06/03/2012 8:47 AM
Qũy giúp giảm tải sức ép tài chính cho Nhà nước, thay vì đầu tư với số lượng lớn, Chính phủ chỉ bỏ ra một chút ban đầu để khuyến khích người dân tham gia tiết kiệm cho mục đích có nhà ở.

Qũy Phát triển và Tiết kiệm nhà ở Kỳ vọng sự tự nguyện

Ảnh: Minh họa


Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh, Qũy phát triển và tiết kiệm nhà ở là một kênh tài chính và là cách giáo dục ý thức tiết kiệm cần được nhân rộng trong bối cảnh giá đất leo thang, nguyện vọng chính đáng sở hữu một ngôi nhà của người có thu nhập trung bình đang rời xa thực tế.


Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, đến cuối năm 2011, cả nước có 42 dự án nhà cho người thu nhập thấp được khởi công, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 73.000 người. Tuy nhiên, hiện mới có hơn 1.700 căn hộ được đưa vào sử dụng và chỉ có khoảng 8.000 người dọn đến ở, đạt 1% kế hoạch. Nguyên nhân chính là do giá cao và tiến độ xây dựng chậm và giá cả vẫn còn khá cao đã dẫn đến tình trạng người dân không mặn mà với nhà thu nhập thấp.


Tại khu vực đô thị trên cả nước hiện vẫn còn khoảng 7 triệu người có nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở xã hội với tổng diện tích lên tới 150 triệu m2, tương đương nguồn vốn đầu tư tới 300.000 - 400.000 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn và để đáp ứng được nhu cầu này rất cần các nguồn vốn phi ngân hàng như Quỹ tiết kiệm nhà ở.


Dự thảo Đề án Quỹ phát triển và tiết kiệm nhà ở do Bộ Xây dựng đề xuất sẽ được áp dụng theo 2 mô hình.


Thứ nhất, Quỹ tiết kiệm nhà ở chuyên phục vụ người có thu nhập thấp vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc cho doanh nghiệp vay đầu tư xây dựng nhà ở thu nhập thấp, nhà ở công nhân và phát triển nhà ở xã hội.


Nguồn vốn hình thành Quỹ phát triển và tiết kiệm nhà ở được huy động bao gồm từ nguồn vốn hiện có của Quỹ phát triển nhà ở, tối thiểu bằng 10% tiền sử dụng đất thu được từ các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án khu đô thị mới; ngân sách địa phương hỗ trợ hàng năm; tiền huy động từ các nguồn hợp pháp khác; nguồn đóng tiết kiệm và trả nợ của các đối tượng có nhu cầu tham gia đóng vào Quỹ; nguồn vốn từ ngân sách trung ương cấp một lần ban đầu cho Quỹ; 30% lợi nhuận thu được từ phát hành xổ số kiến thiết hoặc phát hành xổ số nhà ở; nguồn vốn từ việc phát hành trái phiếu nhà ở bắt buộc đối với các đối tượng tham gia một số hoạt động liên quan đến bất động sản.


Các đối tượng là hộ gia đình, cá nhân tham gia Quỹ thì tiền đóng góp hàng tháng không tính theo tỷ lệ tiền lương mà tính theo nhu cầu của khoản vay dự kiến. Đối tượng tham gia chương trình tiết kiệm nhà ở được vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội khi đã đóng vào Quỹ tối thiểu bằng 30% giá trị nhà ở cần mua, thuê mua với thời gian tham gia đóng quỹ tối thiểu từ 5 năm trở lên, mức đóng chia đều cho các tháng. Lãi suất bằng khoảng 1/2 lãi suất vay thương mại. Người vay thanh toán hằng tháng trong thời hạn 15 năm.


Thứ hai, Qũy áp dụng cho người có thu nhập trung bình vay để mua nhà ở thương mại. Đối tượng tham gia đóng Quỹ là người có thu nhập trung bình. Sau khi đóng quỹ khoảng 50% giá trị nhà ở cần mua, người tham gia sẽ được vay thêm 50% còn lại.


Việc nộp Quỹ tiết kiệm nhà ở theo tháng sẽ giúp người dân tích cóp dần để mua nhà, như hình thức đóng bảo hiểm xã hội. Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ lãi suất, các doanh nghiệp có chính sách phát triển nhà ở xã hội phù hợp để người dân có thể mua được.


Đối với những trường hợp quá khó khăn, sau khi vay tiền mua nhà mà không có khả năng trả tiếp, thì Nhà nước sẽ hỗ trợ, ví dụ như sẽ đi thuê nhà xã hội và trả lại nhà đã mua.


Nguồn vốn huy động cho Quỹ là chỉ từ những người tham gia đóng Quỹ, không được huy động từ nguồn khác. Điểm chung của hai mô hình là tham gia tự nguyện, không bắt buộc.


Theo các chuyên gia, ưu điểm của mô hình Quỹ Tiết kiệm nhà ở vừa được Bộ Xây dựng đề xuất là người lao động tham gia Quỹ trên tinh thần tự nguyện, tùy theo nhu cầu khoản vay dự kiến.


Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, việc đóng tự nguyện là hướng đến đúng đối tượng, nhưng nếu tỷ lệ người tự nguyện tham gia đóng Quỹ là quá thấp, Quỹ sẽ không thể được hình thành chứ chưa nói tới việc phát huy tác dụng như mong muốn.


Bên cạnh đó, để đảm bảo quỹ quản lý và vận hành đúng mục đích, tránh tiêu cực tham nhũng thì cần phải có cơ chế giám sát chặt chẽ.

Theo Tiền Phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.