Ông T. với đủ loại hồ sơ giấy tờ bày tỏ bức xúc về chuyện “không thể làm sổ đỏ cho các căn hộ chung cư tư nhân”.
Đương nhiên, đó không thể là thái độ của người sở hữu loại căn hộ này bởi, dù nhỏ, đó cũng là “khúc ruột” của họ. Nghị định 71 của Chính phủ và Thông tư 16 của Bộ Xây dựng đã quy định rõ yêu cầu, thủ tục để cấp Giấy chứng nhận cho căn hộ dạng này, nhưng sau gần 1 năm có hiệu lực, hiện chưa có một quận, huyện nào của Hà Nội thực hiện.



Các văn phòng đăng ký đất và nhà vẫn "lắc đầu" trước chung cư tư nhân. (Ảnh: H.T)
Đủ giấy tờ vẫn... lắc đầu!

Vào một buổi sáng giữa tháng 5, toà soạn Báo GĐ&XH đã tiếp một vị khách đặc biệt. Đó là một chủ đầu tư chung cư tư nhân, một trong những người đầu tiên xây dựng loại nhà này và đã phân phối ra ngoài thị trường từ năm 2006. Ông T. tìm đến tận Báo GĐ&XH, với đủ loại hồ sơ giấy tờ, để bày tỏ bức xúc của mình về chuyện “không thể làm sổ đỏ cho các căn hộ chung cư tư nhân” của ông. Lý giải cho hành động của mình, ông T. nói: “Tôi đến vì quá bức xúc. Đến bất cứ văn phòng đăng ký nhà, đất nào người ta cũng lắc đầu. Nghị định, Thông tư hướng dẫn rõ ràng rồi mà người ta vẫn nói là chưa có hướng dẫn thực hiện, chưa tiếp nhận hồ sơ làm thì không hiểu họ đợi cái gì nữa?”. Trong khi, không thể xin được “sổ đỏ” cho các căn hộ chung cư của mình, bản thân ông T. lại phải chịu áp lực từ những người mua nhà. “Họ (người mua nhà - PV) gọi điện đòi suốt”, ông T. than thở!

Thực tế, những người tìm đến loại hình nhà chung cư tư nhân, nếu chẳng để “lướt sóng” thì đa phần không phải khá giả gì. Họ phải chạy vạy khắp nơi, thậm chí cả “vay nóng” để mua nhà, nên không ít người muốn có ngay “sổ đỏ” sau khi mua, để thế chấp ngân hàng vay ít tiền trả các khoản vay nóng, lãi cao. Sự sốt ruột này của người mua lại dồn lên vai những chủ đầu tư như ông T.

Ông T. đã cẩn thận sao chép toàn bộ hồ sơ những dự án căn hộ chung cư tư nhân ông đã xây dựng để minh chứng cho những điều mình nói. Chẳng hạn, như một toà chung cư tư nhân ở huyện Từ Liêm mà ông T. đang muốn xin cấp giấy chứng nhận sở hữu, bộ hồ sơ có đủ: Giấy phép xây dựng, Hồ sơ thiết kế, Giấy chứng nhận chất lượng công trình (do một đơn vị độc lập kiểm định), Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bộ hồ sơ này thoả mãn đầy đủ yêu cầu theo Thông tư 16/2010 của Bộ Xây dựng, về điều kiện để cấp giấy chứng nhận cho căn hộ chung cư tư nhân. Thế nhưng, vẫn là những cái lắc đầu... vô trách nhiệm!
Cơ hội cho việc “lách” luật

PV Báo GĐ&XH đã thực chứng tại Văn phòng đăng ký đất và nhà huyện Từ Liêm, quận Cầu Giấy và quận Tây Hồ. Đây là 3 trong số những quận, huyện có nhiều chung cư tư nhân nhất trên địa bàn Hà Nội. Kết quả đúng như phản ánh của các chủ đầu tư. Tất cả đều nhận được cái lắc đầu ngay từ bộ phận tiếp nhận hồ sơ với lý do “Chưa có hướng dẫn thực hiện”.

Việc các văn phòng “lắc đầu” ngay khi nghe đến “chung cư tư nhân” hay “chung cư mini” cũng có một lý do khách quan. Hiện chưa có một văn bản pháp luật nào của Chính phủ chính thức đưa các khái niệm này vào, mà chỉ được “ngầm hiểu” là Khoản 3, Điều 73, Nghị định 71/2010 của Chính phủ: “Trường hợp hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà ở tại đô thị từ hai tầng trở lên mà tại mỗi tầng có từ hai căn hộ trở lên và mỗi căn hộ được thiết kế, xây dựng theo kiểu khép kín (có phòng ở riêng, khu bếp riêng, nhà vệ sinh, nhà tắm riêng)...”

Trong một lần trả lời Báo GĐ&XH, GS Đặng Hùng Võ đã cho rằng, việc cấp giấy tờ cho loại căn hộ chung cư tư nhân thực ra không phải mới và không có gì khó. Chúng ta đã từng cấp giấy cho những căn hộ đa sở hữu như thế. Đó là trường hợp các biệt thự cũ. Thực tế, áp dụng đúng theo cách thức GS Võ nói, PV Báo GĐXH cũng đã có trong tay một Giấy chứng nhận “mua bán quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở 1 phần” do Văn phòng đăng ký đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cấp năm 2009 cho một căn hộ chung cư tư nhân ở quận Cầu Giấy. Điều này chứng tỏ, việc các địa phương không tiếp nhận xử lý loại hình căn hộ này không hoàn toàn do lý do thiếu cơ sở pháp lý hay hướng dẫn thực hiện. Mặt khác, trong khi không chính thức xin được giấy chứng nhận sở hữu căn hộ cho từng căn riêng biệt, thì hiện nay một số chủ đầu tư đã tính đến việc “lách” luật bằng cách xin giấy chứng nhận sở hữu cho toàn bộ toà nhà, trong đó, tất cả những người đã mua căn hộ đều đứng tên chung. Tuy nhiên, cách thức này người dân sẽ gặp rắc rối trong tương lai, khi một người nào đó muốn bán căn hộ của mình thì sẽ phải có sự chứng thực của tất cả những người sở hữu còn lại. Và, nếu có một vài người có tên trong đó mất hoặc chuyển đi xa, hàng loạt rắc rối lớn sẽ phát sinh cho họ. Chưa kể, Nhà nước cũng sẽ lại chịu thiệt hại vì những khoản thuế nhà, đất do mua bán trao tay không thể quản lý được.

Thiệt đơn, hại kép là thế, sao các cơ quan chức năng không hay?
“Đối với trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho từng căn hộ trong nhà ở riêng lẻ thuộc diện quy định tại khoản 3 Điều 43 của Nghị định số 71/2010/NĐ-CP (chung cư tư nhân - PV) thì phải có bản sao Giấy phép xây dựng nhà ở đó (đối với trường hợp xây dựng nhà ở phải có Giấy phép xây dựng) kèm theo các bản vẽ: Bản vẽ mặt bằng của từng tầng và bản vẽ mặt bằng của từng căn hộ do chủ nhà tự đo vẽ hoặc thuê tổ chức có chức năng về đo vẽ thực hiện đo vẽ. Trong trường hợp do chủ nhà tự đo vẽ thì cơ quan cấp giấy chứng nhận phải tổ chức kiểm tra về diện tích tối thiểu từng căn hộ, phần diện tích sử dụng chung, diện tích sử dụng riêng theo quy định tại khoản 3 Điều 43 của Nghị định số 71/2010/NĐ-CP”.

(Mục b, khoản 2, Điều 9 Thông tư 16/2010 của Bộ Xây dựng)
Theo Gia đình
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0