12/03/2013 9:17 PM
Tại Hà Nội, nhiệm vụ thẩm định một dự án được giao cho 4-5 sở, ngành cùng tham gia. "Bộ lọc" như thế xem ra là rất kỹ. Nhưng thật khó hiểu khi vẫn còn nhiều chủ đầu tư kém năng lực lọt được qua "bộ lọc". Phải chăng năng lực cán bộ thẩm định yếu kém hay trách nhiệm người thẩm định không được xem xét khi để xảy ra những dự án "treo" do nhà đầu tư không đủ khả năng thực hiện? Thực tế là có cả hai yếu tố này.

Cần đổi mới cơ chế thẩm định

Ví dụ điển hình của tình trạng giao dự án cho nhà đầu tư theo kiểu "lấy được" là dự án Khu đô thị Thạch Thất, có diện tích hơn 803ha, do Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư. Gần 4 năm sau khi UBND tỉnh Hà Tây cũ có quyết định thu hồi đất dự án, chủ đầu tư không hề liên hệ bất kỳ lần nào với UBND huyện Thạch Thất để triển khai thực hiện. Dự án mới chỉ có ý nghĩa trên giấy nhưng đã khiến khoảng 4 vạn hộ dân liên quan trải bao lo lắng trong ngần ấy thời gian. Dự án này vừa được UBND TP Hà Nội ra quyết định thu hồi.

Đổi mới công tác quản lý đất đai đang là yêu cầu cấp thiết trong thời điểm hiện nay. Ảnh: Đàm Duy
Đổi mới công tác quản lý đất đai đang là yêu cầu cấp thiết trong thời điểm hiện nay.
Ảnh: Đàm Duy

Không thể nói rằng các cơ quan chức năng đúng đắn trong việc lựa chọn nhà đầu tư bởi không ít dự án sau đó đã rơi vào tình trạng "treo"; cũng không thể cho rằng quy trình, cơ chế lựa chọn, thẩm định nhà đầu tư hiện nay đang áp dụng là chuẩn mực khi tình trạng dự án "treo", để đất hoang hóa trở thành phổ biến. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Vũ Văn Hậu từng khẳng định: "Dự án bỏ hoang có liên quan đến việc chọn nhà đầu tư chưa được tốt. Có tình trạng nhiều chủ đầu tư chưa đủ năng lực vẫn được giao dự án".

Năng lực tài chính là yếu tố hàng đầu để xét duyệt chủ đầu tư dự án có sử dụng đất. Theo quy định, chủ đầu tư có quyền triển khai dự án nếu như họ có 20% vốn đầu tư. Tuy nhiên, theo ông Vũ Văn Hậu, việc kiểm soát họ làm bao nhiêu dự án, ở bao nhiêu địa phương, năng lực tài chính thực sự thế nào… hiện rất khó khăn vì chưa có sự liên thông, trao đổi, cung cấp thông tin lẫn nhau giữa các địa phương. Song ngay cả khi làm được điều đó cũng cần phải tính đến việc loại trừ tình trạng "chạy" dự án hay việc thông đồng giữa cán bộ thẩm định với chủ đầu tư để qua mặt các cơ quan chức năng của thành phố. Hiện, cơ chế kiểm soát những vấn đề này vẫn tồn tại khá nhiều lỗ hổng.

Bên cạnh đó, phải thừa nhận, đã có thời gian chúng ta quá dễ dãi với các nhà đầu tư, thậm chí còn xuất hiện tư tưởng nóng vội, giành giật nhà đầu tư giữa các địa phương để lấy… thành tích, điều đó làm cho cơ chế, quy trình, thủ tục sàng lọc nhà đầu tư vốn đã lỏng lẻo lại được linh hoạt "vận dụng", nghĩa là có thể có sự châm chước. Một khi những người được coi là "bộ lọc" chưa được ràng buộc trách nhiệm một cách chặt chẽ, chúng ta không có được "bộ lọc" chắc chắn cũng là điều dễ hiểu. Do đó, danh sách dự án "treo" tại Hà Nội có lẽ còn tiếp tục nối dài cho tới khi có những đổi mới thật sự về tổ chức và hoạt động của "bộ lọc" nhà đầu tư.

Luật hóa chặt chẽ hơn

Việc kiên quyết thu hồi các dự án "treo", bổ sung vào quỹ đất của Hà Nội để bố trí cho những nhu cầu sử dụng đất cấp bách trong phát triển kinh tế - xã hội là hết sức cần thiết. Điều đó có tác dụng tích cực trong phòng ngừa, răn đe những chủ đầu tư giành dự án theo kiểu "giữ chỗ", khiến đất đai bị bỏ hoang, chậm đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, động thái này cũng góp phần giảm thiểu những thiệt hại, lãng phí do dự án "treo" gây ra.

Theo quy định của Luật Đất đai, đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án mà không sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất đó cho phép thì Nhà nước sẽ thu hồi. Việc trả lại tiền đã bồi thường, hỗ trợ về đất (tiền sử dụng đất) và tài sản trên đất của chủ đầu tư bị thu hồi đất được thực hiện theo quy định tại Điều 35, Nghị định số 181/2004/NĐ-CP. Như vậy, xét về bản chất, các dự án "treo" đều có căn cứ pháp luật để xác định thu hồi. Hơn nữa, các chế tài cũng đã được quy định rõ tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, trên thực tế có thể thấy các cơ quan có thẩm quyền trong việc thu hồi dự án "treo" chưa quyết liệt vào cuộc. Ở một số nơi, UBND các quận, huyện vẫn đứng ra "xin" cho nhà đầu tư được kéo dài thời gian. Dù sau đó, hết thời hạn, dự án vẫn nằm yên tại chỗ. Chưa kể, trước đây khi cả Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng có quyền gia hạn thời gian triển khai dự án, đã nảy sinh không ít chồng chéo. Có trường hợp, sở này quyết định thu hồi, sở kia lại cho gia hạn như đã từng xảy ra đối với cùng một dự án tại huyện Thanh Trì. Khắc phục tình trạng này, cuối năm 2012, UBND TP Hà Nội quyết định, chỉ có cơ quan giao đất mới được phép ra hạn sử dụng hoặc thu hồi nhưng sự chồng chéo về trách nhiệm quản lý của các cơ quan chức năng trước đây đã để lại không ít dự án "treo" kéo dài không bị xử lý.

Một vấn đề nữa mà Hà Nội và các địa phương đều đối diện với khó khăn đó là thiếu một quy trình bài bản được pháp luật quy định trong xử lý, thu hồi dự án "treo". Ví dụ, với các dự án nhà đầu tư đã triển khai một số hạng mục công trình, tiền sử dụng đất đã thu nộp vào ngân sách, bây giờ thu hồi thì lấy tiền đâu ra đền bù? Rào cản này chưa được tháo gỡ. Có ý kiến đề xuất có thể lấy tiền bán đấu giá mảnh đất đó rồi đền bù cho nhà đầu tư nhưng cách thức triển khai thế nào thì vẫn chưa rõ…

Hiện nay, chúng ta đang triển khai lấy ý kiến của nhân dân vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), những khúc mắc nêu trên nhiều lần được đề cập. Để khắc phục những bất cập đó, phải có những quy định chặt chẽ trong thu hồi đất, tăng cường sự giám sát của xã hội, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của cả Nhà nước, chủ đầu tư và người dân.

Qua một số phân tích nêu trên có thể thấy nhu cầu đổi mới công tác quản lý đất đai là rất cấp thiết. Sở dĩ các dự án "treo" có điều kiện tồn tại là bởi chất lượng công tác quản lý nhà nước về đất đai cũng như quản lý nhà nước trong đầu tư dự án còn nhiều hạn chế. Vấn đề đó nhiều năm qua chưa được khắc phục, làm "bốc hơi" những khoản tiền lớn của Nhà nước và nhân dân.
  • Quản lý sử dụng nhà, đất công trên địa bàn Hà Nội: Bắt mạch, kê thuốc, trị bệnh

    Quản lý sử dụng nhà, đất công trên địa bàn Hà Nội: Bắt mạch, kê thuốc, trị bệnh

    Tài sản công là nhà, đất có giá trị rất lớn và là một trong những nguồn lực phát triển kinh tế quan trọng hàng đầu của Thủ đô Hà Nội nói riêng cũng như của cả nước nói chung. Tuy nhiên, thời gian qua, nguồn lực này chưa thể phát huy tối đa hiệu quả, thậm chí còn bị sử dụng lãng phí, sai mục đích, để lại những hậu quả nghiêm trọng. Thực trạng này có nhiều nguyên nhân và đặt ra một số vấn đề cần gấp rút giải quyết. Đó cũng chính là mục tiêu của loạt bài "Quản lý sử dụng nhà, đất công trên địa bàn

Hà Trâm Anh (Hà Nội mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.