23/08/2013 9:02 AM
Hôm qua, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo chủ trì cùng nhiều sở ngành, đơn vị nghiên cứu góp ý kiến vào dự thảo lần thứ 9 Quy chế quản lý Quy hoạch Kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử, nơi được đánh giá là còn nhiều hạn chế trong quản lý xây dựng, kiến trúc thời gian qua...

Dự án cải tạo chung cư cũ B6 Giảng Võ “đắp chiếu” vì phải “đánh đu” về chiều cao. Ảnh: Minh Tuấn.

Điểm nhấn nội đô - tối đa 39 tầng

Dự thảo quy chế yêu cầu lập quy hoạch chi tiết 1/500, tuân thủ chiều cao tối đa theo quy định cho từng khu vực, tuyến đường, điểm nút giao thông. Nguyên tắc cải tạo chung cư cũ là không làm tăng dân số cơ học của khu vực; giảm tối đa mật độ xây dựng, dành diện tích cho cây xanh, thể thao và cộng đồng.

Với khu chung cư cũ Giảng Võ, chiều cao tối đa từ 18-21 tầng. Khu vực xung quanh hồ Thành Công xây dựng công trình cao tầng tối đa 18-21 tầng. Với các khu chung cư cũ như Hào Nam, Ngọc Khánh, Văn Chương, Nam Đồng, Vĩnh Hồ, Kim Liên, Phương Mai, Quỳnh Mai, Quỳnh Lôi, Trung Tự, Khương Thượng...chỉ xem xét xây dựng công trình cao tầng tại các vị trí khu đất nằm hai bên tuyến đường vành đai, tuyến phố chính, xuyên tâm và chiều sâu lô đất từ 50-100 tính từ chỉ giới đường đỏ, diện tích tối thiểu 1.500 m2.

Đối với cải tạo lại các chung cư cũ đơn lẻ, tầng cao công trình căn cứ vào quy mô dân số hiện hữu tái định cư tại chỗ và không cho phép bố trí diện tích sàn văn phòng làm việc, cho thuê khi xây dựng lại. Với các khu chung cư cũ khi cải tạo, khuyến khích giảm mật độ xây dựng so với hiện trạng, bảo tồn một số chung cư cũ tại một số vị trí thích hợp để lưu giữ hình ảnh kiến trúc đặc trưng của những thời kỳ phát triển.

Dự thảo Quy chế đã quy định rõ một số điểm nhấn đặc biệt được xây dựng cao tối đa tới 39 tầng gồm: tại nút giao khu đô thị Tây Hồ Tây và đường vành đai 2; khu vực bán đảo phía Đông Hồ Tây; khu vực ga Hà Nội; khu vực Triển lãm Giảng Võ. Tuy nhiên, khu vực xung quanh ga Hà Nội thì lại chỉ được xây cao tối đa là 9 tầng như khu vực giáp với Văn Miếu, Khâm Thiên, Lê Duẩn, Trần Quý Cáp...

Sau di dời trụ sở bộ ngành không được xây cao tầng

Khu vực không xây dựng cao tầng gồm: Khu vực Hồ Gươm và phụ cận rộng 63,72 ha; khu di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, khu phố cổ. Khu vực hạn chế xây dựng cao tầng gồm: Khu vực Trung tâm chính trị Ba Đình, khu phố cũ, khu vực xung quanh Hồ Tây, khu Văn Miếu và phụ cận...

Khu vực trụ sở các cơ quan Bộ ngành, trường đại học, cơ sở y tế, công nghiệp sau di dời phải được quản lý theo đồ án và quy định riêng. Quỹ đất sau khi di dời ưu tiên các chức năng phục vụ mục đích công cộng, thương mại. Chỉ xem xét xây dựng công trình cao tầng ( từ 9 tầng trở lên) tại các khu đất nằm hai bên tuyến đường có chiều sâu lô đất từ 50-100 m tính từ chỉ giới đường đỏ và diện tích tối thiểu là 1.500 m2. Khuyến khích tạo các không gian mở trước công trình cao tầng.

Quy chế cũng đã nêu rõ nhiều vị trí sau khi di dời trụ sở bộ ngành, cơ sở giáo dục, y tế, công nghiệp sẽ không được xây cao tầng. Cụ thể gồm: trụ sở Bộ Lao động 12 Ngô Quyền, Thanh tra Chính phủ tại 220 Đội Cấn, Bộ Y tế 138A Giảng Võ, Bệnh viện Da liễu 79B Nguyễn Khuyến, Cty TNHH MTV In Tiến bộ, Đại học Y tế cộng đồng 138B Giảng Võ, Bệnh viện Quân y 354 tại 120 Đốc Ngữ, Bệnh viện Nhi trung ương 18/879 La Thành, Bệnh viện phụ sản tại 929 La Thành. Ngoài ra, một số vị trí cơ sở y tế tại tuyến đường Thanh Nhàn cũng không được xây cao tầng.

Khu vực nội đô lịch sử gồm 4 quận nội thành cũ (Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình, phía bắc quận Hai Bà Trưng) và một phần phía nam quận Tây Hồ với tổng diện tích 3.881 ha...
Minh Tuấn (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.