09/09/2022 11:20 AM
Thừa Thiên Huế hiện đang triển khai nhiều đồ án quy hoạch mới, có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư vào tỉnh trong giai đoạn tới.

Sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Nghị quyết số 38/NQ-HĐND về nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, với định hướng toàn tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Thừa Thiên Huế được xác định là trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Đây cũng là cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với thế mạnh động lực của kinh tế biển, đầm phá, phát triển du lịch.

Theo đó, đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hoá, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của Châu Á.

Từ nay đến năm 2030, dự báo nhu cầu về đất xây dựng sẽ khoảng 47.000ha, và đến năm 2045 sẽ cần khoảng 50.000ha đất xây dựng. Việc nghiên cứu quy hoạch chung chung đô thị Thừa Thiên Huế sẽ bao gồm nhiều vấn đề trọng tâm.

Đơn cử như việc bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường và gắn với phát triển du lịch tại các khu vực lớn như, sông Hương gắn với trục cảnh quan trung tâm thành phố Huế; vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, Lập An; các khu vực ven biển từ Phong Điền đến Phú Lộc; vườn quốc gia Bạch Mã; khu vực đèo Hải Vân.

Cơ hội mới cho Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô

Ngày 3/6/2022, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Nghị quyết số 49/NQ-HĐND về việc thông qua nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Việc điều chỉnh quy hoạch lần này được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội phát triển mới cho Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô trong thời gian tới.

Tính đến cuối tháng 3/2022, trên địa bàn Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô có 49 dự án đầu tư được cấp phép còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 79.566 tỉ đồng, diện tích đất đăng ký sử dụng khoảng hơn 1.900 ha.

Trong đó có 22 dự án đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 47.180 tỉ đồng; 23 dự án đang triển khai xây dựng với tổng số vốn đăng ký 24.120 tỉ đồng; có 2 dự án chậm tiến độ; 2 dự án dừng hoạt động.

Như vậy, với tổng số vốn đăng ký khoảng gần 4 tỉ USD, Khu kinh tế là trọng điểm khu hút đầu tư phát triển của tỉnh, đồng thời được xác định là động lực quan trọng để góp phần đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương ở giai đoạn đến năm 2025.

UBND tỉnh Thừa Huế cũng đã dẫn chứng hàng loạt cơ hội phát triển mới, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, tầm nhìn đến năm 2045.

Quy hoạch chung Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đã triển khai thực hiện hơn 13 năm, đến nay cần rà soát lại tổng thể các vấn đề liên quan đến định hướng phát triển, phân khu chức năng, khả năng tác động của các dự án đầu tư đã có với các khu vực chưa triển khai xây dựng để có cơ sở xem xét toàn diện các nội dung ở thời kỳ quy hoạch tiếp theo phù hợp với bối cảnh mới.

Hiện đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô chỉ dự báo đến năm 2025, đã gần hết thời hạn quy hoạch, như vậy các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, đất đai không còn đảm bảo tính định hướng cho đầu tư và tính quản lý kiểm soát của quy hoạch.

Ngoài ra, các dự báo với mốc thời gian đến năm 2025 cũng không còn phù hợp, đồng bộ với số liệu dự báo quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng khác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đang triển khai.

Khu đô thị mới An Vân Dương, tỉnh Thừa Thiên Huế

Những dự án quy mô lớn

Bên cạnh việc tập trung hỗ trợ, giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đã được cấp chủ trương đầu tư, Thừa Thiên Huế cũng đang đẩy nhanh tiến độ quyết định chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư các dự án khác.

Tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ, giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đã được cấp chủ trương đầu tư: Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Gilimex; Sân golf Thiên An, BRG; Khu du lịch nghỉ dưỡng Lộc Bình; Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn, Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motor Huế,...

Đặc biệt hỗ trợ các dự án đẩy nhanh tiến độ hoàn thành chính thức đi vào hoạt động: Dự án sản xuất găng tay Kanglongda - giai đoạn I; Khu nghỉ dưỡng Minh Viễn Lăng Cô; Laguna Lăng Cô; Trung tâm thương mại Aeon Mall; Khu công viên phần mềm, công nghệ thông tin tập trung SMC, các dự án trong khu đô thị An Vân Dương,....

Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ quyết định chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư một số dự án: Khu nhà ở và thương mại, dịch vụ cao cấp tại nút giao vòng xuyến Võ Nguyên Giáp - Tố Hữu; Trung tâm thương mại dịch vụ Khu A - Khu đô thị mới An Vân Dương; Thành phố Giáo dục Quốc tế Huế tại Khu E - Khu đô thị mới An Vân Dương; Tổ hợp nhà ở, kinh doanh kết hợp trung tâm thương mại, du lịch dịch vụ và vui chơi giải trí tỉnh Thừa Thiên Huế (Chợ du lịch); Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và đô thị biển Vinh Xuân; Bệnh viện Quốc tế Huế,…

Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 1586/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án thu hút đầu tư địa bàn Khu kinh tế, Khu công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo quyết định vừa được phê duyệt, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ thu hút đầu tư nhiều dự án lớn tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô như, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp kỹ thuật cao (vị trí 1) quy mô 2.000 tỉ đồng; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp kỹ thuật cao (vị trí 2) quy mô 1.550 tỉ đồng.

Cùng với đó là dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp kỹ thuật cao (vị trí 3) quy mô 1.525 tỉ đồng; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp kỹ thuật cao (vị trí 4) quy mô 1.450 tỉ đồng; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp số 2 Chân Mây quy mô 800 tỉ đồng; dự án đầu tư bến số 4, 5 quy mô 1.600 tỉ đồng

Bên cạnh đó còn có dự án khu đô thị Chân Mây (vị trí trung tâm) quy mô 35.000 tỉ đồng; dự án khu đô thị Chân Mây (vị trí ven sông Bù Lu) quy mô 14.700 tỉ đồng; dự án khu đô thị Chân Mây (vị trí 2) quy mô 1.290 tỉ đồng; dự án khu đô thị Chân Mây (vị trí 4) quy mô 2.130 tỉ đồng.

Ngoài ra còn có dự án khu du lịch biển Lăng Cô – đầm Lập An quy mô 4.000 tỉ đồng; khu du lịch sinh thái Bãi Cả quy mô 2.500 tỉ đồng;…

Điều chỉnh quy hoạch nhiều dự án lớn

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa thống nhất chủ trương sẽ điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực Cồn Hến, Thành phố Huế.

Nguyên nhân điều chỉnh quy hoạch là do quá trình xây dựng phương án quy hoạch khai thác dịch vụ du lịch với khối lượng giải phóng mặt bằng lớn là không khả thi cho việc tổ chức thực hiện. Mặt khác khu vực này với việc tồn tại dân cư hiện hữu với đời sống văn hoá, gắn liền hoạt động nghề nghiệp đặc trưng cần thiết giữ lại, khai thác bổ sung thêm yếu tố độc đáo cho khu vực Cồn Hến.

HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng vừa thông qua nhiệm vụ lập quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Ngũ Hồ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, với quy mô diện tích 495 ha. Đây là khu du lịch sinh thái, sân golf kết hợp du lịch nghỉ dưỡng.

Tại Nghị quyết số 129/NQ-HĐND, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông qua nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng khu vực Lộc Bình (núi Quện), huyện Phú Lộc. Theo đó, khu vực lập quy hoạch có diện tích khoảng 199,5 ha, với tính chất là khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái ven đầm phá cao cấp.

Tại Nghị quyết số 06/NQ-HĐND, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông qua điều chỉnh nhiệm vụ lập quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, đô thị biển và sân golf quốc tế xã Vinh Xuân, Huyện Phú Vang.

Khu vực lập quy hoạch có diện tích 173,29 ha, với tính chất là khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp sân golf và các dịch vụ phụ trợ. Đây còn là khu vực đô thị phát triển mới gắn liền với đặc thù cảnh quan ven biển,…

Lê Phước Bình
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.