Trong những năm tới sẽ tập trung xây dựng cảng trọng điểm tại 2 khu vực là Hải Phòng và Vũng Tàu - Ảnh minh họa: Anh Quân
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online sau chuyến khảo sát và làm việc tại Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng Hải Việt Nam cho biết, những năm tới chỉ tập trung xây dựng những cảng lớn, cảng vận chuyển quốc tế ở hai khu vực là Hải Phòng (cảng Lạch Huyện) và Bà Rịa - Vũng Tàu (cảng Cái Mép - Thị Vải). Những cảng còn lại thuộc khu vực miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long sẽ chuyển sang làm cảng chuyên dùng để vận chuyển nguyên liệu cho các nhà máy nhiệt điện. Những cảng nhỏ trước đây đã đưa vào quy hoạch sau khi rà soát lại không còn phù hợp thì không đưa vào quy hoạch lần này.
Theo nhận định của Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA), quy hoạch cảng biển hiện nay của Việt Nam còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường vận tải biển.
Thực tế việc phát triển cảng biển thời gian qua cho thấy, quy hoạch cảng biển vẫn còn manh mún, đầu tư dàn trải, quá nhiều cảng nhỏ, thiếu cảng lớn, nhất là những cảng chuyên dùng cho các tàu container. Chính vì vậy đã dẫn đến tình trạng có cảng mà không có hàng, nhiều cảng chỉ hoạt động từ 20% - 30% công suất.
Tại hội nghị thường niên của VPA tổ chức hồi cuối tháng 8-2012 tại Đà Nẵng, VPA đã đề nghị Chính phủ hình thành cơ chế phát triển và quản lý kết cấu hạ tầng cảng biển và luồng hàng hải theo mô hình chính quyền cảng đi kèm với cơ chế khuyến khích hợp tác công tư (PPP) để thu hút đầu tư phát triển cảng lên quy mô lớn theo tính chất liên vùng một cách có trọng điểm và hiệu quả.
Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, hiện toàn quốc có khoảng 266 cảng biển lớn nhỏ, trong đó có 9 cảng có khả năng tiếp nhận tàu 50.000 DWT, thấp nhất là các tàu container đến 3.000 TEUs (mỗi TEU tương đương 1 container 20 feet) |