Chiều 6/9, đoàn khảo sát của Ủy ban Kinh tế Quốc hội (QH) khóa XIII đã có buổi làm việc với thường trực HĐND và UBND TP.HCM về tình hình kinh tế-xã hội tám tháng đầu năm 2011; tình hình quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất (SDĐ) đến năm 2015 và 2020.

Ông Nguyễn Văn Giàu - Ủy viên Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH - cho biết, việc khảo sát nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ hai của QH, trong đó QH sẽ xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước, thảo luận, thông qua một số dự án luật, trong đó có Luật Đất đai (bổ sung, sửa đổi). Ông Giàu cho rằng, TP.HCM vừa qua có rất nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, đáng để nghiên cứu, học hỏi như: chương trình tiết kiệm điện, chương trình bình ổn giá, chương trình nhà cho người thu nhập thấp, nhà trọ cho công nhân, sinh viên…


Trao đổi với đoàn khảo sát, đại diện Sở Tài nguyên-môi trường TP đã nêu nhiều khó khăn trong công tác quy hoạch SDĐ: hiệu quả sử dụng bản đồ quy hoạch SDĐ tại khu vực đô thị chưa cao; khi giao đất, hầu hết các quận đều sử dụng bản đồ quy hoạch chi tiết xây dựng. Hiện nay, tồn tại song song hai loại quy hoạch có giá trị pháp lý như nhau là quy hoạch SDĐ và quy hoạch xây dựng, trong quy hoạch xây dựng lại có một phần nội dung về quy hoạch SDĐ. Trong quá trình triển khai thực hiện, nội dung về quy hoạch SDĐ giữa hai loại quy hoạch này thường có những điểm khác nhau, do được lập tại hai thời điểm khác nhau. Sự khác nhau giữa hai loại quy hoạch này gây khó khăn trong việc chọn lựa loại quy hoạch để làm căn cứ giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích SDĐ và đôi khi gây ra những vụ khiếu nại của dân.


Đại diện Sở này cũng cho rằng, kế hoạch SDĐ thường có tính khả thi thấp, do không tính đến khả năng về tài chính để thực hiện kế hoạch. Theo quy định của pháp luật đất đai thì kế hoạch SDĐ là một trong những căn cứ pháp lý để giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích SDĐ, trong khi hoạt động kinh doanh của các nhà đầu tư lại theo thị trường. Do vậy, khi lập kế hoạch SDĐ, các địa phương, các ngành cứ đưa càng nhiều dự án vào kế hoạch SDĐ càng tốt (nếu không, sẽ phải trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh kế hoạch SDĐ mới triển khai được dự án), dễ dẫn đến tình trạng dự án ảo, kế hoạch ảo. Trên thực tế, tại nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng nhiều khu công nghiệp bỏ hoang, một phần là do các quy định chưa hợp lý về kế hoạch SDĐ.


Tiến sĩ Trần Du Lịch - Phó trưởng Đoàn đại biểu QH TP.HCM - đề nghị không nên đặt ra quy định về kế hoạch SDĐ 5 năm, 10 năm, vì như vậy là trở lại thời bao cấp, thời kinh tế kế hoạch. “Không nên ngồi vẽ ra những việc rối rắm đó” - ông Lịch nói. Về kinh tế-xã hội của TP.HCM, theo ông Lịch, TP.HCM không cần thiết phải điều chỉnh chỉ tiêu GDP, chỉ tiêu này chỉ để báo cáo thành tích. Thành phố chỉ nên tập trung vào chất lượng tăng trưởng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật.

Theo Ngọc Hồ (Báo Phụ nữ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.