Ông đánh giá thế nào về đề xuất bỏ khung giá đất của Bộ Tài chính?
Vấn đề này nằm trong nội dung sửa Luật Đất đai sắp tới, sửa luật lần này liên quan đến giải phóng và đền bù đất. Điều rất quan trọng là có hai loại đất, một loại là Nhà nước thu hồi để phục vụ cho an ninh quốc phòng và lợi ích công cộng. Ở trường hợp này, người dân dễ thông cảm và dễ thu hồi. Còn trường hợp thu hồi vì mục đích kinh tế thì phải đền bù theo giá thoả thuận, theo giá thị trường, nghĩa là đền bù đúng giá thì người dân sẽ thoả mãn và vui vẻ đến nơi tái định cư.
Ông Trần Ngọc Hùng.
Tuy nhiên, vì sao hiện tại có đến 70 - 80% khiếu nại của người dân đều có nguồn gốc từ đất đai, giải phóng mặt bằng? Đây chính là sự phi lý của việc đưa khung giá không thực tế và là cái gốc của vấn đề. Khung giá thực tế cực kỳ khó, vì cứ ban hành xong nó lại lạc hậu. Tất cả các khung giá từ trước đến nay đều thấp hơn so với giá thị trường, có những nơi, những lúc thấp hơn mấy chục phần trăm thậm chí đến 500% so với giá trị thực của nó. Thực tế thì khung giá đó nó chả có ý nghĩa gì cả. Vấn đề là không phải bỏ hoàn toàn mà phải có giá đền bù theo thực tế giá thị trường. Khi định giá đất, phải do một bộ phận khách quan đánh giá và phải theo giá thị trường thông qua đấu giá đất cũng như các tiêu chí cụ thể của nó.
Vậy theo ông, việc bỏ khung giá đất là điều cần thiết trong cơ chế thị trường?
Hàng ngày, trên các phương tiện báo chí người ta đã rao bán đất đai nhan nhản, và giá đất được rao bán ở đó gần sát với giá thị trường chả ai quan tâm. Trong khi đó ở các uỷ ban, ông nọ ông kia bàn luận rồi đưa ra một mức giá luôn luôn đi sau và thấp hơn giá thị trường, vì thế sinh ra khiếu kiện. Bỏ khung giá đất không có nghĩa là bỏ đơn giá khung giá trần mà nên hiểu là không áp dụng một cái giá không sát thực tế. Tất cả những cái khung giá từ trước đến nay đưa ra đều không sát thực tế. Chính điều đó đã nảy sinh tiêu cực, khi đền bù sẽ gây ức chế cho người dân.
Thay vì định khung giá thì hãy dùng từ mới là phương pháp đánh giá giá trị của đất, khi đánh giá thì phải tuân theo quy luật thị trường, luật cung cầu. Đây là tài sản và tài sản thì phải do xã hội quyết định giá trị của nó chứ không thể để cho một số cá nhân gắn cho nó cái giá bao nhiêu. Việc xây dựng nhà tái định cư là một ví dụ. Thời gian qua dư luận phản ánh rất nhiều về vấn đề xây nhà tái định cư, hãy đền bù cho người dân theo giá trị thực tế của nó để họ muốn mua đâu thì mua, mua như thế nào là quyền của họ, không nên áp đặt một chiều như vậy.
Vấn đề quan trọng nhất ở đây là ai, tổ chức nào có khả năng định giá thị trường sát nhất?
Từ trước đến nay đã có khi nào người được hưởng đền bù được tham gia vào định giá đất đâu. Họ đều bị áp đặt một chiều, và phải chấp nhận giá đấy. Để việc định giá đất phù hợp với giá thị trường phải do những người am hiểu liên quan đứng ra đảm trách. Ví dụ như giá vàng, Nhà nước có áp đặt được đâu, nó phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong và ngoài nước. Theo tôi, những cái gì Nhà nước quản lý, đến thời kỳ này là thời kỳ quyết tâm theo kinh tế thị trường thì hãy tuân theo quy luật khách quan của nó.
Theo ông đề xuất này nếu được thông qua thì người dân sẽ được những lợi ích gì?
Nếu đề xuất này được thông qua thì từ nay việc khiếu nại của người dân về đền bù, thu hồi đất hay giải phóng mặt bằng chắc chắn sẽ giảm xuống rất nhiều vì có sự thoả thuận giữa hai bên, người dân sẽ được thoả mãn. Thậm chí nếu vì lợi ích quốc phòng an ninh thì người dân sẵn sàng cho không.
Xin cám ơn ông!