27/03/2014 7:43 AM
15 năm trước, hàng loạt huyện vùng ven được “lên đời” thành quận, đất nông nghiệp được quy hoạch, chuyển đổi thành đất đô thị. Hàng loạt khu quy hoạch bị “treo” từ đó. Để giải quyết quyền lợi cho người dân, các sở ngành, quận huyện đã cố công tìm giải pháp, nhưng vẫn loay hoay xử lý đất có nhà, còn đất có nguồn gốc nông nghiệp bị bỏ quên.

Giấy phép tạm hay chính thức?

Xuất phát từ huyện nông nghiệp ngoại thành, nên đất ở các quận ven thành lập sau này như 7, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân là đất có nguồn gốc nông nghiệp chiếm đa số. Khi đã lên quận, đất ruộng rẫy, vườn tược được chuyển đổi thành đất đô thị, để xây dựng nhà ở, trường học, bệnh viện, công viên… Theo quy hoạch 1/2000 đã được phê duyệt, hầu như các quận ven không còn đất nông nghiệp. Đấy là trên giấy tờ, quy hoạch, còn thực tế đất đai của người dân vẫn chủ yếu là đất nông nghiệp. Hơn 15 năm sau khi nâng cấp lên quận, số quy hoạch được thực hiện không nhiều, phần lớn còn lại là quy hoạch treo. Cuộc sống của người dân trong khu vực bị quy hoạch treo quá khó khăn.

Vườn tược, ruộng lúa ngày trước nay đã thành “rừng” giữa phố (ảnh chụp trên đường 42 phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức).

Để giải quyết, chính quyền TP và các quận huyện đã nhiều lần bàn thảo, nhưng biện pháp đưa ra chưa mấy khả thi. Quận 9 cấp giấy phép xây dựng chính thức đối với đất phù hợp quy hoạch nhưng có nguồn gốc là đất ở. Người dân đang sử dụng các loại đất khác đất ở, đất có nguồn gốc nông nghiệp vẫn “án binh bất động”. Quận Thủ Đức cho rằng, nếu cấp giấy phép xây dựng chính thức ảnh hưởng đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Vậy là người dân có đất, nhà ở nằm trong quy hoạch nhưng không phù hợp quy hoạch chỉ được cấp giấy phép xây dựng tạm. Ở mỗi quận, huyện xóa quy hoạch khác nhau, tùy thuộc vào cách suy nghĩ của cán bộ. Còn Sở Xây dựng, cơ quan tham mưu về lĩnh lực xây dựng của UBND TP, có ý kiến nên cấp giấy phép xây dựng chính thức trong khu quy hoạch 1/2000 chưa có quyết định thu hồi đất. Đối với đất đã được quy hoạch công viên cây xanh, công trình công cộng vẫn cấp giấy phép chính thức nhưng khống chế về chỉ tiêu.

Các quận, huyện và Sở Xây dựng TP đang tháo gỡ khó khăn cho người dân, nhưng vẫn còn loay hoay xử lý đất ở và đất ở đã có nhà. Còn đất có nguồn gốc nông nghiệp vẫn đóng băng. Điều cần nói ở đây, ở các quận ven, đất có nguồn gốc nông nghiệp lại chiếm phần lớn.

Vườn thành đất hoang, ruộng hóa sình lầy

15 năm qua, kể từ ngày các huyện chuyển lên quận, đất có nguồn gốc nông nghiệp trong các khu quy hoạch treo không được ngó ngàng. Với lý do cương quyết gìn giữ quy hoạch, chính quyền đưa ra quy định đất đã có quyết định quy hoạch thì phải giữ nguyên hiện trạng đất cả trên giấy tờ lẫn thực tế. Người dân không thể chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp, đất ở. Bởi vậy, người dân có quyền sử dụng đất nhưng lại không sử dụng được. Những hệ lụy từ quy hoạch treo đối với đất nông nghiệp rất lớn.

Khi đã lên phố, chính quyền không đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, nhiều khu đô thị, nhà ở xen lẫn mọc lên, nên đất nông nghiệp không canh tác được, hoang hóa dần. Sau nhiều năm không sử dụng, nhiều vườn rau, cây ăn trái đã biến thành bãi đất hoang, cỏ dại mọc um tùm. Ruộng ngập nước bị cỏ năn mọc, biến thành sình lầy, nước đọng. Dọc theo một số con đường ở quận ven, xen giữa khu dân cư là những rừng cây dại rộng hàng hécta. Nhiều chỗ cây dại mọc quá đầu người, rậm rạp như rừng. 15 năm trước, những bãi đất um tùm cây cối, cỏ dại đó là ruộng, vườn của người dân. Người dân có quyền sử dụng đất vẫn phải nộp thuế nhưng không sử dụng đất, trong khi đất đai chỉ mang lại giá trị cho người sử dụng, cho xã hội khi được sử dụng. Hơn chục năm qua, đất đai không được sử dụng, không chỉ gây ra lãng phí, sự thiệt thòi cho đối tượng trực tiếp có quyền sử dụng đất mà chính là lãng phí cho xã hội.

Đất bị bỏ hoang hóa nhiều, ở các quận ven xuất hiện nhiều khu rừng, bãi sình lầy ngay bên cạnh những khu dân cư. Có thể nói, ở hầu hết các phường vùng ven, đi đến đâu cũng thấy những bãi đất hoang hóa, đầy cỏ cây dại và sình lầy. Môi trường sống của người dân bị ảnh hưởng nặng.

Nhiều gia đình nằm trong khu quy hoạch treo quá lâu đã tự “xé rào” xây dựng nhà cho con cái, làm phòng trọ cho thuê. Hàng trăm công trình xây dựng không phép, từ nhà nhỏ tạm bợ, nhà xây bê tông cốt thép đã bị cưỡng chế tháo dỡ. Do nhu cầu xây dựng trên đất nông nghiệp lớn, nên một số cán bộ chính quyền, thanh tra xây dựng tại các phường, quận đã tiếp tay cho người dân xây dựng không phép. Nhiều cán bộ đã bị kỷ luật, bị khởi tố vì đã bảo kê cho đầu nậu xây dựng trái phép. Hậu quả là cán bộ bị đuổi việc, người dân bị đập phá nhà, còn đất nông nghiệp ngổn ngang xà bần, cát đá. Thế nhưng, không phải vì thế mà tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp được ngăn chặn.

Quy định “đóng băng đất nông nghiệp” gây lãng phí, thiệt hại cho người dân và xã hội quá lớn. Còn lợi ích, sau 15-20 năm hay lâu hơn nữa khi giải tỏa làm dự án, đất của người dân vẫn có nguồn gốc nông nghiệp, giá đền bù sẽ thấp hơn đất ở. Nhà cửa của người dân lỡ xây hay xây tạm không được đền bù. Cái lợi đem lại cho việc giải phóng mặt bằng là có thật, nhưng không có ích, vì cái lợi này quá nhỏ so với sự lãng phí của 15 năm qua và có thể hàng chục năm tới khi đất đai không được sử dụng.

Trần Yên (SGGP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.