Ông Phạm Sỹ Liêm, Tổng hội Xây dựng Việt Nam thẳng thắn phê: “Trong khi Trung Quốc sau 13 năm mới soạn thảo và ban hành được luật Xây dựng thì Việt Nam chỉ mất 6 tháng đã ra được luật. Chúng ta soạn thảo nhanh nên sửa đổi cũng nhanh. Luật Trung Quốc quản lý hợp đồng rất nghiêm ngặt nhưng luật Việt Nam lại “thả nổi” hợp đồng nên dễ dàng vi phạm hợp đồng”.

Đồng ý kiến với ông Liêm, nhiều đại biểu tại Hội thảo “Hoàn thiện báo cáo rà soát luật xây dựng, luật đấu thầu” diễn ra sáng 29/9 cũng cho rằng, không chỉ dừng lại ở việc rà soát mà nên phá vỡ nó để đưa ra khung mới, tạo ra luật mới phù hợp với tình hình thực tiễn.


Hội thảo “Hoàn thiện báo cáo rà soát luật xây dựng, luật đấu thầu” được tổ chức tại Hà Nội sáng 29/9


Những ý kiến được đưa ra tập trung nhấn mạnh vào các vấn đề như: sử dụng chuẩn thuật ngữ, thông tư cần chính xác, cụ thể và đơn giản để dễ áp dụng.


Chủ trương này được ông Phan Vũ Anh, Vinaconex đưa ý kiến: “Ở Việt Nam chưa có hệ thống thuật ngữ chuẩn do chưa có luật cho loại thuật ngữ này. Luật Xây dựng có 14 Nghị định hướng dẫn, kèm với nó là nhiều thông tư. Tất cả các vấn đề phát sinh lại liên quan nhiều tới thông tư. Đã có không ít vi phạm nhưng do luật không nghiêm nên chưa bị xử phạt”.


Ý kiến khác đưa ra đóng góp vào luật xây dựng cần tham khảo thông lệ luật quốc tế để tránh việc phải bổ sung, sửa đổi liên tục.


Ông Dương Văn Cận, Hội đấu thầu Việt Nam, đóng góp bổ sung luật: “Luật hiện nay đang bảo vệ quyền lợi của chủ đầu tư, tính bình đẳng không cao, nhà thầu không được bảo vệ. Nếu quốc tế, trong 7 ngày có công văn nhà thầu đưa lên chủ đầu tư kiến nghị về việc A, B, C mà chủ đầu tư không trả lời thì nhà thầu có thể sẽ không làm và nếu có làm sẽ làm theo ý của mình. Ở Việt Nam thì không như thế, nhà thầu vẫn phải thực hiện để hoàn thành đúng tiến độ công trình. Vì chưa có luật cho hợp đồng, các nhà thầu rất khổ với cơ quan kiểm toán khi họ làm cái việc “bẻ” câu chữ”.


Phó vụ trưởng, Vụ Pháp luật Văn phòng Chính chủ, ông Đinh Dũng Sỹ cho rằng: “Văn bản luật có nhiều bất cập nhưng rất khó để nhà làm luật sửa đổi hay bổ sung nếu không có ý kiến đóng góp thực tế của các hiệp hội, nhà thầu và các đơn vị”.


Ông Lê Văn Tăng, Cục quản lý đấu thầu cho biết thêm: “Lật lại lịch sử, trước đây chúng ta phải làm luật theo kiểu tổng thể vì giống như một ngôi nhà nhỏ thì phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn phải cùng chung nhau. Khi chúng ta gia nhập WTO, ngành Xây dựng cũng có bước phát triển mới nên luật trở nên lỗi thời và thiếu tính thực tiễn. Tuy nhiên, phá vỡ luật để làm lại là rất khó, song chúng ta vẫn phải làm để “phòng nào ra phòng ấy”. Như thế sẽ không còn hiện tượng chồng chéo luật nữa”.

Theo Thanh Xuân (Bee)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.