Những mảnh đất màu mỡ, thuận tiện giao thông, thủy lợi bị nhà thầu ngắm; những vùng đất khó khăn, xen kẹt thì bỏ lại để nông dân canh tác.

Thực trạng này đã và đang diễn ra tại hầu hết các địa phương, gây bỏ hoang, lãng phí và sự bức xúc trong nhân dân.

Khu vực đồng Ẩm Bia, xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã biến thành ao bởi thu hồi đất kiểu xôi đỗ


Đất 2 vụ lúa để cỏ mọc hoang


Tốc độ đô thị hóa nhanh đồng nghĩa, diện tích đất nông nghiệp mất đi ngày một lớn. Song, trái ngang thay, những mảnh ruộng màu mỡ, thuận tiện giao thông thì bị thu hồi để làm công nghiệp, đô thị, còn lại những mảnh đất xen kẹt, khó canh tác thì để dành cho nông dân sản xuất. Và như vậy, việc bỏ hoang đất nông nghiệp là không thể tránh khỏi. Đến thời điểm hiện tại, huyện Gia Lâm có khoảng 70ha đất nông nghiệp bỏ hoang cho cỏ mọc, cùng hàng trăm hécta đất ruộng khác bị ảnh hưởng, năng suất kém.


Ông Dương Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết, toàn bộ diện tích đất bỏ hoang đều là đất 2 lúa, song nay thì bỏ hoang vì hệ thống thủy lợi bị phá vỡ, không tưới tiêu được. Nhiều xã, diện tích đất bỏ hoang lên tới cả chục hécta như Cổ Bi, Đặng Xá…. Dù chính quyền đã vận động bà con dồn điền đổi thửa, phát triển trang trại nhưng đến nay, chưa có trang trại nào ra đời. Lý do rất đơn giản, diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang bị xen kẹt trong các khu đô thị, các công trình phúc lợi nên người dân không yên tâm đầu tư.


Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bỏ hoang hóa đất nông nghiệp, ông Chu Anh Tuấn - Phó Trưởng phòng Tuyên truyền, UBND huyện Gia Lâm cho rằng, do quy hoạch dự án không đồng bộ nên mới tạo ra một diện tích lớn đất xen kẹt như vậy. “Thu hồi đất chỉ tính đến lợi ích của các chủ đầu tư mà không cân nhắc đến tác động gây ra. Nhà đầu tư cứ chọn đất trên bản đồ rồi áp vào thực tế mà không cần quan tâm hậu quả như, đất xen kẹt quá lớn, phá hỏng sản xuất khu vực xung quanh”, ông Tuấn nói.


Dọc khu vực cầu Thanh Trì, đường 3 mới hay khu đô thị 31ha… không khó để thấy, mênh mông diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang cho cỏ mọc. Những mảnh ruộng xưa kia là đất màu mỡ, cho 2 vụ lúa, nay thành ao tù.


Chị Nguyễn Thị Huyền, thôn Vàng, xã Cổ Bi bức xúc, nhà tôi có một mảnh ruộng 9 thước (khoảng 200m2) ở khu vực đồng Ẩm Bia (khu cầu Thanh Trì), nhưng từ năm 2005 đến nay không thể canh tác được do bị úng ngập. Nhìn thửa ruộng bỏ hoang nhiều năm, cũng xót ruột lắm nhưng cũng chỉ biết đứng nhìn chứ không thể làm gì hơn.


Không điều chỉnh diện tích hoang hóa sẽ tăng


Thu hồi đất nông nghiệp cho dự án, nhưng không đồng bộ tất yếu sẽ dẫn tới sản xuất nông nghiệp toàn vùng bị phá vỡ. Ông Nguyễn Huy Trích - Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Bi như trút được gánh nặng khi đề cập đến vấn đề này. “Từ khi thu hồi đất làm cầu Thanh Trì thì 50ha đất canh tác của thôn Vàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó 20ha phải bỏ hoang. Tới đây, khi cảng thông quan nội địa được xây dựng, 20ha đất nông nghiệp còn lại của thôn này cũng sẽ phải bỏ trắng nốt. Toàn bộ hệ thống thủy lợi bị phá vỡ, cốt nền các công trình đều cao hơn ruộng đến vài chục centimét, chưa mưa ruộng đã ngập”. Ngoài ra, trên địa bàn thôn Cam cũng có hơn 16ha đất ruộng đang bỏ hoang từ năm 2008 tới nay.


Ông Trích bức xúc: “Nhiều dự án thu hồi không tính toán, cứ thích chỗ nào lấy chỗ đấy. Tại sao hàng chục, thậm chí hàng trăm hécta đất canh tác đang phải bỏ hoang, kém hiệu quả thì dự án không lấy, mà cứ nhằm những chỗ ruộng tốt, để rồi, một công trình xây dựng lên kéo theo hàng hục hécta đất nông nghiệp phải bỏ hoang. Ảnh hưởng đến hàng nghìn người nông dân”. Ông Trích dẫn chứng, trên cánh đồng thôn Cam, nào là dự án đô thị 31ha, nào là bệnh viện, nhà văn hóa huyện, nhưng trớ trêu, các công trình này cứ “mọc” bao quanh, vây kín 10ha ruộng còn lại vào giữa, thành thử, người dân có muốn trồng trọt thì cũng không thể. Đất bỏ hoang mà nông dân thì thất nghiệp.


Thực trạng này đang diễn ra ở hầu hết các quận, huyện trên địa bàn TP. Bởi vậy, ông Dũng cho rằng, nên chăng chúng ta thực hiện quy hoạch theo vùng, tạo sự đồng bộ trong khu vực. Hơn nữa, ngành nông nghiệp cũng cần nhanh chóng xác định vùng trọng tâm sản xuất nông nghiệp ven đô giảm thiểu tác động tới sản xuất của nông dân. Nếu không, diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang sẽ còn gia tăng trong thời gian tới.

Theo Tuyết Nhung (ANTD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.