năm, 5 năm nhưng nếu người dân phản ánh, bức xúc phải rà soát lại. Những hạng mục nào thuộc khung hạ tầng kỹ thuật đô thị, mục tiêu của các chương trình, công trình trọng điểm… phải giữ lại. Đối với tuyến đường giao thông khu vực, cần nhưng dân cư chưa phát triển thì dừng hoặc giảm lộ giới; xóa bỏ những công trình thương mại - dịch vụ chưa thật sự bức thiết; cân đối giảm chỉ tiêu cây xanh ở một số quận, huyện.

- Để ngăn hạn chế, dẫn đến xóa hẳn tình trạng quy hoạch treo, dự án treo, theo ông cần giải pháp gì?

Theo tôi, giải pháp chiến lược trước tiên là phải kiến nghị Trung ương ban hành những chính sách đối với người dân trong khu vực quy hoạch một cách công bằng, sòng phẳng với những hộ dân nằm ngoài khu vực quy hoạch. Giải pháp này phải đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, từ Luật Đất đai, Luật Nhà ở , Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị. Hiện nay chính sách đối với người dân vướng quy hoạch không công bằng khi xây dựng sửa chữa nhà khó khăn, mua bán sang nhượng giá thấp, tách thửa không cho, thế chấp ngân hàng không nhận. Bên cạnh đó, Nhà nước muốn quy hoạch chỗ này làm công viên cây xanh, chỗ kia làm công trình công cộng, nhưng chính sách vênh quá lớn như hiện nay lại làm khổ dân. Và khi nhận ra không hợp lý phải sửa ngay để an dân. Do đó, trong đợt rà soát các đồ án quy hoạch đô thị lần này, Sở QH-KT sẽ tổng rà soát diện tích đất và dân cư hiện hữu đang chịu tác động bởi quy hoạch để có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Theo Nghị định 11, mỗi TP phải xây dựng một chương trình phát triển đô thị. Chương trình phát triển đô thị này kết hợp với các đồ án quy hoạch phân khu sẽ cụ thể hóa được từng khu vực phát triển. Thuận lợi của TPHCM là đến nay đã phủ kín quy hoạch phân khu để lập kế hoạch thực hiện một cách đồng bộ. Trên cơ sở đó, TP sẽ dễ dàng xác định được nguồn lực thực hiện ở đâu: vốn ngân sách, vốn vay hay xã hội hóa; dự án nào ưu tiên, thời gian thực hiện trong bao lâu. Và khi mọi thứ đã rõ ràng cơ quan chức năng phải minh bạch thông tin, công bố cho người dân biết để họ yên tâm sinh sống và canh tác trên mảnh đất của mình.

- Xin cảm ơn ông.

Làm quy hoạch là để cho môi trường sống dân cư đô thị tốt hơn, đồng bộ và hiện đại hơn. Quy hoạch phải góp phần tạo ra động lực để mời gọi doanh nghiệp bằng cách dành ra những khu đất kế cận để họ kinh doanh BĐS, từ đó đầu tư ngược trở lại cho các chức năng công viên cây xanh, công trình công cộng.
Thanh Vy (Sài Gòn Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.