Lỗi đâu chỉ tại dân
Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2011 đến tháng 6-2012, các lực lượng chức năng của thành phố đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 1.700 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, trong đó có trên 1.000 trường hợp xây không phép trên đất nông nghiệp, đất công. Tuy nhiên, đó chỉ là con số có phần khiêm tốn so với thực tế khi Hà Nội đang có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn công trình như xây dựng vượt tầng, phá quy hoạch… vẫn âm ỉ xuất hiện, trong đó có nhiều công trình có dấu hiệu “tiếp tay” của chính quyền địa phương.
Cách đây không lâu, sau khi UBND phường Dịch Vọng Hậu tiến hành giải tỏa và giải phóng mặt bằng đường Trần Quốc Hoàn theo chủ trương và chỉ đạo của UBND TP Hà Nội và quận Cầu Giấy, một số hộ dân ở đây đã đào móng, chuyên chở vật liệu đến để xây nhà không phép một cách ồ ạt, tràn lan. Sự việc này khiến đông đảo người dân ở đây tỏ ra rất bức xúc, lo lắng vì mục đích mở rộng con đường là góp phần chỉnh trang lại bộ mặt đô thị trong khu vực, xóa bỏ nút thắt cổ chai vốn có từ trước… Mục đích xây dựng con đường như vậy đã bị phá vỡ nhưng phải tới khi các cơ quan truyền thông lên tiếng thì chính quyền địa phương mới xuất hiện xử lý.
Không chỉ dừng lại ở các công trình nhỏ lẻ, tình trạng xây dựng không phép còn xảy ra ở một loạt các dự án nhà cao tầng trên địa bàn TP Hà Nội. Điển hình là việc xây dựng không phép ở tòa nhà thương mại, dịch vụ và nhà ở Sakura Tower. Theo thiết kế, tòa nhà Sakura Tower là tổ hợp căn hộ, văn phòng, thương mại nằm tại số 47 phố Vũ Trọng Phụng (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cao 21 tầng, có tổng diện tích đất hơn 2.668m2, diện tích đất xây dựng là 1.288m2 tương ứng mật độ xây dựng đến 48,2%, chiều cao tòa nhà là 86,4m. Tuy nhiên, sau gần 1 năm xây dựng không phép, khi phần thô của công trình đã cơ bản hoàn thành thì mới “bị” chính quyền phát hiện. Sự việc này một lần nữa khiến dư luận xã hội hoài nghi về tính nghiêm minh trong hoạt động xây dựng ở thủ đô khi ngày càng có nhiều công trình ngang nhiên xuất hiện ngay trước mặt chính quyền địa phương mà “trời biết, đất biết” nhưng chính quyền lại không biết.
Nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn mọc như nấm!
Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của tình trạng này vẫn chưa dừng lại ở đó khi trong nhiều vụ việc, chính quyền biết luật nhưng lại vẫn phạm luật mà trường hợp tòa nhà Lạc Hồng của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Nhân Chính liên doanh với Công ty Cổ phần Đầu tư Lạc Hồng tại phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội là một ví dụ điển hình. Tòa nhà gồm 10 tầng, được xây trên đất nông nghiệp, chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất cũng như chưa nộp tiền sử dụng đất và dĩ nhiên là chưa có sổ đỏ nhưng lại được UBND quận Thanh Xuân “phớt lờ” mọi quy định của pháp luật để cấp phép xây dựng. Những tưởng mọi chuyện sẽ bị xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật sau khi sai phạm trên bị phát hiện nhưng không, tòa nhà vẫn ngang nhiên tồn tại như thách thức dư luận xã hội và pháp luật, UBND quận Thanh Xuân và chủ đầu tư cũng chỉ bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
Thậm chí mới đây, khi những sai phạm trong trật tự xây dựng tại số 55A, 55B, 53D phố Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm vừa được làm rõ lại cho thấy có sự bảo kê của chính quyền cơ sở và cơ quan quản lý Nhà nước. Chủ đầu tư công trình này được Sở Xây dựng cấp phép xây 3 tầng hầm, 9 tầng nổi để làm nhà ở kết hợp văn phòng làm việc, nhưng đã xây dựng tới 14 tầng. Để hợp thức hóa vi phạm, UBND phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội đều có văn bản đề nghị Sở Xây dựng cấp phép điều chỉnh bổ sung để chủ đầu tư được nâng tầng làm bảo tàng tư nhân.
Thuốc đắng sẽ… dã tật
Từ những vụ việc trên có thể thấy, công tác quản lý trật tự xây dựng ở Hà Nội đang có “vấn đề” và đây chính là nguyên nhân sâu xa dẫn tới tình trạng vi phạm trật tự xây dựng ở thủ đô. Trong quá trình tìm hiểu tại một vài công trình xây dựng trái phép, nhiều người đã bật mí cho tôi “bí quyết” để triển khai những công trình này là “làm luật với chính quyền”. Thậm chí, có người còn nói thẳng, cứ gặp mấy bác ở phường, mà nếu có quan hệ thì lên quận, lên huyện là xong hết. Chính quyền cho qua thì ai còn nói được.
“UBND xã, phường, thị trấn là địa chỉ chịu trách nhiệm chính, trực tiếp về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Song, trách nhiệm quản lý này đã bị buông lỏng, đặc biệt ở cấp xã, phường. Ngay cả khi các vụ vi phạm trật tự xây dựng đã bị phát hiện cũng xử lý không kiên quyết, có tình trạng vị nể, chưa làm hết trách nhiệm, thẩm quyền. Thậm chí, có cả hiện tượng bao che, dung túng cho hành vi vi phạm, dẫn đến việc tồn tại các công trình xây dựng sai phép, không phép, siêu mỏng, siêu méo...”, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội chia sẻ.
Theo ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội cho biết, trong quá trình kiểm tra vi phạm của các tổ chức Đảng và đảng viên có liên quan đến việc cấp giấy phép xây dựng đã phát hiện 4 sai phạm của Sở Xây dựng trong cả 2 lần cấp phép cho công trình vừa nêu.
“Lẽ ra các cơ quan Nhà nước khi thấy chủ đầu tư sai phạm thì phải cùng nhau bàn biện pháp để xử lý cho triệt để, nghiêm túc. Nhưng thay vào đó lại bàn cách hợp thức hóa sai phạm cho chủ đầu tư. Chủ đầu tư thì cố tình sai phạm. Sở Xây dựng làm trái các quy định của pháp luật để cấp phép cho chủ đầu tư vi phạm nghiêm trọng. Lực lượng thanh tra và chính quyền địa phương từ thành phố đến cơ sở buông lỏng quản lý Nhà nước và có động thái tiếp tay, dung túng, hợp thức hóa sai phạm cho chủ đầu tư”, ông Dực nói thêm.
Thừa nhận những yếu kém trong công tác quản lý trật tự đô thị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: “Việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng chỉ là “cực chẳng đã”, nhưng nếu không kiên quyết thì không thể nào chấn chỉnh, lập lại trật tự được. Bên cạnh những cái sai của chủ công trình, cũng có những cái sai từ thành phố đến cơ sở, thậm chí có những trường hợp thanh tra của Bộ cũng bao che. Những trường hợp đã rõ phải tập trung xử lý, xử lý đồng thời cả phía chủ đầu tư lẫn cán bộ, công chức và những người có liên quan”.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nêu rõ: “Thường trực các quận ủy, huyện ủy, thị ủy, UBND các quận, huyện, thị xã và cá nhân các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng chịu trách nhiệm về việc để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn. Đặc biệt, Thường trực Thành ủy đã giao cho Ủy ban Kiểm tra Thành ủy tiếp tục tiến hành kiểm tra, kết luận vi phạm của các tổ chức đảng và đảng viên có liên quan để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng, xử lý kỷ luật theo thẩm quyền; chỉ đạo tổ chức đảng cấp dưới xử lý kỷ luật theo phân cấp quản lý cán bộ. Ban Tổ chức Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Sở Nội vụ thông qua việc đánh giá công tác lãnh đạo, quản lý xây dựng và xử lý các vụ việc vi phạm, có trách nhiệm tham mưu, đề xuất việc điều động, bố trí thay thế cán bộ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đây không còn là lời cảnh báo mà chắc chắn sẽ thành hiện thực”.