Cưỡng chế tháo dỡ nhà xây không phép tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh TPHCM. Ảnh: TRÀNG DƯƠNG
Một số nơi chưa vận dụng đúng
Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín đặt vấn đề: “Với dư luận về việc XDKP thời gian qua là do người dân bức xúc về nhà ở, nhưng vướng quy hoạch và khó khăn trong CPXD nên người dân phải xé rào để xây dựng, giải quyết nhu cầu chỗ ở. Đó có phải là nguyên nhân chính dẫn đến XDKP hay không?”. Trả lời câu hỏi này, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Quách Hồng Tuyến cho biết, hiện nay CPXD không có gì vướng. Ngoài một số quy định tại NĐ 64/CP của Chính phủ và Thông tư 10/2012 về CPXD mới chưa phù hợp với tình hình cụ thể của TPHCM như yêu cầu CPXD phải có bản vẽ kết cấu công trình. Hiện sở đã báo cáo và kiến nghị Bộ Xây dựng để giải quyết những vướng mắc này. Còn lại, công tác CPXD hiện nay được thực hiện theo QĐ 21/2013 của UBND TP đã tháo gỡ nhiều vướng mắc cho người dân.
Về phía quận-huyện, ông Phạm Hoàng Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp cho biết, tình trạng XDKP trên địa bàn quận Gò Vấp chủ yếu tại khu vực Ấp Doi, nguyên nhân là do chậm thực hiện quy hoạch nên ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Khu vực Ấp Doi 43ha trước đây được quy hoạch là khu vực sinh thái nhưng kéo dài nhiều năm không thực hiện được vì không kêu gọi được nhà đầu tư. Sau đó, khu vực này được chuyển sang đất hỗn hợp nhưng cũng mới giải quyết được một phần, khoảng 50% các hộ dân đủ điều kiện để xem xét cấp giấy chứng nhận và được CPXD. Số còn lại do thời điểm tạo lập không phù hợp nên cũng không được cấp giấy chứng nhận. Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín nhắc: “TP đã có chủ trương cấp GCN cho các trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư và ở ổn định lâu dài, tại sao quận không vận dụng để giải quyết? Người dân đã xây nhà và ở ổn định nhưng chỉ vì quy hoạch phải là đất ở nên không cấp GCN. Nếu sau khi có quy hoạch 1/2.000 mà khu vực này trúng vào khu vực là công viên cây xanh thì không lẽ mãi mãi người dân không được cấp GCN?”.
Xây dựng công trình khác trong khu quy hoạch treo
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Chủ tịch UBND quận 2, nêu vướng mắc: trên địa bàn quận có nhiều trường hợp cha mẹ có khu đất lớn khoảng 1.000m2, trên đất có nhà khoảng 200m2 và muốn xây dựng nhà cho con trên phần đất còn nhưng không được giải quyết CPXD vì theo quy định, đất nông nghiệp trống xen cài trong khu dân cư thì không được CPXD. Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín nói ngay: “QĐ 19 của TP về tách thửa đã có hướng giải quyết việc cha mẹ tách thửa cho con ra xây dựng nhà ở riêng tại sao quận không áp dụng giải quyết ngay cho dân mà lên đây than vướng?”.
Ông Đoàn Nhật, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết, tình trạng XDKP tràn lan thời gian qua trên địa bàn huyện có nguyên nhân sâu xa là do Bình Chánh có số lượng người nhập cư, người dân bị giải tỏa của các dự án nội thành tập trung đến nhiều, nên họ có nhu cầu về nhà ở rất lớn. Chính vì thế, theo ông Nhật, giải quyết tình trạng nhà XDKP là cần thiết nhưng cũng phải giải bài toán nhà ở cho người dân lao động.
Cũng từ thực trạng XDKP trên đất nông nghiệp, đồng thời nhằm giải quyết nhu cầu chính đáng về xây dựng nhà ở của người dân và sử dụng đất có hiệu quả, Sở Xây dựng kiến nghị UBND chỉ đạo, giao cho UBND các quận-huyện (hiện trạng vẫn còn đất nông nghiệp) lập kế hoạch sử dụng đất cụ thể trong thời gian chưa triển khai thực hiện quy hoạch để công bố công khai cho người dân biết, làm cơ sở cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất và cấp phép xây dựng theo quy định. Cụ thể, trường hợp chức năng quy hoạch vẫn xác định là đất nông nghiệp thì không được phép xây dựng nhà ở. Nếu mục đích sử dụng đất là “đất nông nghiệp khác” thì chỉ được phép xây dựng các loại hình công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp theo quy định như nhà kho chứa thóc. Trường hợp khu vực có chức năng quy hoạch là khu đô thị mới hoặc xây dựng các công trình kinh doanh, dịch vụ khác nhưng chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền thì cho phép người dân được cấp GCN quyền sử dụng đất hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở để lập thủ tục đề nghị CPXD theo quy định. Trường hợp khu vực có chức năng quy hoạch để xây dựng các công trình phúc lợi, công cộng như công viên, bệnh viện, trường học… nhưng chưa có quyết định thu hồi đất để đầu tư xây dựng theo quy hoạch thì cho phép người dân đầu tư, khai thác sử dụng để kinh doanh một số loại hình phục vụ sinh hoạt cộng đồng như sân tennis, sân cầu lông, sân bóng đá… và phải cam kết không được bồi thường vật kiến trúc trên đất khi thực hiện quy hoạch.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín cho rằng thời gian qua, TP đã có nhiều chủ trương, chính sách để giải quyết vướng mắc trên để các quận-huyện áp dụng giải quyết bức xúc về nhu cầu chỗ ở cho người dân tại chỗ nhưng một số quận-huyện không áp dụng. “Quy hoạch là lâu dài với định hướng tốt đẹp và phải giữ nhưng trước tiên phải đảm bảo quyền lợi cho dân. Có như vậy mới xóa được khái niệm quy hoạch “treo”!” - Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín nhấn mạnh.