Đà Nẵng (ĐN) là trung tâm kinh tế và là một trong những trung tâm văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ lớn của khu vực miền Trung và Tây Nguyên, là TP lớn thứ 4 của VN.

Nằm dọc theo vùng duyên hải Nam Trung bộ, ĐN hiện là một trong ba đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương. Kể từ khi trở thành đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương (1997), diện mạo của ĐN đã “thay da thắm thịt”.

Với định hướng phát triển thành một TP công nghiệp văn minh, hiện đại, công tác quy hoạch đô thị, đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng đã được thực hiện một cách tương đối đồng bộ. Nếu như cách đây 10 năm khi diện tích đô thị ĐN mới chỉ là 5.600 ha thì bây giờ đã đạt gần con số 9.000 ha với hàng loạt các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu CN tập trung, công nghiệp địa phương...

Việc phát triển các khu vực đô thị đồng hành với việc chỉnh trang nâng cấp các khu vực đô thị cũ. Hầu hết các tuyến đường nội thị cũ được quy hoạch, quản lý và nâng cấp. Hệ thống GT đầu mối như sân bay, bến cảng, ga đường sắt và các QL được đầu tư mạnh mẽ. Nhiều tuyến đường, cầu trọng yếu đã được xây dựng. Các công trình trọng điểm liên tục được đầu tư.

Có thể nói, công tác quy hoạch và quản lý xây dựng đô thị tại ĐN hoạt động hiệu quả, được nhiều địa phương khác xem là mô hình tốt để học tập. Từ những thành tựu đạt được trong công tác quy hoạch xây dựng trong những năm qua, ĐN đã có một tầm vóc mới về không gian đô thị, chất lượng đô thị và đang trở thành một môi trường đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, theo nhận định của T.S, KTS Hoàng Vĩnh Hưng- Phó chủ nhiệm khoa Quản lý đô thị, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội trong việc đề xuất các ý tưởng để xây dựng ĐN ngang tầm với các TP phát triển châu Á thì quy hoạch xây dựng TPĐN còn dàn trải, chưa tập trung, tỷ lệ chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất đô thị hàng năm tương đối cao, thiếu các khu nhà ở có quy mô lớn được quy hoạch và xây dựng bài bản.


Cách thức quy hoạch dàn trải về diện tích, về lâu dài gây lãng phí tài nguyên đất đai và yêu cầu phải chuẩn bị nhiều vốn để mở rộng và hoàn thiện hạ tầng. Hạ tầng phục vụ du lịch cao cấp còn thiếu. Tuy là thương cảng lớn thứ 3 của VN, có độ sâu trung bình từ 15-20m, có khả năng tiếp nhận các tàu lớn có trọng tải đến 28.000 tấn và có chiều dài trên 220m, cảng ĐN vẫn chưa phải là cảng được thiết kế đặc biệt để đáp ứng đủ các yêu cầu cho tàu du lịch cỡ lớn (cruise ship) cập cảng thuận lợi. Bên cạnh đó, ĐN còn thiếu khu mua bán cao cấp cho các khách du lịch hạng sang đến từ các tàu cruise ship.

Với vị trí địa lý thuận lợi, đặc điểm địa hình phong phú, đặc điểm địa chất tốt đẹp để phát triển thành một đô thị vừa biển vừa núi đồi trong tương lai, T.S, KTS Hoàng Vĩnh Hưng đã đề xuất TP mạnh dạn tìm cách tiếp cận mới cho công tác lập quy hoạch đô thị để tạo sự đột phá trong phát triển đô thị, đưa ĐN trở thành TP có tầm vóc khu vực ASEAN.

Muốn vậy, TP có thể định hướng phát triển đô thị theo các phương thức như phát triển tập trung hơn (tránh dàn trải, tốn kém đất đai) để dành đất cho các kế hoạch lâu dài: tái phát triển các khu trung tâm theo hướng tăng mật độ xây dựng một cách hợp lý và theo hướng sinh thái.

Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đô thị thông qua các dự án xây dựng các không gian mở (công viên cây xanh, khu giải trí tổng hợp) trong lõi của TP và hai bên sông Hàn, quy hoạch xây dựng các khu nhà ở chung cư cao tầng hiện đại và tiện nghi. Bên cạnh đó, quy hoạch và nâng cấp mạng lưới GT công cộng thuận tiện hơn để làm giảm sự gia tăng của các phương tiện GT cá nhân, tránh lặp lại bài học về sự bùng nổ các phương tiện GT cá nhân ngoài tầm kiểm soát.
Cafeland - Theo GTVT
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland