Đặc biệt, theo đánh giá của những chuyên gia, thì việc xây dựng một quy hoạch và kiến trúc phù hợp, xứng tầm cho các khu du lịch biển của Việt Nam vẫn là điều khiến các nhà quản lý phải trăn trở.
Bài 1: Vẫn loay hoay tìm hướng
Theo đánh giá của các chuyên gia, tồn tại lớn nhất trong quy hoạch các khu du lịch biển là chưa phát huy được các giá trị phục vụ du lịch, dẫn đến các sản phẩm du lịch nghèo nàn, ít hấp dẫn...
Chưa đúng tầm
Trong những năm qua, du lịch biển Việt Nam đã phát triển rất nhanh, tạo được điểm đến cho du khách trong và ngoài nước. Những khu du lịch Hạ Long, Nha Trang (Khánh Hòa), Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Đồ Sơn và Cát Bà (Hải Phòng), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Mũi Né (Phan Thiết), Phú Quốc (Kiên Giang), Cửa Lò (Nghệ An)... đã ngày càng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Nhiều điểm du lịch biển của Việt Nam thậm chí đã được ghi dấu trên bản đồ du lịch thế giới như Hạ Long, Nha Trang, Vũng Tàu...
Quy hoạch, kiến trúc các khu du lịch biển vẫn manh mún, lộn xộn. |
"Du lịch biển phát triển nhanh cũng đồng nghĩa với việc các công trình kiến trúc được xây dựng nhanh. Các thành phố du lịch luôn được quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch, hàng loạt các quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư được thiết lập và xây dựng, góp phần tạo nên diện mạo "trăm hoa đua nở" cho các thành phố, các khu du lịch của Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề quy hoạch và kiến trúc của các khu du lịch biển vẫn còn rất nhiều điều phải bàn" - KTS. Nguyễn Thế Khải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Quy hoạch và kiến trúc Việt Nam, một người khá tâm huyết với quy hoạch và kiến trúc các khu du lịch biển cho biết.
Theo KTS Nguyễn Thế Khải, tồn tại lớn nhất trong quy hoạch các khu du lịch biển là việc chưa phát huy được các giá trị phục vụ du lịch, dẫn đến các sản phẩm du lịch nghèo nàn, ít hấp dẫn. "Nhiều nơi du khách đến chỉ để tắm biển rồi ra về, mà không được thưởng thức những sản phẩm khác. Chính vì vậy mà các khu du lịch này đành đóng cửa khi bãi tắm không hoạt động được bởi thời tiết", KTS Nguyễn Thế Khải nhấn mạnh.
KTS Nguyễn Thế Khải lấy dẫn chứng: Chúng ta vẫn chưa khai thác được những giá trị của yếu tố địa hình của các khu du lịch biển, thậm chí còn san gạt bừa bãi, làm mất đi những cảnh quan đẹp vốn có. Mặt khác, với hệ động thực vật biển và ven biển Việt Nam rất phong phú, lẽ ra sẽ là một "sản phẩm du lịch" đáng giá, thì lại chưa được bảo vệ và khai thác hợp lý. "Bên cạnh đó, ngoài việc tổ chức khai thác, ăn uống tại chỗ, các khu du lịch còn ít tổ chức tham quan môi trường sống, hoạt động đánh bắt hải sản của người dân địa phương và phương thức chế biến công phu tạo ra những sản phẩm ẩm thực, mặt hàng lưu niệm cho du khách. Mặt khác, các khu du lịch cũng chưa làm cho du khách hiểu được giá trị đích thực của cảnh quan hệ động, thực vật, nhằm góp phần giáo dục bảo vệ môi trường", ông Khải nhấn mạnh.
Theo một số KTS, do nhiều quy hoạch chưa hợp lý và các quy hoạch chưa được thực sự tôn trọng, nên trong những năm gần đây khối lượng xây dựng nhiều nhưng còn ít nơi có được những khu du lịch biển đẹp, những công trình đặc sắc. Các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, quán xá đủ các dáng kiểu, màu sắc, đua nhau "chen vai thích cánh", mạnh ai nấy làm, khiến bộ mặt đô thị khu du lịch biển lộn xộn khó chấp nhận, đặc biệt là mặt chính quay ra biển. "Nội dung các sản phẩm du lịch nghèo, đơn điệu dẫn đến việc quy hoạch và kiến trúc xây dựng ở các khu du lịch cũng đơn điệu, buồn tẻ. Vì vậy quy hoạch các thành phố du lịch, các khu du lịch ở nước ta hầu như na ná giống nhau, kể cả những bất cập do quá khứ để lại", ông Khải cho biết thêm.
Mất "thương hiệu" vì... dễ dãi
Chất lượng đội ngũ tư vấn kiến trúc và chất lượng đồ án là nguyên nhân đầu tiên dẫn tới tình trạng lộn xộn nói trên của quy hoạch và kiến trúc các khu du lịch biển. Theo những người trong giới cho biết, số lượng đội ngũ tư vấn ngày càng đông hiện nay xem ra không "tỷ lệ thuận" với yếu tố chất lượng. "Có những công ty tư vấn thiết kế có nhiều người tay nghề cao với tuổi nghề nhiều chục năm, nhưng cũng có công ty khả năng tư vấn thấp, thậm chí toàn người mới ra trường. Vì vậy, đã có không ít những đồ án chất lượng còn quá kém. Đặc biệt nhiều đồ án được lập ra theo những suy nghĩ không chuẩn xác của các nhà lãnh đạo, các ông bà chủ" - một KTS cho biết. Cũng theo KTS này, nhiều KTS ngày nay thậm chí còn “bốc đồng”, vạch ra nhiều đồ án có quy mô quá lớn so với khả năng thực hiện, chỉ để vừa lòng người thuê thiết kế, dẫn đến việc xây dựng rải rác, tốn kém, thậm chí dẫn tới quy hoạch treo.
Cũng còn một lý do lớn nữa là sự coi thường quy hoạch của không ít những khu du lịch biển. Trên thực tế, có nhiều đồ án quy hoạch đã được thông qua; nhưng bản thân các thành phố, khu du lịch biển khi phát triển lại... quên hẳn việc mình đã có bản vẽ quy hoạch, có đồ án kiến trúc và tự xây dựng theo "hứng" của mình, dẫn đến tình trạng "tùy tiện" trong quy hoạch, kiến trúc.
"Một nguyên nhân nữa làm cho quy hoạch kiến trúc các thành phố, khu du lịch biển bị phá sản bởi chúng ta đang thực hiện theo quy trình “chia rồi mới xây”. Hầu hết các công trình công cộng đang góp phần tạo bộ mặt cho các thành phố du lịch biển đều là nguồn vốn ngân sách nhà nước. Nhưng nguồn vốn này bị chia cho từng ngành, từng cơ quan quản lý, xây dựng và rồi đất đai cũng được chia theo. Mặc dù các công trình này đặt cạnh nhau hoặc cùng nằm trong một tổng thể nhưng lại mạnh ai nấy làm. Mỗi công trình cũng đi theo một trường phái khác nhau, dẫn tới sự lộn xộn trong quy hoạch, kiến trúc nói chung và quy hoạch, kiến trúc của các khu du lịch biển nói riêng” - KTS Nguyễn Thế Khải cho biết.
Và điều đáng báo động là tư tưởng sính ngoại đã làm kiến trúc du lịch biển bị “quốc tế hóa”, mất phần độc đáo và hấp dẫn. Du khách quốc tế tới Việt Nam để được thụ hưởng những sản phẩm du lịch Việt Nam. Vậy mà đến Việt Nam họ lại phải ở trong những ngôi nhà như ở đất nước họ (thậm chí còn kém hơn), ăn uống những món ăn thức uống hàng ngày của họ, chơi những trò chơi của họ... Điều đó khiến cho du lịch Việt Nam, nhất là du lịch biển mất đi những thương hiệu đáng có của mình