Cách đây khoảng 5 năm, Long An từng sôi động với phong trào “nhà nhà làm sân golf” khi chỉ trong hơn 2 năm đã có 13 dự án (DA) sân golf được chấp thuận đầu tư. Con số đó dường như vẫn là ít, nên có thêm 5 DA sân golf khác được tiếp nhận hồ sơ.

Thế nhưng, có thể do nhu cầu sân golf ở đây chưa có, nên ít nhất là đến năm 2016 ở đây sẽ chưa có sân golf nào.


Quy hoạch sân golf: hiểm hoạ đằng sau những con số Bài 2: 13 sân vẫn là ít, 2 sân vẫn là nhiều!
Cánh đồng xã Mỹ Phú này từng được giao cho DA sân golf. Ảnh: K.Q

Sân golf trên cánh đồng màu mỡ



Chỉ từ tháng 9.2004 đến tháng 3.2007, UBND tỉnh Long An đã chấp thuận đầu tư 13 DA sân golf, đồng thời tiếp nhận hồ sơ 5 DA sân golf khác. Mở màn cho “phong trào” sân golf ở Long An là DA của Cty TNHH An Tây tại xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc với diện tích 300ha. Tiếp theo là Cty TNHH Thái Sơn với DA 275ha cũng tại xã này... Chỉ riêng ở xã Long Hậu, UBND tỉnh Long An chấp thuận đến 4 DA sân golf với tổng diện tích 1.555ha. Rồi một số xã khác ở Cần Giuộc, Thủ Thừa, Bến Lức, Đức Hòa cũng có nhiều DA sân golf được chấp thuận địa điểm đầu tư. Trong các DA sân golf hoặc có yếu tố sân golf ở Long An, DA Sài Gòn - Mekong là “khủng” nhất với khoảng 2.600ha đất, chủ yếu là đất nông nghiệp. Nếu 18 DA sân golf ở Long An được triển khai suôn sẻ thì gần 9.500ha đất sẽ bị lấy đi, trong đó có không ít diện tích là đất lúa, hàng chục ngàn người dân sẽ bị ảnh hưởng.

Sau khi chuyện “18 sân golf” gây xôn xao dư luận, Tỉnh ủy và HĐND tỉnh Long An đã xem xét và kết luận tỉnh Long An chỉ giữ lại 3 DA sân golf, đó là: DA tại xã Tân Mỹ (huyện Đức Hòa) với quy mô diện tích 200ha; DA sân golf tại xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, với quy mô diện tích 280ha và DA sân golf tại xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc rộng 260ha. Trong 3 DA này, DA tại xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa gây bàn cãi nhiều hơn cả, vì nó tọa lạc trên vùng đất màu mỡ. Cánh đồng trồng lúa 2 - 3 vụ/năm (trong đó vụ đông xuân có thể đạt năng suất 10 tấn/ha) giúp nhiều người hết nghèo. Thế nhưng, khi đến khu vực DA (ấp 1 và ấp 4, xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa) vào cuối năm rồi, chúng tôi chứng kiến cảnh nhiều nhà dân xập xệ, tạm bợ, còn đường đi thì lầy lội. Nguyên nhân do DA sân golf “treo” suốt 4 năm qua nên đường sá, nhà cửa của dân cũng phải “treo” theo. Cuối cùng, sau nhiều bàn cãi, cánh đồng màu mỡ nói trên đã được trả lại cho cây lúa, DA sân golf đã được “bứng” khỏi Mỹ Phú. Người nông dân sau 4 - 5 năm điêu đứng vì DA sân golf, giờ mới được an tâm trồng lúa, cất nhà, sửa đường trên mảnh đất của mình.

2 sân golf vẫn là nhiều

Ông Nguyễn Minh Hạ - Giám đốc Sở KHĐT Long An - cho biết, trong số 90 sân golf cả nước được Chính phủ phê duyệt, tỉnh Long An còn được 2 DA, đó là: DA tại xã Tân Mỹ rộng 194ha và DA tại xã Phước Lại rộng 197ha. Từ con số 18 DA, rút còn 7 DA, rồi còn 3 DA, nay chỉ còn 2 DA, ắt hẳn những DA “thi đậu” này sẽ được tập trung triển khai thật nhanh sau 5 - 6 năm chờ đợi. Thế nhưng, những ngày này khi về khu vực các DA sân golf, chúng tôi tiếp tục chứng kiến cảnh người dân sống tạm bợ, chờ đợi DA triển khai, phải di dời đến nơi ở mới. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy trong tương lai gần ở Long An sẽ có sân golf. Theo Sở KHĐT Long An, có thể đến cuối năm 2016, DA sân golf đầu tiên ở Long An sẽ đi vào hoạt động. Nếu đúng như thế, phải sau 12 năm kể từ ngày Long An tiếp nhận DA sân golf, nơi đây mới chính thức có sân golf. Điều đó cho thấy, nhu cầu sân golf ở đây là không cấp bách, nếu như không nói là chưa có nhu cầu.

Chưa có nhu cầu, nhưng người ta vẫn tranh nhau xin đầu tư sân golf, vấn đề có vẻ khó hiểu. Trong các DA sân golf ở Long An, không

có DA nào là “sân golf thuần túy” mà luôn kèm theo những công trình “phụ” khác, nhưng chiếm chi phí đầu tư “chính”. DA Golden Palm Resort Community (xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc) có tổng diện tích 197ha, nhưng chỉ có hơn 70ha là dành cho sân golf. Số vốn đầu tư cho sân golf chỉ có 12 triệu USD trên tổng số 284,6 triệu USD của DA. DA sân golf và đô thị ở xã Tân Mỹ cũng chỉ dành khoảng 25% vốn đầu tư cho sân. Chỉ có với DA sân golf, nhà đầu tư mới có thể dễ dàng xin hàng trăm hécta đất.


Thái Nguyên: Nhập nhằng dự án sân golf Long Sơn

Thái Nguyên vừa đề nghị Bộ KHĐT bổ sung 4 sân golf vào quy hoạch sân golf cả nước đến năm 2020. Trong số này, cái tên sân golf Long Sơn đang trở thành nỗi nhức nhối của người dân xã Lương Sơn, TP.Thái Nguyên. Dự án Khu du lịch sinh thái sân golf Long Sơn do Cty CP golf Long Sơn làm chủ đầu tư với diện tích 560ha, tổng vốn trên 8.900 tỉ đồng từng được giới thiệu “hoành tráng” tại xã Lương Sơn. Nhưng đã qua thời gian dự kiến khởi công gần 2 năm, dự án này vẫn “treo”. Ông Lê Cảnh Vinh - Chủ tịch UBND xã Lương Sơn cho hay: “Nếu thực hiện đúng như quy mô 560ha, dự án sẽ ảnh hưởng đến khoảng 1.000 hộ dân thuộc 10 xóm – gần phân nửa xã”. Với tình trạng “treo” này, người dân hiện không được cơi nới, xây dựng, chuyển đổi hay chuyển nhượng nhà đất. Còn với xã, việc quy hoạch xây dựng nông thôn mới cũng “bó tay”. Dự án này đã được Sở KHĐT tỉnh đề nghị thu hồi giấy phép đầu tư do chậm triển khai. Đến nay, UBND xã Lương Sơn vẫn chưa nhận được quyết định chính thức nào.




  • Quy hoạch sân golf: Hiểm hoạ đằng sau những con số

    Quy hoạch sân golf: Hiểm hoạ đằng sau những con số

    Khác với dự tính quy hoạch cả nước sẽ có 90 sân golf đến năm 2020 theo Quyết định số 1946 của Chính phủ, mới đây Bộ KHĐT đề xuất nới số lượng dự án lên đến 115. Tức là cứ 1 tỉnh - kể cả tỉnh miền núi khó khăn thì bình quân sẽ có 2 sân golf.

Theo Kỳ Quan (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.