28/09/2011 8:20 AM
Chuyên gia các lĩnh vực từ nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông vận tải đến khu công nghiệp, khu đô thị đều đưa ra những đánh giá, đề xuất riêng về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Song nếu chỉ ngành nào biết ngành đó thì chúng ta sẽ rơi vào triết lý của "thầy bói xem voi": Mỗi anh đúng một phần nhưng tất cả đều sai.

Dựa trên báo cáo đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2001-2010 và một số nội dung đổi mới của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011-2020 cả nước do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) công bố, các chuyên gia nhiều lĩnh vực đã tham gia góp ý với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội hôm 27/9.

Vẫn an toàn trong ngắn hạn?

TS. Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng an ninh lương thực cho tới 2030 vẫn thuộc ngưỡng an toàn.

Kết luận này dựa trên việc xem xét những thay đổi dự kiến trong tiêu dùng gạo tương lai, năng suất trồng trọt, đồng thời chỉ ra cán cân lúa gạo của Việt Nam sẽ thay đổi trong những thập kỷ tới theo các kịch bản khác nhau về diện tích đất được bảo vệ và dành riêng cho trồng lúa, trong đó bao gồm cả những giả định thực tiễn và những giả thuyết tương đối bi quan.

Giả định theo tính toán đến năm 2030, hệ số quay vòng đất lúa giảm xuống 1,8%/năm; tiêu thụ gạo tính theo đầu người dao động từ 100-120 kg/người/năm. Năng suất lúa có thể lên tới 7 tấn/ha, với phương án diện tích đất chuyên lúa cao nhất là 3,8 triệu ha thì Việt Nam vẫn luôn dư thừa gạo, ít nhất là 700.000 tấn và cao nhất là thừa 12 triệu tấn vào năm 2030.

Theo ông Sơn, nếu quy hoạch diện tích đất lúa là 3,8 triệu ha thì rất đảm bảo an ninh lương thực. Thậm chí có thể cân nhắc giảm xuống 3-3,3 triệu ha diện tích đất lúa trong những năm tới mà vẫn đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, vượt xa hơn năm 2030 thì chúng ta còn chưa tính tới tác động của biến đổi khí hậu.

"Đây là bài toán dài hơn cho tương lai" - ông Sơn thừa nhận.

Ở mảng sử dụng đất làm khu công nghiệp, TS Lê Tuyển Cử - Phó vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng cho biết, tính đến hết năm 2010, cả nước đã dành một diện tích đất tự nhiên là 72.000 ha để thành lập 260 khu công nghiệp.

Nếu tính cả các khu công nghiệp đã thành lập và số khu hiện đã được đưa vào quy hoạch, thì đến năm 2020 dự kiến cả nước sẽ có khoảng 510 khu với tổng diện tích đất tự nhiên 153.000 ha (chưa kể đề nghị phát sinh của địa phương từ nay đến 2020).

Về hiệu quả sử dụng đất, thì tổng vốn đầu tư kết cấu hạ tầng của các khu công nghiệp khoảng gần 9 tỷ USD. Đầu tư cho sản xuất kinh doanh có 4.400 dự án trong nước với số vốn đăng ký đạt 336.000 tỷ đồng và gần 4.000 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký 53,6 tỷ USD. Tuy nhiên vốn thực hiện rất khiêm tốn với mức bình quân chung vốn thực hiện là 35%.

"Hiện mới được 1/3 vốn đăng ký, thì thấy việc các nhà đầu tư cam kết thì cao nhưng thực tế làm ít" - ông Cử bình luận.

Tuy nhiên, vị đại diện Bộ Kế hoạch đầu tư vẫn bảo lưu quan điểm, hiệu quả sử dụng đất trong khu công nghiệp lớn hơn rất nhiều lần giá trị sử dụng đất nông nghiệp.

Thể hiện ở con số, giá trị sản xuất công nghiệp bình quân hàng năm tính trên 1 ha đất đã cho thuê đạt khoảng 1,6 triệu USD/năm (trong lúc giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt khoảng 600 USD/ha/năm) và tạo ra giá trị xuất khẩu khoảng 0,9 triệu USD/ha/năm (cao hơn vài nghìn lần so với giá trị xuất khẩu gạo khoảng 320 USD/ha), chưa kể khả năng tạo việc làm cho hàng trăm lao động trực tiếp và gián tiếp.

"Trong thời gian ngắn nữa, sau khi các khu công nghiệp được triển khai đầu tư đủ số vốn đăng ký hiện nay, người ta có thể tạo ra khoảng 200 chỗ làm việc trực tiếp, hàng năm tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 4 triệu USD và 2 triệu USD giá trị xuất khẩu. Như vậy, dự kiến không bao lâu nữa bình quân mỗi hécta đất công nghiệp sẽ thu hút được không dưới 4 triệu USD vốn đầu tư sản xuất kinh doanh", TS Lê Tuyển Cử phân tích.

Giải thích vì sao quy hoạch khu công nghiệp lại không vào các vùng trung du, miền núi mà lại toàn phải lấy đất nông nghiệp trù phú, ông Cử cho rằng, hạ tầng tại các vùng sâu, xa khó khăn khiến khó thu hút nhà đầu tư, bất chấp nhà nước đã có nhiều chính sách về thuế, vốn ưu đãi.

Còn với ý kiến cho rằng lấy đất nông nghiệp để làm khu công nghiệp là tước đoạt tư liệu sản xuất của nông dân, dẫn họ vào cảnh khốn khó, ông Cử cũng khẳng định, đất không chỉ là tư liệu sản xuất của riêng nông nghiệp, mà còn là của sản xuất công nghiệp. Vấn đề giải quyết sao cho hài hòa, đảm bảo ổn định cuộc sống, việc làm cho người dân sau khi bị thu hồi đất.

Quy hoạch để tiết kiệm hay lấy đất?


Nêu quan điểm quy hoạch để hạn chế sử dụng đất, đỡ tốn đất nhưng bình luận về kết quả thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất cả nước giai đoạn 2001-2010, GS Đặng Hùng Võ chỉ ra một loạt bất cập.

Cụ thể, hiệu quả sử dụng đất trong khu công nghiệp rất thấp, hiện tỷ lệ lấp chưa đầy 50%. Trong khi diện tích đất loại này đến năm 2015 và 2020 theo đề xuất tiếp tục tăng lên lần lượt là 100.000 và 200.000 ha, vậy thì tỷ lệ lấp đầy sẽ ra sao?
Với đất ở, trong khi đất ở nông thôn mới đạt gần 60% chỉ tiêu thì đất ở đô thị lại vượt chỉ tiêu sử dụng Quốc hội cho phép. Việc phát triển các đô thị mới làm đất ở tăng lên, điều này đã được Quốc Hội tính đến nhưng các địa phương vẫn giao vượt mức cho phép, dẫn tới tình trạng nơi vượt quá nhu cầu sử dụng.
"Mặc dù chúng ta chưa xuất hiện hiện tượng thành phố bỏ hoang nhưng đã có nhà và khu dân cư bỏ hoang, điển hình là khu đô thị Quang Minh ngay tại Hà Nội. Điều này làm mất cân đối, méo mó thị trường bất động sản và nhà ở... Vậy Quốc hội nhìn vào các chỉ tiêu này thế nào, quyết định ra sao?" - ông Võ đặt vấn đề.
Đồng ý kiến với ông Võ, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng khẳng định, hiệu quả sử dụng đất, lấy ví dụ đất cho khu công nghiệp, không phải ở việc lấp đầy cho khỏi mang tiếng lấy đất mà không sử dụng. Trong khi câu chuyện thực tế là tranh chấp nguồn lực do khan hiếm.
Ngay như đất ở đô thị, trong điều kiện nguồn lực vốn cực kỳ hạn chế thì việc phát triển ở tốc độ 1 tháng 1 khu đô thị thì chất lượng đô thị của ta chỉ là "lẹt đẹt" và lạc hậu. Đặc biệt, cần nhìn vấn đề rộng ra thành quy hoạch sử dụng không gian, trong đó không gian ngầm là cực kỳ quan trọng, chứ không phải là bề mặt như "tư duy làm ruộng".
Theo ông Thiên, quy hoạch phải dựa trên định hướng phát triển kinh tế và nguồn lực vì khi vẽ quy hoạch thì tham vọng rất cao nhưng nguồn lực, cơ sở pháp lý không đủ. Bên cạnh khía cạnh kỹ thuật, còn phải làm rõ khía cạnh thể chế, quan hệ giữa các cấp ngành.
"Quan trọng không phải bản quy hoạch đấy mà là nó có hiệu quả, khả thi trong thực tế, logic trong phát triển không, chứ ông nào cũng chỉ quan tâm đến việc riêng của mình thì sẽ vỡ trận, không giải quyết được vấn đề" - vị chuyên gia này khuyến nghị.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa VII - ông Lê Quốc Dung cũng thống nhất, vấn đề quy hoạch đất đai rất quan trọng. Làm sao để đất nước phát triển, đời sống nâng lên nhưng không gian vẫn rộng, đất đai còn nhiều, môi trường cảnh quan tốt đẹp. Trong bất kỳ thời điểm nào vẫn phải tiết kiệm đất là hàng đầu, vì đất không sinh ra.
Do đó, đất lúa và đất khu công nghiệp, đất ở đô thị phải hết sức cân nhắc. Phản biện ý kiến cho rằng còn nhiều thời gian và dư địa về vấn đề lương thực, ông Dung cho rằng, vấn đề này không thể nói trong vài chục năm mà phải nhìn vài trăm năm, vì đất lúa vài nghìn năm mới hình thành được, không thể phung phí, phải hết sức tiết kiệm. Đồng thời đất khu công nghiệp phải tính toán chặt chẽ, giới hạn lại.

Quốc hội cần quản lý bằng bộ tiêu chí lựa chọn loại dự án nào được cấp đất khu công nghiệp. Với đất ở khu đô thị nên quan tâm tạo điều kiện hơn nữa cho đất xây nhà ở xã hội. Chỉ được cấp phép dự án trong quy hoạch và khi đã có quy hoạch... là những giải pháp đáng chú ý mà ông Dung kiến nghị.

Theo VEF
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.