20/06/2017 10:52 AM
Quy hoạch ở các đô thị như TP.HCM và Hà Nội hiện vẫn còn bất cập, như quy hoạch thoát nước, chống ngập đô thị hiện chỉ nặng giải quyết sự vụ kiểu dùng “bơm khủng” hút nước ra sông, nâng đường theo kiểu “ngập đường thì nâng đường, ngập nhà thì nâng nhà lên”.
Việc giải quyết tình trạng mưa là ngập đang thiếu những giải pháp căn cơ
Cứ "chạy đua đèn cù" như vậy, không có điểm dừng.
Thiếu sự hợp tác liên ngành
Nguyên nhân trước hết, đó là sự thiếu sự hợp tác giữa các quy hoạch ngành liên quan khác. Quy hoạch đô thị không hợp đồng chặt chẽ với quy hoạch sử dụng tài nguyên đất, không bàn thảo với cơ quan quản lý và sử dụng đất đai, cơ quan quản lý môi trường đất để thống nhất đất ở đâu sử dụng vào xây nhà, đất ở đâu làm đường; xây nhà máy xây ở đâu thì không ô nhiễm môi trường đất, và xác định chợ búa, nhà dân ở trên đất nào thì hợp lý nhất, vị trí đất nào thì đắc địa nhất.
Chính vì vậy mà xưa nay người ta vẫn phải “xem đất” mỗi khi xây dựng nhà cửa. Ngay cả khi xây dựng đô thị cũng phải chọn đất “nhất cận thủy, nhì cận sơn”, xem thế đất, cảnh quan…
Người ta có quyền đặt câu hỏi: “Tại sao vùng đất cao ráo, nền chắc, cảnh quan đẹp ở phía bắc TP, xây dựng trên nền đất xám phát triển trên phù sa cổ rất vững chắc, mạch nước ngầm trong sạch, dồi dào, thoát nước tốt như Củ Chi, Hóc Môn, Gò Vấp lại không được quy hoạch thành đô thị mới, thậm chí trở thành trung tâm mới của TP.HCM. Vừa đảm bảo tính hiện đại, rộng rãi, lại quản lý môi trường ngay từ đầu, mà lại cứ tập trung xây dựng vào Q.7, Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ nơi đất không có nền, phèn, mặn, úng ngập. Hiện nay, nhiều nhà cao tầng bị sụp, bị lún, nghiêng là hậu quả của xem thường khảo sát địa chất địa tầng, đất đai khi quy hoạch. Vùng trũng ngập sâu và sẽ ngập sâu hơn khi khí hậu thay đổi, nước biển dâng.
Quy hoạch giao thông thì làm đường vô tội vạ, nghiêm trọng hơn tạo ra những con đường chặn dòng thoát nước mưa, nước triều. Quy hoạch khu đô thị thì đắp đất vùng trũng, lấp kênh rạch thoát nước, xóa hồ điều hòa tự nhiên. Lợi trước mắt cho thiểu số người nhưng hại cho toàn cư dân TP phải chịu ngập triền miên ngày càng thêm nặng. Quy hoạch đô thị hiện nay thường đi trước quy hoạch môi trường, đặt môi trường trước một việc đã rồi.
Quy hoạch khu công nghiệp vào đầu hướng gió chính, đầu nguồn các con sông là nguyên nhân tất yếu dẫn đến các con sông đã, đang và sẽ lần lượt chết. Quy họach khu dân cư cạnh khu công nghiệp hay bãi rác thì ô nhiễm và kiện tụng thường xuyên, dai dẳng là điều không tránh khỏi. Khu công nghiệp hiện nay mọc lên ồ ạt mà không quy hoạch nhà ở cho công nhân, bệnh xá, trường học, nhà giữ trẻ cho con em họ. Vì vậy, hệ lụy tất yếu xảy ra là cạnh khu công nghiệp, nhà trọ nhếch nhác, lộn xộn.
Khi quy hoạch, hầu như không tham khảo ý kiến người dân, mà ngay cả với các nhà chuyên môn, người ta ít tham khảo quan điểm của họ, đặc biệt là với các nhà khoa học quản lý môi trường hoặc có thì cũng chỉ qua loa, hình thức. Nhưng tới khi có sự cố, kiện tụng, hoặc bị phê phán gây ô nhiễm thì lại đổ tội cho “ông môi trường".
Quên không gian kiến trúc
Quy hoạch cho đô thị chỉ chú ý về kỹ thuật xây dựng mà quên không gian kiến trúc. Cho nên, nhà ở đô thị chủ yếu là nhà hình ống, giống như những cái ống xếp vào nhau, mặt ống ngoảnh ra mặt đường. Lại không có sự kết hợp giữa các "ông" xây dựng, điện, nước, giao thông, viễn thông, cho nên mới có chuyện đường vừa làm xong không bao lâu lại đào lên hay “dở khóc, dở cười” với dây điện lùng nhùng, lằng nhằng ngay trên đầu… Đó là sản phẩm của quy hoạch yếu kém hiện nay. Nếu có quy hoạch đúng đắn thì việc mở rộng đường sẽ không phải chặt đi hoặc di dời những hàng cây xanh bóng mát.
Quy hoạch xây dựng bổ sung, cấp phép xây dựng nhà cao tầng tập trung ở Q.1, Q.3 (TP.HCM) hay các quận trung tâm Hà Nội, nơi mà mật độ dân cư, xe cộ và nhà cửa quá dày đặc, sẽ kéo theo hệ lụy: kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường... là một sai lầm khó sửa. Hay như chuyện quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất thì lại cho cả sân golf, nhà hàng khách sạn vào, trong khi sân bay này đang quá tải và có những lúc bị ngập chưa từng thấy khi mưa lớn.
Quy hoạch là sự tổng hòa và kết tinh của một số ngành khoa học khác, các yếu tố khác. Vì vậy, nó được mệnh danh bởi cụm từ PEST, bao hàm 4 tiêu chí: chính trị - chính sách (P), môi trường (E), xã hội (S) và kỹ thuật (T). Các tiêu chí trong cụm từ đó đã không đạt được trong quy hoạch đô thị TP.HCM và Hà Nội. Trong đó, đáng chú ý là tiêu chí môi trường và xã hội. Còn tiêu chí chính trị, chính sách cũng chưa thật thỏa mãn theo đúng chính sách của Đảng và Nhà nước. Rõ ràng, người ta mới chỉ chú ý và áp dụng tiêu chí kỹ thuật xây dựng mà thôi. Nhưng đáng buồn, tiêu chí này cũng bị vận dụng lệch lạc và khiên cưỡng.
Quy hoạch là một môn khoa học. Đối xử với nó, làm gì mà không trên cơ sở khoa học thì hậu quả sẽ nhãn tiền. Với TP.HCM và Hà Nội, phải sớm có chỉnh đốn quy hoạch mới có thể có một đô thị “văn minh, sạch đẹp” đúng nghĩa.
*GS-TSKH Lê Huy Bá
Thanh Niên
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.