Thứ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, Thủ tướng Chính phủ mới đồng ý giao Bộ Xây dựng xây dựng đề án lập Quỹ tiết kiệm nhà ở và đề án này hiện đang trong quá trình xây dựng.

Quỹ Tiết kiệm nhà ở : Lo ngại tính minh bạch


Tuy nhiên, trên quan điểm của Bộ xây dựng, thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng, trước thực tế cung nhà ở còn chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là đối với người thu nhập thấp, Bộ Xây dựng đã đưa ra giải pháp lập quỹ tiết kiệm nhà ở như hình thức bảo hiểm xã hội. Quỹ Tiết kiệm nhà ở sẽ do người lao động đóng góp tự nguyện, trích 1% lương hằng tháng và hưởng lãi suất 3-5% một năm. Sau khi hình thành, Quỹ sẽ được ưu tiên cho cho người dân vay tiền mua nhà ở và dành một phần nhất định ưu tiên cho các DN xây dựng tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội. Những người không có nhu cầu về nhà, khi về hưu, họ được rút toàn bộ số tiền cả gốc lẫn lãi.


Theo như phương thức này, ông Nguyễn Văn Đực, Phó tổng giám đốc Cty địa ốc Đất Lành tính toán, cứ tính trung bình thu nhập của một người hưởng lương là 5 triệu, nếu trích 1-2% thì số tiền mỗi người góp vào quỹ một năm cũng chỉ là 600.000 đồng -1,2 triệu đồng. Trong 10 năm, mỗi lao động cũng chỉ dành ra 6 -12 triệu đồng, đó là một con số quá nhỏ để có thể sở hữu một căn nhà.


Theo tính toán của Bộ Xây dựng, với 1% đóng góp hàng tháng, mỗi năm quỹ có thể huy động được khoảng 10.000 tỷ đồng từ 9 triệu lao động đang hưởng lương. Tuy nhiên, để huy động và hoạt động được quỹ này thì quỹ tiết kiệm nhà ở cần phải triển khai bắt buộc chứ không thể tự nguyện. Bởi theo ông Nam: “ nếu tự nguyện, nghĩa là chỉ có người nghèo đóng với nhau (người giàu không mấy ai có nhu cầu mua nhà thu thập thấp) thì số tiền thu được để cho một người mua nhà sẽ rất lâu, chưa kể, ai cũng có nhu cầu nhà ở thì những người nghèo không biết chờ đến bao giờ mới tới lượt”.


“Cần áp dụng cho tất cả những người đi làm, không kể công chức hay người làm trong các Cty nước ngoài, tư nhân... quỹ cần huy động mọi người có thu nhập trong xã hội, bất kể thành phần kinh tế nào, có nhà hay không đều phải gửi vào quỹ tiết kiệm nhà ở, kể cả những người lương thấp vì mỗi tháng mỗi người chỉ phải nộp 1% của mức lương” - Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh.


“Tôi nghĩ con số này không đáng là bao, nếu một người đi làm với mức lương khoảng 3 – 5 triệu triệu/tháng thì chỉ phải nộp 30 - 50 nghìn đồng vào quỹ tiết kiệm” – ông Nam khẳng định


Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tại khu vực đô thị trên cả nước hiện vẫn còn khoảng 7 triệu người có nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở xã hội với tổng diện tích lên tới 150 triệu m2, tương đương nguồn vốn đầu tư tới 300.000 - 400.000 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn. "Quỹ Tiết kiệm nhà ở sẽ là cầu nối giúp cho dân nghèo, những người có thu nhập thấp tăng cơ hội được mua nhà ", ông Nam nhấn mạnh.


Thực tế, giải pháp lập quỹ tiết kiệm nhà ở đã được nhiều nước áp dụng hiệu quả. Quỹ này có cơ quan quản lý, tổ chức sử dụng. Khi người đó nghỉ hưu sẽ được rút về cộng với một ít lãi suất mang tính hỗ trợ trượt giá. Số tiền này sẽ cho những người thu nhập thấp vay mua nhà với lãi suất chỉ bằng 1/4 - 1/5 so với vay của ngân hàng thương mại. Ở một số nước, người tham gia quỹ tiết kiệm nhà ở phải nộp vào quỹ 7%/ tháng.

Theo ông Nam, quỹ tiết kiệm nhà ở nếu nộp khoảng 5-10 năm thì những ai chưa có nhà sẽ được vay. Đồng thời cũng có thể cho DN vay để xây nhà và cho người dân vay để mua nhà. Bên cạnh đó, cơ chế hoạt động khác hẳn với các ngân hàng bởi quỹ nãy chỉ vay chuyên dùng nhà ở. Và việc cho vay ở mức bảo toàn vốn, bảo đảm chi phí hoạt động cho bộ máy quản lỹ quỹ chứ không có lợi nhuận. Trường hợp nếu có lợi nhuận thì cũng đập vào cho việc cho người dân và DN vay xây, mua nhà. Còn các quỹ đầu tư hiện nay thì bao giờ cũng có mục đích lợi nhuận, chia lợi nhuận 100%, chưa kể cơ chế khen thưởng, đầu tư...

Bên cạnh đó, cơ chế quỹ tiết kiệm nhà ở tương tự như phương án mà Bộ Xây dựng đề xuất hiện cũng đã được áp dụng phổ biến và hiệu quả ở một số nước như Hàn Quốc, Singapore... với nguồn huy động rất phong phú. Ngoài huy động ở công chức nhà nước với tỷ lệ phần trăm lương bắt buộc, còn huy động ở người dân (tất nhiên không theo tỷ lệ lương), huy động bằng trái phiếu (người dân, DN khi tham gia bất kỳ một hoạt động giao dịch mua bán bất động sản nào đều phải mua trái phiếu)... Bộ xây dựng cũng đang nghiên cứu để chọn các phương án áp dụng vào thực tiễn của VN cho phù hợp và hiệu quả.


Tuy nhiên, các chuyên gia, mặc dù đánh giá cao mục tiêu tốt đẹp trong việc giải quyết nhu cầu bức xúc về nhà ở, vẫn lo ngại Quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ khó đi vào thực tế vì dễ nảy sinh tiêu cực. Vì vậy, Bộ Xây dựng cần phối hợp với các bộ: Tài chính, Ngân hàng Nhà nước xây dựng Quy chế quản lý quỹ, rồi tham khảo ý kiến người dân. Sau khi quy chế được thông qua, sẽ công bố rộng rãi để nâng cao tính minh bạch và hiệu quả giám sát sử dụng quỹ.


(Ý kiến, nhận định của các chuyên gia, nhà quản lý và
DN về vấn đề này sẽ được đăng tải trong các số báo tiếp theo)
Theo Quang Minh (DDDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.