Thảo luận về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất năm năm 2011-2015, các đại biểu QH nhận xét: Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều vấn đề yếu kém, bức xúc chưa được đề cập một cách đầy đủ.
Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH: Thời gian qua, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã giữ vai trò quan trọng trong việc tăng cường hiệu lực và hiệu quả của quản lý nhà nước về đất đai. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã khoanh định quỹ đất sản xuất nông nghiệp, bảo vệ quỹ đất trồng lúa, bảo đảm mục tiêu cung cấp đủ lương thực trong nước, có dự trữ chiến lược và xuất khẩu. Công tác bảo vệ và phát triển rừng đã có những chuyển biến tích cực, ngăn chặn được tình trạng suy thoái rừng nghiêm trọng; tạo nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thông qua đấu giá, thu tiền khi giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất...


Bên cạnh những kết quả đạt được, các ý kiến phát biểu cho rằng, còn nhiều vấn đề yếu kém, như: sử dụng đất sai mục đích, kém hiệu quả, những bất cập về thể chế, chính sách, phân cấp trong quản lý quy hoạch, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo...


Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn bất cập và lãng phí

Ảnh minh họa.


Một số đại biểu cho rằng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời gian qua chưa sát thực tế và lãng phí. Theo đại biểu Nguyễn Ðình Quyền (Hà Nội), quy hoạch sử dụng đất vừa qua chưa thể nói là thành công, vì chỉ đáp ứng lợi ích nhóm. Ðại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) đề nghị xem xét lại quy hoạch đất ở Hà Nội cũng như ở các địa phương khác, vì quy hoạch bất hợp lý, tạo cơ hội cho tham nhũng và gây ra khiếu kiện. Ðại biểu Trần Du Lịch (Tp. Hồ Chí Minh) nhận xét, thời gian vừa qua, nhiều nơi đã biến đất nông nghiệp thành đất dự án rồi bỏ hoang, làm chỗ chăn bò, rất lãng phí.


Về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 2011-2015, theo đó, đất khu công nghiệp dự kiến tăng từ 72.000ha hiện nay lên 200.000ha đến năm 2020. Nhiều ý kiến đề nghị, để tránh lãng phí không nên tăng đất công nghiệp nữa vì hiện nay mới chỉ lấp đầy được 45,63% đất khu công nghiệp. Ðại biểu Trần Du Lịch đề nghị, khi biến đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp phải có phương án giải quyết được đời sống của người bị thu hồi đất thì mới phê duyệt dự án. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, quy hoạch cần đi trước, do đó, tán thành đề nghị của Chính phủ phải có quy hoạch đất công nghiệp đến năm 2020.

Theo Trung Nguyễn (Công Lý)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.