Theo tờ VietnamPlus, HĐND tỉnh Bắc Giang vừa có Nghị quyết thông qua Đồ án Quy hoạch chung đô thị Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, đến năm 2045, với tỷ lệ 1/10.000.

Một góc thành phố Bắc Giang.

Phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của TP. Bắc Giang và huyện Yên Dũng hiện hữu (Đô thị Bắc Giang).

Theo đồ án quy hoạch, TP. Bắc Giang gồm 16 phường, xã (10 phường và 6 xã). Huyện Yên Dũng gồm 2 thị trấn và 16 xã với diện tích quy hoạch khoảng 25.830ha; trong đó, TP. Bắc Giang là 6.656ha; huyện Yên Dũng 19.174ha. Đến năm 2030, dân số đô thị Bắc Giang khoảng 472.000 người; năm 2045 là khoảng 666.000 người.

Ranh giới quy hoạch cụ thể gồm: phía Đông giáp huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang và TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương; phía Tây giáp huyện Việt Yên; phía Nam giáp huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh (Sông Cầu); và phía Bắc giáp huyện Lạng Giang và huyện Tân Yên.

Mục tiêu của Đồ án Quy hoạch là xây dựng và phát triển đô thị Bắc Giang trở thành một đô thị trung tâm, cửa ngõ quan trọng phía Đông Bắc của vùng Thủ đô Hà Nội. Đến năm 2030, phấn đấu xây dựng đô thị Bắc Giang trở thành đô thị loại I (sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính huyện Yên Dũng vào TP. Bắc Giang).

Bên cạnh đó, cụ thể hóa các định hướng chiến lược của Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các quy hoạch chuyên ngành có liên quan để xây dựng và phát triển đô thị Bắc Giang trở thành một đô thị trung tâm, cửa ngõ quan trọng phía Đông Bắc của vùng Thủ đô Hà Nội.

Xây dựng Đô thị Bắc Giang trở thành một thành phố “Xanh và Thông minh” với các trung tâm chuyên ngành cấp vùng và quốc gia, hỗ trợ phát triển liên vùng; là trung tâm hành chính-chính trị, kinh tế, văn hóa, dịch vụ, khoa học kỹ thuật, du lịch và giáo dục để thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, một đô thị có môi trường sống tốt, gắn với cảnh quan thiên nhiên và được liên kết với nhau bằng hệ thống giao thông công cộng..

Phát triển 3 trung tâm đô thị hiện hữu (thành phố Bắc Giang, thị trấn Nham Biền, thị trấn Tân An) và tạo ra bản sắc riêng biệt của từng khu vực; cấu trúc đô thị dựa vào các yếu tố tự nhiên là lấy núi Nham Biền và dòng sông Thương làm trung tâm và tác động ngược trở lại sự phát triển đô thị; kết hợp vùng thoát lũ dọc theo hai bên bờ sông và vùng sản xuất nông nghiệp nhằm ứng phó với nguy cơ xảy ra lũ lụt và duy trì các sản phẩm nông nghiệp địa phương.

K.P (T/h)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.